Bài 2: Dồn sức cho cuộc chiến chống "giặc" Covid-19
MTTQ đã làm tốt nhiệm vụ tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Huy động sức mạnh cộng đồng
Trong “cuộc chiến” cam go với “giặc Covid”, MTTQ và các tổ chức thành viên đóng vai trò cốt yếu với nhiệm vụ tuyên truyền trong Nhân dân; Vận động, tiếp nhận và phối hợp phân bổ các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Xác định vai trò quan trọng đó, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời quán triệt, triển khai sâu rộng trong hệ thống Mặt trận về Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các kết luận, nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19”; “Chống dịch như chống giặc”; Quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân |
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã tăng cường tuyên truyền về chiến lược phòng, chống đại dịch: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, dập dịch, điều trị”; Vận động Nhân dân các địa phương chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không chủ quan, lơ là với phòng, chống dịch; Hỗ trợ khẩu trang, vật dụng, hướng dẫn, trợ giúp công tác phòng, chống dịch...
Chia sẻ về hành trình chống dịch của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho rằng, đó là hành trình của nhiệt huyết và yêu thương. Cán bộ Mặt trận không chỉ là những người đi tuyên truyền, vận động, mà còn trực tiếp xông pha ở tuyến đầu.
“Chúng tôi cùng lúc đóng nhiều vai, từ tuyên truyền, vận động Nhân dân bình tĩnh, không hoang mang, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho đến tham gia truy vết, trực chốt kiểm dịch.
Thực tế đã chứng minh rằng, nếu không có sự ủng hộ của Nhân dân thì mọi việc sẽ khó thành công. Vì vậy, để huy động được sức mạnh tổng hợp từ Nhân dân, những người làm công tác Mặt trận phải luôn sát với cơ sở, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân. Bởi khi Nhân dân đã tin tưởng vào Mặt trận thì các cuộc vận động, phong trào sẽ tiến nhanh đến đích".
Tiên phong trong các hoạt động của Mặt trận còn có các tổ chức thành viên, đó là “chiến sĩ áo xanh” của Đoàn Thanh niên. Với tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, họ đã đi đến từng ngõ phố, bến xe, đường quê, bản làng xa xôi phát tờ rơi, nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang… cùng đồng bào phòng, chống dịch.
Các thành viên tổ chức Mặt trận tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch |
Họ cũng tình nguyện có mặt trên các mặt trận chống dịch trong hình ảnh những y, bác sĩ tham gia tuyến đầu chữa trị giúp người bệnh; Chiến sĩ bộ đội ngày đêm tuần tra dọc biên giới, sẵn sàng nằm trên chiếu mỏng nhường phòng cho người dân khu cách ly tập trung; Nhiều bạn trẻ viết đơn tình nguyện vào các khu cách ly để hỗ trợ Nhân dân, vừa trở về từ đợt tình nguyện này lại làm đơn tham gia tiếp đoàn tình nguyện khác…
Tại Hà Nội, các cơ sở như Đoàn Thanh niên trường Đại học Thủy lợi, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã tự chế hàng ngàn lít nước sát khuẩn đạt chuẩn tặng miễn phí cho người dân và các bệnh viện. Đoàn xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, đã thiết kế ra những chiếc "tai giả" giúp tình nguyện viên không bị đau tai khi đeo khẩu trang thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn viên thanh niên các tỉnh Hà Tĩnh, Cần Thơ… cũng tự may hàng ngàn chiếc khẩu trang tặng người dân phòng chống dịch. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình “Triệu bữa cơm”, trao tặng suất ăn miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…
Khi số ca dương tính vì dịch bệnh Covid-19 ngày một nhiều, lực lượng tham gia chốt trực tại các điểm phong tỏa, cách ly cũng vì thế mà tăng lên. Hội Phụ nữ nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ tuyến đầu phòng, chống dịch.
Với suy nghĩ, lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch tại các chốt chặn là những người cần được quan tâm, chăm sóc bồi bổ sức khỏe, cán bộ Hội Phụ nữ Quận 3, TP Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức nấu các món ăn miễn phí để gửi đến lực lượng này.
Hội Phụ nữ và đội ngũ giáo viên quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tích cực triển khai mô hình “Bữa cơm ấm tình” đưa đến các chốt kiểm soát và Trạm y tế đang thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin. Hội phụ nữ huyện Quốc Oai (Hà Nội) vận chuyển từng xe nhu yếu phẩm tới các “Cửa hàng 0 đồng” tại khu vực cách ly để phục vụ bà con khó khăn …
Đoàn Thanh niên một số địa phương thức trắng đêm vá xe hỗ trợ người dân trên đường về quê |
Những ngày này, khi Hà Nội thiết lập “vùng xanh” an toàn (khu dân cư, ngõ xóm không có dịch), cùng với tổ Covid-19 cộng đồng, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội đã không quản ngại nắng, mưa, nguy cơ nhiễm bệnh, tích cực tham gia các chốt trực, chia sẻ gánh nặng với lực lượng chức năng địa phương. Tinh thần vì cộng đồng của họ đang thắp lên niềm tin về ngày chiến thắng dịch Covid-19 không còn xa phía trước.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đồng hành cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch Covid-19 và để có thêm nguồn lực nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, chung tay ủng hộ vật chất và tinh thần để hỗ trợ kinh phí mua vắc xin, máy thở và trang thiết bị y tế; Đồng thời, hỗ trợ các khu cách ly, điều trị bệnh nhân nặng…
Từ lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong một năm rưỡi chống dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã nhận được nhiều khoản tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho Quỹ Vắc xin hàng trăm tỷ đồng.
Lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thăm hỏi hộ nghèo, không để ai bị thiếu đói do dịch |
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và từ số tiền các cá nhân và tổ chức ủng hộ, mới đây (ngày 31/7), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quyết định phân bổ 46 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19. Trong đó, Trung ương MTTQ Việt Nam phân bổ 23 tỷ đồng đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm Y tế TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, mỗi đơn vị 1,5 tỷ đồng; 20 tỷ đồng đến Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 do Bộ Tài chính quản lý. Đến nay, số tiền Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuyển tới Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 quốc gia lên tới trên 1.043 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đã đồng lòng, chung tay, góp sức phòng, chống dịch bệnh. Từ sự hỗ trợ đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã kịp thời chuyển giao cho các lực lượng phòng, chống dịch, các đơn vị cách ly, các tỉnh bạn và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… góp phần kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn TP và cả nước.
Cùng với việc vận động, huy động nguồn lực, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khẩn trương xây dựng và ban hành hướng dẫn giám sát việc thực hiện công tác hỗ trợ. Qua rà soát, giám sát trên phạm vi cả nước, MTTQ Việt Nam đã kịp thời nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc... kịp thời phản ánh và đề xuất giải pháp trực tiếp với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo, giải quyết, xử lý và điều chỉnh văn bản hướng dẫn. Kết quả đó góp phần kịp thời vào việc giải ngân trên phạm vi toàn quốc đợt 1, cơ bản thuận lợi, chính xác đối với trên 12,9 nghìn tỷ đồng thực hiện hỗ trợ cho trên 12,4 triệu người dân và gần 21 nghìn hộ kinh doanh...
(Còn nữa)