Cuối năm lại lo chuyện... thực phẩm Tết
Lực lượng chức năng bắt giữ 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng
Bài liên quan
Hà Nội: Giá thực phẩm tại các chợ dân sinh tăng chóng mặt sau Tết Nguyên đán
Thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP
"Nóng" chuyện thực phẩm bẩn hàng không nguồn gốc dịp Tết Nguyên đán
Đua nhau mua thực phẩm quê
Từ 2 năm nay, cứ đến gần Tết Nguyên đán, gia đình anh Nguyễn Văn Lưu (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch ở quê. Anh Lưu cho biết, gần Tết năm 2017, gia đình anh đặt mua 2 cân giò lụa ngoài chợ. Tuy nhiên, giò mua về dù đã bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh, khi đưa ra sử dụng vẫn bở và có mùi chua.
Vì vậy, năm sau đó, anh quyết định trước Tết về quê mua hết thực phẩm mang lên dự trữ ăn dần. Sau khi chia sẻ với một vài người bạn cùng cơ quan có chung ý định, anh Lưu đã trực tiếp liên hệ với người quen ở Lào Cai để mua măng khô, nấm hương, rượu cần, cùng con lợn cắp nách của người dân bản địa.
“Ngày Tết việc ăn uống chẳng đáng là bao và ở Hà Nội đúng là không thiếu thứ gì nhưng thi thoảng lại thấy thông tin chỗ này ngộ độc thực phẩm, chỗ kia bắt được thực phẩm không nguồn gốc nên tôi thấy không yên tâm. Vì vậy, tôi và vài người bạn đã đặt mua hết thực phẩm sạch ở trên Lào Cai, gần Tết chỉ việc đánh xe lên chở về. ” - anh Lưu chia sẻ.
Không yên tâm về thực phẩm bày bán ngoài chợ, mấy năm nay chị Nguyễn Thị Ánh (Hà Đông, Hà Nội) thường mang thực phẩm “của nhà trồng được” từ Sơn La xuống Thủ đô. Thấy vậy, nhiều bạn bè đã nhờ chị đặt mua những món hàng như thịt lợn, gà, rau củ “made in Sơn La” vào mỗi dịp Tết.
“Gia đình tôi ở quê làm nông nghiệp nên nuôi rất nhiều gà và trồng cả vườn rau rộng. Trước Tết khoảng 2-3 tháng, nhiều bạn bè đồng nghiệp dặn tôi mua gà và các thực phẩm thiết yếu nên gia đình ở quê có chăn nuôi nhiều hơn mọi năm. Để kịp có các loại rau củ cho dịp Tết, bố mẹ tôi đã sớm gieo trồng và chăm sóc đều đặn”, chị Ánh chia sẻ.
Giá thịt lợn tăng cao nên gần một tháng nay, để chống chọi với "cơn bão giá" nhiều người dân đã bắt đầu đổ xô tìm đặt mua lợn sạch ở các vùng quê, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Chị Thu Loan (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi có một người đồng nghiệp quê ở Hòa Bình, thời gian gần đây có mổ đụng thịt lợn và bán với giá 150.000 đồng/1kg. Biết nguồn thịt lợn đảm bảo, an tâm nên tôi cũng đã đặt mua vài kg về để cả nhà ăn dần. Mua ở quê rẻ hơn so với Hà Nội lại đảm bảo sạch”.
Tuần trước chị Loan đã rủ thêm được 3 gia đình nữa góp tiền mua lợn về đụng ăn chung giống như các cụ vẫn làm ở thời bao cấp. Vậy là Tết này, các gia đình dự kiến chia nhau mỗi nhà khoảng gần 20kg thịt ăn tới tận ra Giêng...
Liên tiếp bắt giữ các vụ thực phẩm bẩn
Những lo lắng của người dân là có cơ sở khi càng gần Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng càng phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vào thị trường.
Mới đây, ngày 30/12, tổ công tác của Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội gồm Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 khi kiểm tra tại kho đông lạnh An Việt thuộc Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh đã phát hiện 25 tấn đùi gà hun khói ghi nhãn Hàn Quốc đã hết hạn sử dụng gần 1 năm.
Toàn bộ sản phẩm trong kho đều không có giấy tờ nhập khẩu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp và các giấy tờ được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Theo lời khai của chủ cơ sở, khi thấy sản phẩm sắp hết hạn sử dụng, họ đã tự ý gia hạn thêm thời gian sử dụng. Ước tính giá trị lô hàng này khoảng trên 5 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 30/12, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với đội 11 Quản lý thị trường đã bắt giữ 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Đây được coi là các loại đặc sản và có nhu cầu tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm.
Lực lượng chức năng bắt giữ 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng |
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng hàng chứa hàng tấn lưỡi vịt, trứng non và nầm lợn đông lạnh có tem nhãn Trung Quốc. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của các mặt hàng này. Lái xe cho biết, số hàng này chuẩn bị được vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Đáng lưu ý, bảo vệ tại siêu thị cho biết, hai xe này thường xuyên chở hàng thủy hải sản từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội cho siêu thị. Còn đại diện siêu thị Mega Market thì cho biết, hành trình từ Hà Nội về lại TP Hồ Chí Minh xe chở gì thì siêu thị không kiểm soát được, dù việc bốc xếp hàng thực hiện ngay trong sân siêu thị, xe container cũng của siêu thị.
Tiếp đó, chiều 31/12, trong quá trình tuần tra kiểm soát theo kế hoạch của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) C08, tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Yên Bái và tổ công tác Phòng 7 của Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an (C05) cũng đã phát hiện một xe ô tô chở 1,4 tấn vịt đông lạnh không có giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc hàng hóa theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, cảnh báo cho người tiêu dùng
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, vào các tháng cận và trong Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, sức mua trên thị trường với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường. Dự báo, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sức mua cũng tăng tương tự như năm 2019, tập trung ở các sản phẩm như các loại thịt, cá, trứng; các loại bánh mứt kẹo và các loại đồ uống.
Với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, hiện từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm và bắt đầu ra quân từ ngày 15/12/2019 đến 25/3/2020. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, địa phương để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; trong đó sẽ đặc biệt lưu ý tại khu vực cửa khẩu.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, dịp Tết năm nay, ngoài 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố; các đoàn kiểm tra liên ngành của 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn còn có sự vào cuộc của các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
"Trong quá trình triển khai, các đoàn kiểm tra, thanh tra cấp cơ sở, nhất là cấp phường nếu có khó khăn, vướng mắc cần liên hệ với cơ quan chức năng của thành phố để được hỗ trợ. Cùng với đó, thành phố cũng tăng cường nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra, kiểm tra gửi đến để có kết quả sớm. Hằng tuần, sẽ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm, từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.