Giới trẻ "nghiện" thực phẩm chế biến sẵn dễ có nguy cơ mắc trầm cảm
Nghiên cứu được công bố do các tác giả tại Khoa Dinh dưỡng, Khoa Dịch tễ học, Khoa Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan đã đánh giá mối liên hệ giữa thực phẩm chế biến sẵn như đồ ăn nhẹ đóng gói và bữa ăn đông lạnh với bệnh trầm cảm.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về chế độ ăn uống và sức khỏe tâm thần của 31.712 phụ nữ trung niên từ năm 2003 đến năm 2017. Thói quen ăn uống của họ được đánh giá bốn năm một lần.
Giới trẻ "nghiện" thực phẩm chế biến sẵn dễ có nguy cơ mắc trầm cảm |
Họ cũng báo cáo liệu họ có được chẩn đoán lâm sàng về bệnh trầm cảm và/hoặc bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian nghiên cứu hay không.
Kết quả cho thấy, những người tham gia nằm trong nhóm 5 người tiêu dùng thực phẩm chế biến sẵn hàng đầu (ăn 9 phần ăn trở lên mỗi ngày) có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 50% so với những người thuộc nhóm 5 người tiêu dùng cuối cùng (ăn 4 phần ăn trở xuống mỗi ngày).
Các nhà nghiên cứu cũng xác định được mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo và bệnh trầm cảm: Những người tham gia trong nhóm 5 người tiêu dùng hàng đầu có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 26% so với những người ở nhóm 5 người cuối cùng.
Trầm cảm là một bệnh lý phức tạp và các nhà khoa học vẫn chưa có hiểu biết đầy đủ về căn bệnh này cũng như nguyên nhân của nó.
Bằng chứng cho thấy nhiều yếu tố xã hội, sinh học và tâm lý khác nhau đóng vai trò gây ra trầm cảm, bao gồm di truyền, các sự kiện và trải nghiệm trong cuộc sống, hoạt động thể chất, sử dụng chất gây nghiện và các tình trạng sức khỏe khác mà họ có thể mắc phải.
Giáo sư Andrew Chan tại Trường Y Harvard, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, chế độ ăn uống được cho là đóng một vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm.
"Thật khó để đánh giá tầm quan trọng của chế độ ăn uống so với các yếu tố khác vì có nhiều yếu tố góp phần vào sức khỏe tâm thần.
Thay vì một chế độ ăn cụ thể ảnh hưởng đến trầm cảm, có thể đơn giản là những người bị trầm cảm có xu hướng ăn một loại thực phẩm nhất định. Tuy nhiên phát hiện này cho thấy mọi người, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn bất cứ khi nào có thể", Giáo sư Andrew Chan chia sẻ.
Thực phẩm đã qua chế biến là bất kỳ thực phẩm nào được thay đổi trong quá trình chế biến để thuận tiện hơn, bảo quản được lâu hơn hoặc có hương vị hơn.
Một số thực phẩm được chế biến nhiều hơn những thực phẩm khác. Ví dụ, rau quả cắt sẵn đóng túi hoặc đậu xanh bóc vỏ sẵn được coi là đã qua chế biến nhưng nó chỉ được chế biến ở mức tối thiểu vì trạng thái tự nhiên của nó không thay đổi.
Đối với món nước sốt, xúc xích, thịt nguội, giăm bông hoặc mì ống… quay trong lò vi sóng được coi là đã qua chế biến nhiều vì chúng đã bị biến đổi về mặt hóa học với hương vị nhân tạo, chất phụ gia và các thành phần khác.
Thực phẩm siêu chế biến thường bao gồm nhiều chất phụ gia và thành phần thường không được sử dụng trong nấu ăn tại nhà như chất bảo quản, chất nhũ hóa, chất làm ngọt, màu và hương vị nhân tạo. Những thực phẩm này thường có thời hạn sử dụng lâu dài.
Thực phẩm siêu chế biến thường không cân đối về dinh dưỡng, nhiều calo, chứa nhiều đường, muối và chất béo, thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất…
Nghiên cứu đã chứng minh, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như béo phì, bệnh tim, tăng huyết áp, đái tháo đường và làm tăng nguy cơ ung thư.
Trà sữa - món đồ uống ngọt ngào gây nghiện đối với giới trẻ nhưng có nhiều tác hại về sức khoẻ |
Chất làm ngọt nhân tạo là phụ gia thực phẩm nhằm mục đích thay thế đường. Chúng được tạo ra bằng cách kết hợp hóa học các phân tử khác nhau trong phòng thí nghiệm. Đường nhân tạo được tạo ra để bắt chước hương vị của đường, nhưng chúng thường ngọt hơn đường hàng trăm lần.
Mặc dù nghiên cứu đến nay cho thấy, nguy cơ ung thư từ chất làm ngọt nhân tạo có lẽ là thấp. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy những sản phẩm này có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và cân nặng, gây rối loạn sức khỏe đường ruột và làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn chuyển hóa.
Đáng lo ngại giới trẻ hiện nay nghiện đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn hơn trước đây. Đường là chất cung cấp năng lượng cho não.
Vấn đề chính của nhiều món ăn ngọt ví dụ như các loại nước giải khát, trà sữa... là hàm lượng đường quá cao, tất cả các loại nước uống có hàm lượng đường cao sẽ mang lại cảm giác ngon, dễ uống, nhưng cùng với đó sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật.
Uống nhiều trà sữa, nước giải khát lượng đường vào cơ thể sẽ gây cảm giác thèm ăn, béo phì, tiểu đường. Những vòng xoắn luẩn quẩn sẽ xuất hiện, như mỡ máu tăng, gan nhiễm mỡ, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, cùng hàng trăm biến chứng do tiểu đường gây ra.
Đường trong trà sữa nhiều và uống quá nhiều cũng gây hư răng, hỏng xương do rối loạn hấp thụ canxi, thậm chí ức chế não gây suy giảm trí nhớ và khả năng phán đoán.