Bài 2: Cô giáo trẻ sáng tạo vì học trò thân yêu
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền
Bài liên quan
Bài 1: Thầy giáo trẻ năng động, nhiệt tình
Bén duyên với nghề “Tổng”
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền kể: “Từ nhỏ đến lớn, mình luôn nhút nhát, không dám đứng nói trước đám đông, hễ nói là đỏ mặt, ngượng ngùng. Do đó, thời gian học Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương (nay là trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương) dù rất muốn nhưng mình ít khi tham gia hoạt động xã hội”.
Vì thế, khi về công tác tại trường Tiểu học Tiền phong, được Hiệu trưởng nhà trường đề nghị làm giáo viên Tổng phụ trách Đội là một thách thức không nhỏ đối với chị Huyền. Phải làm sao vượt qua những hạn chế của bản thân để làm tốt nhiệm vụ được giao, đem lại những hoạt động thiết thực tới học trò là bài toán buộc chị phải tìm lời giải. Chị Huyền đã bắt đầu bằng việc sắp xếp thời gian khoa học, lên kế hoạch cụ thể từng hoạt động ngay từ đầu năm học. Các hoạt động này đều bám sát chỉ đạo của cấp trên và Ban giám hiệu nhà trường.
Những kế hoạch hoạt động sau khi được Ban giám hiệu phê duyệt, chị chuyển tới từng giáo viên chủ nhiệm các lớp để cùng phối hợp thực hiện. Trong đó, phong trào thực hiện tốt nếp sống thanh lịch - văn minh của học sinh Thủ đô đã được chị triển khai sáng tạo, hiệu quả. Theo chị Huyền, trẻ em hiện nay tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy tính quá nhiều nên các em ngại và hạn chế giao tiếp. Hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là khi gặp người lớn, bố mẹ nhắc các con mới chào.
Từ thực tiễn đó, chị Huyền đưa vào giờ văn nghệ hàng tuần những vở kịch nhỏ nhằm giúp học sinh hình thành cách ứng xử văn minh từ những việc làm nhỏ nhất như biết chào hỏi thầy cô, bố mẹ, ông bà, các bác bảo vệ, lao công hay khách đến trường. “Không chỉ các học sinh, với thầy cô mình cũng đề nghị có cách chào hỏi, ứng xử thân thiện để lan tỏa phong trào. Cách làm này thực sự hiệu quả bởi chúng mình thường xuyên được chứng kiến hình ảnh các học sinh khoanh tay lễ phép chào hỏi, vô cùng đáng yêu. Vì vậy, phong trào đã nhận được sự đồng thuận rất cao của hội đồng sư phạm nhà trường”, chị Huyền chia sẻ.
Cũng với trăn trở làm sao thu hút được các học sinh đến hoạt động của Đội trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, điện thoại, máy tính phủ sóng… chị Huyền đã tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn. Chị kết hợp với cán bộ thư viện nhà trường tổ chức hoạt động “Thư viện xanh” vào các giờ ra chơi. Thay vì đọc sách báo tại thư viện các em sẽ đọc tại một không gian xanh. Đó là góc sân trường hay khu vườn rợp bóng cây. Từ đó, chương trình đọc và làm theo báo Đội được học sinh toàn trường nhiệt tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, chị Huyền còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… giúp học sinh lưu giữ nét đẹp truyền thống và hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính.
Phần thưởng là sự yêu thương
Từ những ngày đầu chập chững, đến nay cô Huyền đã có 6 năm gắn bó với công tác Đội tại trường Tiểu học Tiền phong. Càng gắn bó, chị càng dành nhiều tâm huyết và tình cảm cho công tác Đội cũng như các em học sinh. Đó là nguồn năng lượng để chị luôn có những sáng kiến trong công tác. Trong đó, chị đã tham gia viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm về công tác Đội và được đánh giá rất cao, như: “Biện pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng tại Liên đội Tiểu học Tiền phong”; “Một số biện pháp giáo dục ý thức về bảo vệ và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp tại Liên đội Tiểu học Tiền phong”; “Giáo dục truyền thống cho thiếu nhi thông qua các hoạt động Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh"…
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền |
Mỗi sáng kiến của cô Nguyễn Thị Thanh Huyền đều trải qua quá trình kiểm nghiệm trong thực tế. Chúng không chỉ giúp học sinh trở nên mạnh dạn, tự tin, sống có trách nhiệm với cộng đồng mà còn lan tỏa đến các giáo viên và phụ huynh. Đặc biệt, chị muốn thông qua hoạt động của Đội giúp học sinh hình thành nhân cách tốt.
Là một giáo viên, Tổng phụ trách Đội, chị Huyền nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc giáo dục truyền thống cho thiếu nhi. Qua tìm hiểu thực tế, chị nhận thấy hiện nay ở các trường tiểu học việc giáo dục truyền thống cho học sinh tuy đã được chú trọng đưa vào chương trình hoạt động của Đội nhưng việc lựa chọn nội dung, hình thức còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, đối với mỗi Tổng phụ trách Đội, tổ chức các hoạt động giáo dục cho thiếu nhi chính là dịp để rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác.
Theo chị Huyền, muốn công tác giáo dục thiếu nhi hiệu quả cần vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp khác nhau. Những hoạt động chị đã tổ chức như: Tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh - liệt sĩ dịp 27/7, Tết Nguyên đán… có ý nghĩa giáo dục sâu sắc tới học sinh toàn trường. Đặc biệt, chương trình “Áo ấm kết nối yêu thương” ủng hộ Liên đội trường Tả Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang) đã thực sự đi vào chiều sâu từ 6 năm nay.
Sự nỗ lực vì học sinh thân yêu của cô Nguyễn Thị Thanh Huyền đã được các cấp, ngành ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó, chị được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen, Thành đoàn Hà Nội tuyên dương Tổng phụ trách Đội tiêu biểu; Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017.
Phần thưởng cao quý hơn với chị Huyền là sự yêu thương, tôn trọng của học trò. “Món quà tuyệt vời và vô giá với mình là tấm thiệp chúc mừng nhân ngày 20/10 của các bạn học sinh lớp 5 đã ra trường. Lời chúc thân thương, mộc mạc, chân thành của các em đã tiếp thêm cho mình thêm động lực để vượt qua khó khăn để công tác tốt”, cô Huyền tâm sự.
Từ khi gắn bó, công tác Đội đã trở thành cái nôi rèn luyện chị trưởng thành. Chị sống vui vẻ, sống chan hòa với đồng nghiệp và được bạn bè tin yêu. Chị Huyền cũng trở nên quyết đoán, làm việc có kế hoạch và mục đích rõ ràng.
“Khi cả đất nước đang chuyển mình bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì bản thân mình cũng phải nỗ lực, nắm bắt, cập nhật kịp thời và áp dụng công nghệ vào công tác Đội một cách hiệu quả. Mình muốn giúp các em học sinh hòa nhập chứ không hòa tan. Đặc biệt, các em biết phối hợp hài hòa để không thụt lùi, lạm dụng quá đà với công nghệ mà vẫn vận dụng hợp lý phục vụ việc học và giải trí. Từ đó, các em sẽ thực sự yêu thích và gắn bó với công tác Đội”, chị Huyền nói
(Còn nữa)