Thời tiết lạnh sâu, gia tăng người cao tuổi nhập viện
Lượng người cao tuổi nhập viện tăng đột biến
Những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh nhanh, nhiệt độ giảm sâu khiến tình trạng bệnh nhân vào viện thăm khám tăng đột biến, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh nền. Mỗi ngày, tại Khoa khám bệnh các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân thăm khám, trong đó các bệnh chủ yếu là bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp, đau nhức xương khớp.
Ghi nhận thực tế của PV, tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) số lượng người cao tuổi thăm khám tăng rõ rệt, các khu vực ngồi chờ khám bệnh luôn trong tình trạng chật kín người, đặc biệt tại các phòng khám về tim mạch, hô hấp.
Người cao tuổi nhập viện điều trị tăng nhanh |
Tại Khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, lượng bệnh nhân cao tuổi đến thăm khám gia tăng nhanh những ngày trở lại đây. Mỗi ngày tại đây tiếp đón trung bình 50 - 60 bệnh nhân. Trong số này, một số bệnh nhân đến khám vì bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, xoang, viêm đường hô hấp trên…còn lại là các bệnh liên quan đến tim mạch, xương khớp,...
Thời tiết là yếu tố nguy cơ với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sâu. Do phổi là cơ quan trực tiếp thông thương với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở. Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi.
Đặc biệt, với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, suy giảm miễn dịch)… càng dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa, đặc biệt là trong thời tiết giá lạnh.
Phòng bệnh đột quỵ ở người cao tuổi
Trời lạnh là yếu tố bất lợi với người mắc bệnh tăng huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi. Khi nhiệt độ thấp khiến các mao mạch co lại, huyết áp đột ngột tăng cao, dễ gây các biến chứng đột quỵ.
Sự thay đổi huyết áp do thời tiết phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi. Do đó người bệnh cần chú ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp dẫn đến tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim...
Cấp cứu thành công cho người cao tuổi đột ngột ngừng tim, ngưng thở tại Bệnh viện Hữu nghị |
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói, bệnh nhân đột quỵ tăng 15 - 20% vào mùa đông; khoảng 60 - 70% bệnh nhân bị đột quỵ vào nửa đêm và sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.
Theo BS. Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Hàng năm, trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Đột quỵ có hai dạng là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não. Bệnh xuất hiện ở người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến xuất hiện đột quỵ hơn.
Ở đột quỵ thiếu máu não, theo quá trình lão hóa, các mạch máu của người già bị xơ cứng, sức cản lòng mạch cao kèm những rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu... Trong thời tiết lạnh, cơ chế tự điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi trở nên kém hơn. Ngoài ra, người cao tuổi mắc tăng huyết áp trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Thông thường, người già đa bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém, nên nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu, tim mạch, không chỉ có nguy cơ đột quỵ xảy ra với người già, người trẻ cũng nên chụp CT mạch não hoặc cộng hưởng từ để tầm soát dị dạng mạch não, vì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế hàng đầu không phân biệt lứa tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thất thường như hiện nay.
Để phòng tránh bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ lưu ý, mọi người cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục, có thể tập trong nhà.
Ngoài ra, nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng. Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia... Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra.