Phát triển hạ tầng giao thông: Xóa khoảng cách giữa thành thị, nông thôn
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước. Hệ thống giao thông vận tải được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Bởi vậy, thành phố tập trung nguồn lực phát triển hệ thống giao thông Thủ đô sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Từ khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với quy mô, vị thế và điều kiện phát triển mới đã phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương sau khi hợp nhất đã được khai thác, sử dụng có hiệu quả, trong đó nổi bật nhất phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của lĩnh vực giao thông vận tải.
Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng và là tiền đề để phát triển đô thị, phục vụ nhu cầu sinh sống đi lại của Nhân dân |
Hiện cả 7/7 tuyến đường cao tốc hướng tâm (111,32km), 8/8 tuyến Quốc lộ hướng tâm (244,58km) đã được đầu tư hình thành, đưa vào khai thác sử dụng. Bảy tuyến đường Vành đai đã và đang được đầu tư (hoàn thành 132,26/285,46km).
Đặc biệt Vành đai 4 với vai trò chiến lược đối với toàn bộ Vùng Thủ đô đã được khởi công vào tháng 6 vừa qua. Bốn trục kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh gồm: Hồ Tây - Ba Vì; Tây Thăng Long; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Hà Đông - Xuân Mai cũng đang được khẩn trương đầu tư.
Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc gồm: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối nội vùng, liên vùng đang được tập trung triển khai như: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6; Đường nối Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3; Cải tạo nâng cấp Quốc Lộ 21; Xây dựng tuyến đường trục phía Nam; Đường Bái đính - Ba sao - Mỹ Đình... 9/18 cầu vượt sông Hồng đã hình thành, 6 cầu đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công…
Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn xoá đi khoảng cách địa lý giữa đô thị trung tâm với nông thôn, ngoại thành |
Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Cùng với đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn xoá đi khoảng cách địa lý giữa đô thị trung tâm với nông thôn, ngoại thành; giảm thiểu sự khác biệt về chất lượng sống, giúp Nhân dân Thủ đô, dù ở bất kỳ địa phương nào cũng được hưởng chính sách, dịch vụ công cộng và có điều kiện phát triển như nhau.
Chị Vũ Thùy Linh (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: "Hàng ngày, tôi phải đi từ nhà vào khu vực nội thành để làm việc. Quãng đường di chuyển khoảng hơn 20km, song thời gian di chuyển chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Bởi toàn hộ hệ thống đường giao thông kết nối từ Đan Phượng vào nội thành hiện được đầu tư đồng bộ, góp phần giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển. Không những thế, nhờ hệ thống giao thông được đồng bộ, thông suốt cũng góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện cũng như các vùng lân cận.
Có thể nói, giao thông vận tải đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô".