Bài 2: Mô hình liên gia tự quản gắn kết cộng đồng dân cư hiệu quả
Cần nhân rộng mô hình tổ Nhân dân tự quản phòng, chống dịch Đội tư quản 3+ nhận được sự đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô "Bộ mặt" đô thị đổi thay từ những mô hình tự quản |
Người phụ nữ tự hào với hơn 10 năm làm “mõ xóm”
Bất cứ ai hỏi: "Bây giờ về hưu bà làm gì?", bà Nguyễn Thị Chỉnh lại vui vẻ, cười tươi trả lời: “Mõ xóm”. Bà trả lời như thế vì mặc định rằng, mình sẽ dành khoảng thời gian còn lại của cuộc đời để cống hiến, làm một việc gì đó có ích cho cộng đồng nơi sinh sống dù không được trả thù lao.
Nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc của tổ dân phố, hơn 10 năm làm trưởng liên gia tổ dân số phố 4, phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Chỉnh đóng góp nhiều công sức trong việc đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Điển hình như phát phiếu đi chợ những ngày giãn cách xã hội, thu quỹ khuyến học, động viên khuyến khích người dân ủng hộ các chương trình từ thiện…
Chúng tôi gặp bà Chỉnh một ngày đầu tháng 4 năm nay, khi bà đến nhà thu tiền ủng hộ quỹ khuyến học của tổ dân phố. Bà kể, thời gian đầu nhận công việc này gặp vô số lời bàn tán.
“Một lần đi thu tiền ủng hộ quỹ khuyến học cho các cháu, có người nói lại đi thu tiền, suốt ngày ủng hộ. Tôi không có tiền đâu, chỉ 3.000 đồng thôi. Tôi cũng buồn nhưng vẫn phải nhỏ nhẹ bảo, vâng, gia đình ủng hộ cho các cháu được bao nhiêu thì ủng hộ. Tôi cũng chỉ hoàn thành công việc của mình thôi. Nói rồi tôi về”, bà Chỉnh nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Chỉnh, Trưởng liên gia tổ dân số phố 4, phường Thạch Bàn, Long Biên, TP Hà Nội, phát phiếu đi chợ cho người dân trong đợt giãn cách xã hội |
Ban đầu nhận nhiệm vụ làm trưởng liên gia, chồng đồng ý ủng hộ, phụ giúp chăm sóc các cháu và việc nhà để bà có thời gian đỡ đần việc của tổ dân phố. Tuy nhiên, sau nhiều lần thấy vợ cứ bị người ta bàn tán, nói ra nói vào, ông giận, nói với tổ trưởng tổ dân phố rằng: “Nhà tôi không làm nữa, bận lắm. Nhà tôi có thiếu tiền đâu mà phải đi xin rồi bị nói này, nói nọ, thôi không làm nữa!”.
Nghe chồng nói vậy, bà Chỉnh chỉ tủm tỉm cười. Bà không ngại điều tiếng, cứ cặm cụi làm cái việc chẳng giống ai chỉ bởi niềm tin “có ngày người ta cũng hiểu thôi”.
Bà nói: “Thực ra đi làm như thế này cũng vui, được giao tiếp với mọi người. Vả lại, người dân nói thế vì họ chưa hiểu, công việc của mình là giúp cho họ hiểu để có cơ hội làm những việc tốt. Mỗi lần khó khăn, nghĩ như vậy tôi lại tiếp tục”.
Hơn 10 năm bà Chỉnh làm “mõ xóm”, đồng hành cùng 4 thời kì tổ trưởng tổ dân phố, bằng cái tâm, tấm lòng tận tụy của mình, đến nay, bà Chỉnh đã nhận được tin yêu của người dân cũng như sự ghi nhận của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương.
Những người tô đẹp cho phố phường
Đại diện phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên cho biết, mô hình liên gia tự quản được triển khai tại quận Long Biên từ năm 2010. Cho đến nay, vẫn có hàng nghìn liên gia tự quản đang hoạt động đã chứng minh sức sống của mô hình này.
Mô hình liên gia tự quản không chỉ góp phần kết nối cộng đồng, tạo không khí thi đua sôi nổi trong tổ dân phố mà đang phát huy hiệu quả vai trò tuyên truyền, vận động, gắn kết người dân chung tay vì chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Trong mô hình này, không thể thiếu những trưởng liên gia như bà Chỉnh - những người sâu sát, gần dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như phát hiện những khó khăn, bất cập từ cơ sở... để kiến nghị tháo gỡ.
Bà Hoàng Thị Tình, trưởng liên gia số 3 (tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng), cứ vào thứ Bảy hàng tuần lại đứng ra tổ chức tổng vệ sinh môi trường ở khu dân cư. Từ nhiều năm nay, bất kể mùa đông rét mướt hay mùa hè, bà Tình đều gương mẫu xuống phố từ sáng sớm để quét dọn, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, bóc gỡ quảng cáo rao vặt...
Từ hành động của bà, rất nhiều đảng viên, cán bộ hưu trí của tổ dân phố cũng đồng lòng, góp sức để môi trường sống trở nên trong lành hơn. Thế rồi từ đây, những việc làm hay như: Trồng cây xóa chân rác, treo giỏ hoa mừng Tết Nguyên đán, sử dụng vật liệu tái chế làm đồ chơi cho trẻ em, góp phế liệu gây quỹ... đã ra đời. Những điều này không chỉ tô đẹp cho khu phố mà còn nâng cao trách nhiệm chung tay vì cộng đồng của mỗi người dân.
Nhờ sự gương mẫu của trưởng liên gia, người dân tổ dân phố số 2 phường Việt Hưng (quận Long Biên) duy trì nếp vệ sinh đường phố vào thứ Bảy mỗi tuần |
Đa phần những trưởng liên gia là người có uy tín, nhiệt tình, được Nhân dân bầu chọn và tận tụy trong công việc. Họ chính là “cánh tay nối dài” của tổ dân phố trong việc đôn đốc người dân thực hiện các nghĩa vụ, chính sách, cũng như tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tình (tổ dân phố số 4, phường Bồ Đề, quận Long Biên) chia sẻ, mô hình liên gia tự quản tại các tổ dân phố đã góp phần kết nối cộng đồng, tạo bầu không khí thi đua sôi nổi.
Lãnh đạo phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên cho biết thêm, trung bình mỗi tổ dân phố có 200 đến 600 hộ dân, các tổ trưởng khó có thể triển khai hiệu quả tất cả mọi công việc liên quan nếu không có sự hỗ trợ của mô hình liên gia tự quản.
Ví như việc chấm điểm gia đình văn hóa, các gia đình trong mỗi liên gia đều được tham gia bình xét, chấm điểm. Trên cơ sở bình xét của các gia đình, các trưởng liên gia và đoàn thể trong tổ dân phố sẽ tiếp tục bình xét, đề xuất lên phường để xem xét công nhận. Như vậy việc bình xét sẽ công bằng và công tâm hơn.
Hay như nhiều văn bản, chủ trương của phường Việt Hưng, các tổ dân phố triển khai đến các hộ gia đình đều thông qua các liên gia… Sau đó, các trưởng liên gia sẽ đến từng nhà thông báo, triển khai. Việc làm này thực sự hiệu quả bởi mỗi liên gia có từ 30 - 60 hộ gia đình nên việc triển khai thông qua các liên gia sẽ đến được từng hộ gia đình, không gia đình nào bị bỏ sót.
Từ hiệu quả của mô hình Liên gia tự quản ở phường Việt Hưng, Thạch Bàn… đến nay quận Long Biên đã triển khai rộng rãi tới tất cả các phường trên địa bàn quận. Hiện tại, mô hình này được người dân trong các phường ủng hộ, thực hiện tốt, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong quận.
(Còn nữa)