Thuốc điều trị Covid-19: “Vũ khí” quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch
7 loại vaccine phòng Covid-19 đã được cấp phép tại Việt Nam Hà Nội khuyến cáo người dân không lan truyền tin giả "sống chung với Covid-19 từ ngày 15/9" |
Chiến lược đặt mua trước thuốc chống Covid-19
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với những biến thể mới phát sinh, các chuyên gia quốc tế đều đồng thuận trong nhận định rằng, để "sống chung" với dịch bệnh cần đảm bảo 3 yếu tố là xét nghiệm nhanh, chính xác; đảm bảo tỷ lệ cần thiết người dân được tiêm vắc xin, nhưng cũng cần phát triển nhanh thuốc trị bệnh.
Nhiều chuyên gia dịch tễ học trên khắp thế giới cho rằng, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì thế, thuốc điều trị Covid-19 cũng là vấn đề các nước cần quan tâm thúc đẩy.
Bởi lẽ, với số lượng ca mắc Covid-19 vẫn tăng lên và việc xuất hiện các trường hợp tiêm vắc xin xong vẫn có thể bị nhiễm, thì việc tìm ra được một loại thuốc giúp điều trị hiệu quả căn bệnh này là giải pháp bền vững.
Không chỉ các nhà sản xuất mà nhiều quốc gia cũng đang rốt ráo chạy đua từng ngày để tìm kiếm nguồn cung cấp thuốc điều trị Covid-19.
Từ thành công của việc ký hợp đồng đặt mua trước vắc xin. Nay, nhiều nước tiếp tục áp dụng chiến lược đăng ký đặt mua trước thuốc điều trị Covid-19 ngay từ khi còn trong phòng thí nghiệm.
Cách đây hơn một năm, khi vắc xin Covid-19 bắt đầu thử nghiệm, nhiều nước đã đặt hàng trước với các nhà phát triển dù khi ấy không có gì đảm bảo vắc xin sẽ thành công.
Đi đầu trong nhóm này là Mỹ, ngay khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của nước này phê duyệt thông qua sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19. Chính phủ Mỹ đã tìm mọi cách để “gom” toàn bộ số thuốc Remdesivir được sản xuất trong một số tháng tiếp theo của nhà sản xuất.
Tại Mỹ, thuốc Remdesivir được bán với giá 520 USD/lọ, hoặc 3.120 USD/liệu trình điều trị. Các bệnh viện sẽ dùng thuốc này điều trị cho bệnh nhân có bảo hiểm tư nhân (theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) và Gilead Science - nhà sản xuất thuốc). Ngoài ra, giá sẽ được đặt ở mức 390 USD/lọ, hoặc 2.340 USD/liệu trình điều trị với bệnh nhân được bảo hiểm do chính phủ tài trợ.
Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ thông báo cho biết, Chính phủ nước này cam kết chi 1,2 tỷ USD để mua khoảng 1,7 triệu liệu trình thuốc trị Covid-19 Molnupiravir dạng uống (tương đương 700 USD/liệu trình) do 2 công ty Merck và Ridgeback Biotherapeutics phát triển, nếu thuốc được FDA Mỹ cấp phép.
Nguồn cung còn khan hiếm
Đến nay, cuộc đua sản xuất thuốc trị Covid-19 vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt. Nguyên nhân của sự khác biệt này là vì thuốc và vắc xin có cơ chế hoạt động khác nhau.
Với vắc xin, nó chỉ cần kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, thuốc kháng virus hiệu quả phải ngăn chặn virus lây lan khắp cơ thể, đồng thời đủ chọn lọc để tránh can thiệp vào các tế bào khỏe mạnh.
Theo các nhà khoa học, có hai quá trình chính được cho là nguyên nhân dẫn đến cơ chế sinh bệnh của Covid-19. Giai đoạn đầu của bệnh chủ yếu là sự nhân lên của virus SARS-CoV-2.
Sau đó, diễn tiến bệnh Covid-19 dường như được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus dẫn đến các tổn thương mô. Dựa trên sự hiểu biết này, các nhà khoa học cho rằng các liệu pháp trúng đích trực tiếp vào virus SARS-CoV-2 sẽ có hiệu quả cao nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.
Trong khi các liệu pháp miễn dịch hay kháng viêm có thể có lợi hơn trong giai đoạn sau của bệnh Covid-19.
Do đó, các nhà khoa học hy vọng rằng các loại thuốc kháng virus được thiết kế nhắm đến ngăn chặn sự sinh sản nhân lên của virus, qua đó có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do Covid-19.
Hiện một số quốc gia đang sử dụng một số loại thuốc có sẵn để điều trị Covid-19. Thuốc Remdesivir từng được nghiên cứu để trị bệnh Ebola và viêm gan C đã được phê duyệt hoặc cho phép sử dụng tạm thời như một phương pháp điều trị Covid-19 ở Mỹ và 50 quốc gia. Remdesivir giúp tăng khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng.
Tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đang tìm cách chuyển Remdesivir từ dạng tiêm sang dạng uống để có thể sử dụng tại nhà, tránh kéo dài thời gian nhập viện. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản và sử dụng.
Thuốc Molnupiravir dạng viên được phát triển cách đây vài năm như một chất kháng virus cúm cũng đang được nhiều nước sử dụng trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Chính hiệu quả bước đầu của các loại thuốc này đối với công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, cộng với việc một số nước tìm cách đặt mua trước với các công ty dược phẩm dẫn tới việc tạo ra sự khan hiếm đối với các nước tiếp cận nguồn thuốc đi sau.