Cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi sử dụng cồn 70 độ chứa Methanol để sát khuẩn
Nguy kịch vì uống nhầm cồn chứa Methanol
Methanol là một loại cồn công nghiệp, có công thức hóa học là CH3OH. Methanol được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp để làm dung môi như sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh... Do có độc tính cao nên methanol chỉ được sử dụng với một lượng rất nhỏ trong các dung dịch công nghiệp.
Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Tuy nồng độ methanol trong các sản phẩm dung dịch rửa tay không quá lớn, tuy nhiên nếu sử dụng về lâu dài cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nam bệnh nhân (54 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) bị ngộ độc do uống nhầm cồn chứa Methanol.
Nam bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên gia đình đã mua cồn về để ở mỗi phòng một chai với mục đích tiện cho công tác sát khuẩn.
Chai cồn 70 độ chứa Methanol độc hại gia đình mua ở hiệu thuốc về để sát khuẩn và bệnh nhân đã uống nhầm dẫn đến ngộ độc |
Chai cồn 70 độ được được gia đình mua tại hiệu thuốc gần nhà vì thế nên tin tưởng sử dụng cho mọi công tác sát khuẩn mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác là “Dùng làm chất đốt và rửa kính”.
Trước khi nhập viện 1 ngày, nam bệnh nhân có uống nhầm khoảng 100 ml cồn ở trong chai, sau đó thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ… Trung tâm Chống độc đã xét nghiệm chai cồn do gia đình mang tới có nồng độ cồn công nghiệp Methanol là 56%.
Rất may mắn nam bệnh nhân nói trên đến viện kịp thời, đã được lọc máu khẩn cấp nên qua khỏi nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân còn di chứng mờ mắt.
TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Loại cồn sát trùng thực sự mà người dân cần sử dụng phổ biến là Ethanol, còn cồn công nghiệp Methanol lại là hóa chất độc hại không được dùng làm sát trùng.
“Sản phẩm chứa cồn công nghiệp Methanol nêu trên có nguy cơ rất cao gây ngộ độc cho người sử dụng. Mặc dù trên nhãn ghi công dụng chỉ dùng làm chất đốt và rửa kính, có nghĩa là hóa chất độc hại, hoàn toàn không liên quan y tế nhưng lại được bán ở hiệu thuốc. Mẫu mã và hình thức giống với chai cồn sát trùng như đóng chai giống hệt nhau, cũng có chữ “cồn 70 độ”, được sản xuất bởi một công ty TNHH đầu tư thương mại dược….
Cồn công nghiệp Methanol hoàn toàn không được sử dụng để sát trùng trong y tế, bởi không đảm bảo tác dụng sát trùng. Khi cồn này dùng quá nhiều trên da và nhiều lần hoặc kéo dài sẽ ngấm qua da tới mức đủ gây ngộ độc như nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương mắt, tổn thương não. Do các đặc điểm dễ nhầm lẫn và lại được bán ở hiệu thuốc nên người dân dễ dàng mua về sử dụng không đúng dẫn tới ngộ độc ”, BS Nguyên cho biết.
Người dân cần tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi sử dụng
Cũng theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, qua xét nghiệm các chai cồn sát trùng do bệnh nhân mang tới (trong nhiều năm gần đây), Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng rởm (chai cồn chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp Methanol và nước).
Trung tâm đã báo cáo với các cơ quan chức năng và thông báo cho người dân biết. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm cồn công nghiệp độc hại này vẫn tiếp tục được bán ở các hiệu thuốc nhưng đã thay đổi nhãn mác về công dụng thành “dùng để đốt hay lau chùi”, hình thức chai lọ và nhãn mác vẫn rất giống các chai cồn sát trùng thông thường, gây nhầm lẫn cho người mua.
Người dân cần tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi sử dụng để tránh nguy cơ bị ngộ độc |
Theo khuyến cáo của TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, người dân khi mua cồn về sát trùng phải xem kỹ các thông tin trên nhãn mác, đặc biệt về công dụng, thành phần cụ thể rõ ràng để tránh sử dụng nhầm mục đích và sẽ dẫn đến gây hại cho sức khỏe.
Cơ quan quản lý, cồn công nghiệp không được phép bán tại hiệu thuốc mà chỉ nên bán tại quầy bán các hóa chất tẩy rửa hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng.
Trên thực tế, cồn methanol trong nước rửa tay rất khó để nhận biết. Vì vậy, người dân cần tìm nguồn mua bảo đảm, tìm hiểu kỹ trước khi mua. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh mặt hàng này cũng cần kiểm tra xem sản phẩm có giấy chứng nhận đầy đủ trước khi đưa vào lưu hành.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Các cơ quan y tế khuyến cáo người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ho, hắt hơi hoặc xì mũi.
Nếu không có sẵn xà phòng và nước, người dân có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn ethanol với nồng độ từ 60-70%. Các sản phẩm chứa cồn khác như methanol không cho thấy có khả năng tiêu diệt được vi trùng, nhưng lại gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người nếu tiếp xúc với lượng đủ lớn.