TP Hạ Long (Quảng Ninh): Nhiều cửa hàng dược phớt lờ quy định, bán thuốc không cần đơn bác sĩ
Trong vai người dân có nhu cầu mua thuốc, ngày 15/4, phóng viên (PV) báo Tuổi trẻ Thủ đô có mặt tại Công ty Dược phẩm Bạch Đằng (địa chỉ tại 36 khu 2 Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Tại đây, PV hỏi mua 2 loại thuốc là Flumetholon và Molravir 400mg - đều là những loại thuốc kê đơn. Không cần hỏi PV có đơn thuốc của bác sĩ hay không, để mua được thuốc thì cần điều kiện gì... nhân viên bán hàng nhanh chóng vào lấy thuốc Flumetholon ra bán và kê liều sử dụng cho người mua, mặc dù trên vỏ hộp thuốc ghi rất rõ dòng chữ “thuốc kê đơn”.
Đối với nhu cầu cần mua thuốc Molravir 400mg để điều trị COVID-19 của PV, ban đầu nhân viên tại đây trả lời dứt khoát: “Thuốc này chỉ bán theo đơn, chị đi khám rồi mang đơn thuốc về đây mới mua được”. Tuy nhiên một lúc sau, nhân viên bán hàng này hỏi PV một số triệu chứng bệnh COVID-19, ghi tên người bị nhiễm bệnh vào sổ và lấy hộp thuốc Molravir 400mg bán cho PV với giá 255.000 đồng. Đồng thời, nhân viên bán hàng dặn dò liều dùng mà không yêu cầu đơn thuốc từ bác sĩ hay xác nhận dương tính với COVID-19 của khách.
Chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh là nhân viên bán thuốc ngay |
Theo tìm hiểu, Flumetholon® là loại thuốc kê đơn, được sử dụng cho các bệnh viêm phía ngoài mắt và phần trước của mắt như: Viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm củng mạc, viêm thượng củng mạc, viêm mống mắt, viêm mống mắt - thể mi, viêm màng mạch nho và viêm mắt sau mổ.
Đặc biệt, thuốc Molravir 400mg nằm trong danh mục thuốc kháng virus. Theo Bộ Y tế, Molravir được cấp phép có điều kiện. Các nhà thuốc được phép bán thuốc điều trị COVID-19 Molravir nhưng với điều kiện, người mua phải chứng minh được là mua cho người dương tính với SARS-CoV-2.
Thuốc Molravir chứa hoạt chất Molnupiravir, chỉ định điều trị COVID-19 nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là loại thuốc kê đơn, được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Sau đó, PV tiếp tục đến Nhà thuốc Hồng Dương (thuộc Công ty TNHH Dược phẩm Hồng Dương có địa chỉ tại tổ 1, khu 1, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, Quảng Ninh) hỏi mua 3 loại thuốc kê đơn là Molnupiravir Stella 400mg, Zinnat Suspension 125Mg và Flumetholon.
Tại đây, PV cũng dễ dàng mua được 3 loại thuốc trên mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Nhân viên bán hàng cũng không hỏi tình trạng của bệnh nhân thế nào. Theo quan sát, trên vỏ của các hộp thuốc này ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn”.
Khi PV thắc mắc “giờ mua thuốc chữa COVID-19 không cần có đơn của bác sĩ nữa à?” thì nhân viên bán hàng tại Nhà thuốc Hồng Dương cho biết: “Vẫn phải có đơn thì mới mua được nhưng bọn em linh động bán cho khách”.
Tương tự, tại Nhà thuốc số 01 của Công ty TNHH Dược phẩm Hạ Long (địa chỉ tại số 8 phố Hoàng Long, Bạch Đằng, TP Hạ Long) cũng xảy ra tình trạng tự ý bán các loại thuốc “thuốc kê đơn”, mà không cần trình đơn thuốc của bác sĩ.
Khi hỏi mua 3 loại thuốc là Coversyl Plus 5mg/1.25mg hộp 30 viên trị tăng huyết áp nguyên phát, Zithromax 200Mg và Aumentin 1g thì nhân viên bán hàng lập tức bán cho PV và thu tiền mà không cần hỏi có đơn theo chỉ định của bác sĩ hay không. Đáng nói, trên bao bì của cả 3 loại thuốc này đều ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn”.
Thuốc kê đơn được bán một cách công khai không cần đơn thuốc của bác sĩ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh |
Theo quan sát của PV tại các nhà thuốc, hầu hết người đến mua thuốc chỉ cần mô tả triệu chứng bệnh và lập tức được mua thuốc mà không cần có đơn của bác sĩ. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, việc người bệnh tự ý sử dụng thuốc không có sự hướng dẫn cặn kẽ của bác sĩ là rất nguy hiểm. Bởi cùng bệnh lý với một bệnh nhân, tùy thời điểm phát bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Thậm chí, phác đồ điều trị trên một bệnh nhân trong một thời điểm cũng đã khác nhau.
Quá trình điều trị, bác sĩ theo dõi các bệnh lý, tiểu sử của bệnh nhân để có những cách xử lý phù hợp, có thể thay thế các loại thuốc nặng hơn hay nhẹ hơn. Bên cạnh đó, trong trường hợp người bệnh dùng thuốc không đúng liệu trình, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ thì sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc” và kháng thuốc về sau.
Nguy hiểm là vậy nhưng dường như cả người bán lẫn người mua thuốc đều đang phớt lờ, bỏ qua mọi yêu cầu cần thiết. Nguyên nhân là nhiều người dân có tâm lý ngại đi khám bệnh, thiếu hiểu biết về việc dùng thuốc thế nào cho khoa học nên cứ ốm là tự tìm đến các quầy thuốc để nhờ tư vấn hoặc dựa theo thông tin quảng cáo, kinh nghiệm rồi mua thuốc uống.
Người bán thì vì lợi nhuận mà thờ ơ, dửng dưng với sức khỏe người bệnh. Họ không phải bác sĩ nhưng chỉ cần nghe người mua mô tả về triệu chứng bệnh là bán thuốc ngay mà “quên đi” trách nhiệm với người bệnh cũng như quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn đã được Bộ Y tế ban hành. Mặt khác, chế tài xử lý đối với hành vi bán thuốc theo danh mục phải kê đơn mà không có đơn thuốc chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này diễn ra tràn lan.