Chế biến những món ăn từ lòng lợn khiến "vạn người mê" đảm bảo an toàn thực phẩm
Nhiều món ăn ngon từ lòng lợn phải kể đến như cháo lòng, lòng rán, lòng xào dứa, dồi lòng tràng luộc hấp hành gừng, lẩu lòng...
Với nguyên liệu đơn giản gồm lòng heo, dưa cải muối, thời gian chế biến lại nhanh, món lòng xào dưa trở thành món ăn yêu thích của nhiều người.
Lòng xào dưa là món ăn đơn giản, được nhiều người thích |
Tuy nhiên cách chế biến lòng heo khá phức tạp, không phải ai cũng nắm được. Đặc biệt khi sơ chế lòng lợn cần chú ý rửa sạch sẽ, dùng giấm hoặc muối chà xát, hoặc chanh sau đó đem rửa sạch nhiều lần với nước sạch, lấy đi hết những cặn bẩn để lòng trở nên giòn và thơm ngon hơn.
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, cũng cần lựa chọn những địa chỉ uy tín để mua lòng, tránh mua ở những nơi bày bán tại vỉa hè, các khu chợ tạm bợ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lòng lợn trong lẩu hay cháo cần được nấu chín thật kỹ để đảm bảo sức khỏe. Để xào lòng với dưa hoặc hành tây, dứa, sả ớt... không bị đắng hay có mùi tanh, lúc sơ chế nguyên liệu, chúng ta có thể nhét miếng gừng trong đoạn lòng rồi vuốt miếng gừng đến hết đoạn lòng, sau đó bóp với dấm, muối và rửa sạch lại với nước.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện khoa học công nghệ và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nếu xét trên bình diện dinh dưỡng, tất nhiên lòng heo có chứa cholesterol, ăn nhiều gây tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch. Điều này không tốt cho người lớn, người già và người mắc bệnh tim mạch...
Ngoài ra, các bộ phận nội tạng của động vật, trong đó có lòng thường có nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng vì dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng...
"Thêm vào đó, lòng là bộ phận chứa chất thải của lợn nên cần chú ý đến an toàn thực phẩm. Việc sơ chế và chế biến lòng không sạch, hoặc chất lượng lòng không tốt sẽ gây nhiều nguy cơ về giun sán hoặc gây ngộ độc…khi ăn”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.
Một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.
Đặc biệt, những người có đường tiêu hóa kém ăn phải các món từ lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hay ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến thì có thể phải đối mặt với các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu… các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người.
Đặc biệt, nếu lợn nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis hay kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết), lòng ruột nội tạng và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn.