Cuộc sống trong trẻo và trìu mến với triển lãm "Ngày rộng"
Họa sĩ Nguyên Pastel với dấu ấn dịu dàng trong dòng tranh phấn Việt Khai mạc triển lãm trưng bày hình ảnh khối đại đoàn kết dân tộc Triển lãm "Hồi ngôn" - nơi trẻ khiếm thính vẽ ước mơ |
Làm nghệ thuật với tâm hồn rộng mở
“Ngày rộng” - rộng thêm về thời gian, rộng thêm về không gian, rộng thêm về sắc màu, rộng thêm về cảm xúc, tình yêu và tri kiến. Đây chính là tên của nhóm họa sĩ, cũng là hoạt động mỹ thuật thường niên, bền bỉ, mỗi lần đều mang đến những điều mới mẻ, sáng tạo, khác biệt để công chúng thưởng lãm và chiêm nghiệm.
Các họa sĩ nhóm "Ngày rộng" trong triển lãm chung lần thứ 4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Vì thế, “Ngày rộng” có thể là một ngày mà ta tự cho phép mình có thời gian để sống trọn vẹn cho khoảnh khắc hiện tại, những khoảnh khắc của tình cảm gia đình, bạn bè, của vẻ đẹp thế giới xung quanh. Một ngày ta tự cho phép ta tận hưởng cảm giác thư thái an bình.
Đó là một ngày ta đưa mình đi ngắm trời, ngắm mây ngắm núi, đi tới những miền xa lạ, gặp những con người mới, tiếp xúc với những văn hoá, phong tục mới. Một ngày ta bỗng thấy yêu hơn những người, những vật, những khung cảnh vẫn ở chung quanh mình bấy lâu, ta tha thứ cho người khác và tha thứ cho bản thân mình.
Đó là một ngày ta bỗng đặt cho mình những câu hỏi mà ta đã quên từ lâu: Ta là ai? Ta phải làm gì? Hạnh phúc là gì? Ý nghĩa cuộc sống là gì? Ta không còn chấp nhận một nhận thức, một tri kiến nhỏ hẹp, đôi mắt và tâm trí ta không còn như xưa…
Triển lãm thu hút đông đảo người xem |
Tất nhiên “Ngày rộng” cũng là một ngày mà chúng ta làm nghệ thuật, thưởng thức nghệ thuật với tâm hồn rộng mở…
Tham gia triển lãm “Ngày rộng” lần thứ 4 có các họa sĩ: Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Quang Hoan, Trần Cường (Kuolg Trần) và Phạm Khải. Đây đều là những họa sĩ có tên tuổi trong giới hội họa, từng tham gia nhiều triển lãm nhóm và cá nhân. Riêng với “Ngày rộng”, họ bền bỉ đi với nhau đến mùa thứ 4 cho thấy những điểm chung về quan niệm nghệ thuật, phong cách sáng tạo cũng như đích hướng đến của những tác phẩm.
Nhóm “Ngày rộng” được thành lập vào năm 2020, việc hình thành nhóm nói chung cũng đều xoay quanh chữ “duyên”. Các thành viên ban đầu của nhóm quen biết nhau qua các group, các diễn đàn nghệ thuật trên mạng, dần dần bắt đầu hình thành ý định về triển lãm nhóm.
Không gian của "Ngày rộng" |
Lúc có ý định triển lãm, các thành viên vẫn chưa hề gặp mặt nhau ngoài đời. Đây cũng là ví dụ điển hình của kiểu hình thành nhóm nghệ thuật trong thời đại internet. “Nhóm chúng tôi đã định hướng từ đầu là tập hợp các anh em nhiều lứa tuổi, đa phong cách, đến từ nhiều địa phương khác nhau.
Nhóm muốn hướng đến làm mờ đi ranh giới của phong cách, của địa lý, của tuổi tác… để hướng đến tiêu chí: Hài hòa trong đa dạng. Có người vẽ theo phong cách hậu ấn tượng cũng có người vẽ theo phong cách trừu tượng, biểu hiện… Tất cả đều hướng đến một mục tiêu: Xây dựng nhóm ngày càng đoàn kết, hoạt động ngày càng hiệu quả, đi cùng nhau được lâu dài.
Họa sĩ Lê Anh cho biết: “Ngày rộng” lần thứ 4 trưng bày hơn 50 tác phẩm sơn dầu, được các họa sĩ vẽ trong khoảng một năm vừa qua. Một năm trôi qua kể từ “Ngày rộng” lần thứ 3. Một vòng quay của thời gian, với bao sự kiện, bao diễn tiến của cuộc đời xảy ra.
Chúng ta của năm nay đã khác năm trước và khác những năm về trước nữa. Chính vì thế, cái nhìn hội họa, cái nhìn cuộc đời cũng đã khác nhau".
Những thay đổi ấy được các họa sĩ gửi gắm cả vào trong tranh vẽ. Ngắm tranh của họ, khán giả sẽ một lần nữa được chìm vào những “Ngày rộng” của họa sĩ và mở rộng biên độ “ngày rộng” của riêng mình.
Cuộc hội ngộ của sắc màu và suy tưởng
“Mọi sự vật, mọi cảm xúc rồi sẽ thay đổi và mất đi cùng với thời gian nên tôi luôn muốn lưu giữ trên bề mặt tranh những thời khắc của thiên nhiên và cuộc sống đang chuyển động không ngừng xung quanh, cũng như những thăng giáng và biến chuyển của tâm trí và cảm xúc.
ác phẩm "Xuân hoài niệm" của tác giả Phùng Văn Tuệ |
Bởi vậy, những tác phẩm này chính là sự kết tinh đến từ cả bên ngoài và bên trong, từ cả sự chuyển dịch và lắng đọng mà tôi muốn chia sẻ đến các bạn yêu nghệ thuật” - họa sĩ Phùng Văn Tuệ chia sẻ.
Tác phẩm "Sớm xuân" của họa sĩ Phùng Văn Tuệ |
Chính vì thế, ngắm nhìn những tác phẩm được thể hiện theo phong cách hội họa trừu tượng như “Xuân hoài niệm”, “Ngày trắng”, “Sớm xuân”… của họa sĩ Phùng Văn Tuệ, chúng ta thấy mỗi bức tranh giống như sự phóng chiếu nhận thức, cảm xúc nội tâm của chính khán giả, khơi gợi và kích thích mong muốn được giải mã của người thưởng thức.
Tác phẩm "Một mảnh sân trường" của họa sĩ Nguyễn Lê Anh |
Với họa sĩ Nguyễn Lê Anh, hội họa giống như những mảnh ký ức, cảm xúc, suy tư được sắp đặt và biểu hiện bằng ngôn ngữ của màu sắc, bố cục, đường nét. Thế nên ở những tác phẩm như “Một mảnh sân trường”, “Bên khung cửa - Chiều” hay “Giai điệu phố”... người xem đều như bắt gặp những câu chuyện của quá khứ, những ấn tượng trong hiện tại và cả những gợi mở tương lai đan xen, hòa quyện…
Tác phẩm "Giai điệu phố" của họa sĩ Nguyễn Lê Anh |
Thời gian tới, ngoài tiếp tục đào sâu những đề tài sở trường, họa sĩ Lê Anh sẽ tìm tòi thêm các đề tài khác và thể nghiệm một số sáng tác mang tình chất tượng trưng và biểu hiện nhiều hơn.
Vẫn tiếp tục với đề tài phong cảnh theo lối vẽ hậu ấn tượng, nhưng đến với “Ngày rộng” lần này, họa sĩ Nguyễn Quang Hoan mang đến nhiều khác biệt bất ngờ khi bố cục, màu sắc tác phẩm được thể hiện đơn giản, chắt lọc hơn, không gian và thời gian cũng được khắc họa kỹ hơn.
Tác phẩm "Bình yên nơi vùng cao" của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan |
Những tác phẩm như “Bình yên nơi vùng cao”, “Tháng 3”, “Một chút thu”… là những dấu ấn đầy rung động của tác giả về những vùng đất mà anh đã đi qua.
"Ở đó tôi tìm thấy được sự bình yên tĩnh lặng và thơ mộng. Mỗi tác phẩm của tôi là một câu chuyện, một góc nhìn và là nơi tôi có thể thoải mái nói lên những điều mà không thể bày tỏ, diễn tả được bằng lời.
Tác phẩm "Tháng 3" của họa sĩ Nguyễn Quang Hoan |
Những tác phẩm mà tôi mang tới triển lãm lần này hy vọng sẽ chạm tới cảm xúc của các bạn yêu nghệ thuật, mang tới những cảm nhận khác lạ, gửi vào đó những tinh tế ẩn giấu trong những điều bình dị", họa sĩ Nguyễn Quang Hoan tâm sự.
Sử dụng màu sắc, bút pháp mạnh mẽ với nhiều yếu tố của ngôn ngữ tượng trưng và biểu hiện, những tác phẩm như “Lạc giữa mùa xuân”, “Hoài cổ”, “Đêm xanh”... của họa sĩ Trần Cường (Kuolg Trần) lại thể hiện quá trình đi tìm chính mình của tác giả.
Tác phẩm "Lạc giữa mùa xuân" của họa sĩ Trần Cường |
“Với tôi thì thực hành nghệ thuật là quá trình đi tìm chính mình. Tôi thường tự đặt tôi vào một bối cảnh nào đó, như một giấc mơ, một không gian tưởng tượng hay cũng có thể chỉ là một góc nhìn nào đó về hiện thực tôi đang sống. Hay nói đơn giản là tôi vẽ chính bản thân tôi và tôi đặt mình vào trong đời sống của chính những sáng tác tôi tạo ra” - Kuolg Trần bày tỏ.
Tác phẩm "Hoài cổ" của tác giả Trần Cường |
Anh cũng chia sẻ về dự định sẽ đi sâu vào chủ đề “Lạc giữa thanh xuân” cho triển lãm cá nhân sắp tới.
Tác phẩm "Giấc chiêm bao" của họa sĩ Phạm Khải |
Với chàng họa sĩ trẻ tuổi nhất nhóm Phạm Khải, qua những bức tranh của anh như “Giấc chiêm bao”, “Tiếng gà rừng”, “Trở về”… người xem vẫn bị thu hút bởi tình yêu nồng nàn dành cho Hà Nội đầy thi vị, cổ kính và dành cho quê hương nơi tác giả sinh ra với những đỉnh núi cao vời vợi, những bản làng bình yên trong nắng sớm...
Tác phẩm "Trở về" của họa sĩ Phạm Khải |
"Trong mỗi chủ đề, mỗi nguồn cảm hứng, tôi lại sống trong những cảm xúc khác nhau của từng tác phẩm, từng góc độ, từng không gian và thời gian. Tôi gửi vào đó những suy tư, những cảm nhận, những tình cảm và cả những giấc mơ rất riêng của mình và rồi chia sẻ điều đó đến mọi người", Phạm Khải cho biết.