Việt Nam đối mặt với tốc độ già hoá dân số đang tăng nhanh
Những hình ảnh tại triển lãm về người cao tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Bài liên quan
Chăm lo, tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui khỏe
Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng tối đa cơ hội từ thời kỳ dân số “vàng”
Quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng dân số
Tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Theo UNFPA, già hóa dân số là một trong những xu hướng và đặc điểm quan trọng nhất của thế kỷ 21. Trên toàn cầu, cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng lên 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050. Trong giai đoạn 2015 - 2030, số người cao tuổi trên toàn cầu dự đoán sẽ tăng lên 56% - từ 901 triệu lên 1,4 tỷ. Đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ cao hơn số người ở độ tuổi từ 15-24.
Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.
Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số và con số này là 27 triệu người, chiếm 25% tổng dân số vào năm 2050.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất châu Á, thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già” khoảng 17 - 20 năm. Điều này tạo ra không ít khó khăn trong việc hoạch định chính sách đối với người cao tuổi, vẫn còn có bộ phận không nhỏ người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ từ Nhà nước, gia đình và cộng đồng”.
Trong những năm qua, vấn đề người cao tuổi và quyền của người cao tuổi về các mặt trong đời sống xã hội luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
Đặc biệt người cao tuổi có ít cơ hội được tập huấn, đào tạo nghề; gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo; việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khả năng chi trả của người cao tuổi cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế.
Việt Nam cần thiết phải tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ; phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với người cao tuổi như một phương tiện để đảm bảo thu nhập và lợi ích cho tuổi già; Phá bỏ các rào cản tiến tới công bằng cho người cao tuổi, đặc biệt chấm dứt phân biệt dựa vào tuổi tác nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội đối với người cao tuổi Đây là cách hiệu quả nhất để ứng phó với vấn đề già hóa dân số và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.