Lựa chọn thực phẩm an toàn cho chuyến du lịch cho trẻ em
Lạm dụng thực phẩm đóng gói sẵn dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ
Năm 2023, UNICEF đã có báo cáo nghiên cứu về các thực phẩm đóng gói sản xuất thương mại cho trẻ dưới 3 tuổi năm 2023 được thực hiện tại bảy quốc gia, trong đó có Việt Nam bởi UNICEF cùng các đối tác của Hiệp hội Cải thiện thực phẩm bổ sung ở Đông Nam Á (COMMIT).
Cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 1.600 loại ngũ cốc trẻ sơ sinh, thực phẩm xay nhuyễn, thực phẩm dạng túi, đồ ăn nhẹ và đồ ăn liền được bán cho trẻ nhỏ ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu cũng đánh giá hành vi của người tiêu dùng và các quy định hiện hành ở bảy quốc gia.
Kết quả khảo sát cho thấy thực phẩm đóng gói sản xuất thương mại được bán cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi ở Đông Nam Á có hàm lượng đường và muối cao.
Bên cạnh đó, các nhãn mác có khả năng gây hiểu lầm và chứa các thông tin không chính xác.
Các sản phẩm thường được quảng cáo giàu dinh dưỡng, có trái cây, hoàn toàn tự nhiên, nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Đặc biệt, những thực phẩm bao gói sẵn cho trẻ nhỏ hiện đang là lựa chọn của nhiều cha mẹ vì nhanh chóng và tiện lợi.
Tuy nhiên, gần một nửa số sản phẩm được nghiên cứu (44%) có chứa đường bổ sung và chất tạo ngọt. Con số này tăng lên 72% ở các đồ ăn nhẹ.
Những thực phẩm bao gói sẵn cho trẻ nhỏ hiện đang là lựa chọn của nhiều cha mẹ vì nhanh chóng và tiện lợi |
Về muối, hơn 1/3 các sản phẩm được nghiên cứu chứa nhiều muối hơn mức khuyến nghị.
Hơn nữa, gần 90% nhãn trên các sản phẩm được nghiên cứu đã đưa ra các thông tin có khả năng gây hiểu lầm hoặc không chính xác về thành phần của sản phẩm.
UNICEF cũng cho hay thực phẩm bổ sung được sản xuất thương mại là đồ ăn phổ biến của trẻ nhỏ ở Đông Nam Á, với 79% bà mẹ ở thành phố cho biết họ cho con ăn những thực phẩm này hằng ngày.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 3/4 các bà mẹ tham gia khảo sát tại Việt Nam nói rằng họ cho con ăn thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại ít nhất một lần mỗi ngày. Phần lớn bố mẹ mua các sản phẩm này từ siêu thị (48%) hoặc cửa hàng cho trẻ em (33%).
Theo các chuyên gia, trẻ ăn thức ăn có đường sớm có thể dẫn đến sâu răng, tăng cân và thói quen ăn uống không tốt. Trong khi đó trẻ ăn thực phẩm có hàm lượng natri cao có thể dẫn đến huyết áp cao và tác động có thể kéo dài suốt đời.
Lựa chọn thực phẩm đóng gói an toàn cho trẻ cho chuyến đi dài
Nhiều phụ huynh thường lựa chọn một số loại thực phẩm đóng gói phù hợp với hành trình du lịch cho trẻ em như sữa tươi, sữa chua, phomai, bánh mì, bánh quy bơ, bắp rang bơ, nước trái cây….
Tuy nhiên, để phòng trẻ say xe nên tránh các loại sữa tươi, trà sữa, kem, sữa đậu nành, trứng… Những loại thức ăn này dễ gây ợ chua, làm cổ họng khó chịu và cơ thể thì nôn nao. Ngoài ra, sữa hay kem đều là những thực phẩm nhạy cảm, dễ gây đau bụng.
Lựa chọn thực phẩm an toàn cho chuyến du lịch cho trẻ em |
Những đồ uống có gas là món nước uống thuận tiện để đem theo cho những chuyến du lịch và trẻ em cũng rất thích.
Tuy nhiên, các bé nên hạn chế dùng nước có gas khi đang đi xe. Gas chứa trong nhiều loại nước không riêng với nước ngọt, nếu được dùng trong chuyến đi sẽ gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và kể cả buồn nôn.
Khi chọn mua các loại thực phẩm đóng gói cần lưu ý hướng dẫn bảo quản và hạn sử dụng, tránh mua những loại thực phẩm cần phải bảo quản tủ lạnh nhiệt độ thấp, dễ ôi thiu với nhiệt độ cao bên ngoài. Với những trẻ dễ bị say xe thì nên tránh mang theo các loại thức ăn “nặng mùi”.
Trong không gian khá kín như tàu xe, các bé chắc chắn sẽ rất nhạy cảm với bất kì mùi hương nào, đặc biệt là những thực phẩm có mùi nồng nặc dẫn đến dễ bị say xe, buồn nôn và ói mửa khi ngửi phải chúng trên xe.
Phụ huynh nên cho con ăn thử tại nhà trước các loại thức ăn đóng hộp, sau đó mang theo những loại bé thích ăn nhất.
Ngoài ra, chúng ta cần chú ý không nên cho trẻ ăn một loại thức ăn mới khi đi xa vì không thể biết được liệu trẻ có thích ăn không hoặc có bị dị ứng với thành phần của món ăn đó hay không; đồng thời nên tránh một số loại đồ ăn đóng gói sẵn có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho trẻ nhỏ như các loại thạch rau câu, thạch đen…
Khi đi du lịch, trẻ thường cảm thấy mệt, đói và có xu hướng ăn quá nhiều, người lớn nên nhắc nhở trẻ nạp thêm năng lượng là cần thiết nhưng không nên nạp quá nhiều thức ăn.
Đặc biệt, phụ huynh nên tránh cho trẻ ăn những món ăn lạ miệng dù đó là đặc sản địa phương, nhất là với những món chưa được chế biến kỹ để phòng ngộ độc thực phẩm.
Chúng ta cũng nên nhắc nhở trẻ không nên mua các loại thức ăn bày bán trên vỉa hè, lề đường tại các địa điểm tham quan.
Các bữa ăn nhẹ mang đi xa cho trẻ cần được chế biến sạch sẽ, nấu chín và đựng trong các loại hộp chuyên dụng đảm bảo an toàn để đựng thức phẩm, tránh đựng thức ăn trong các túi nilon, hộp nhựa dùng một lần không đảm bảo.