Phẫu thuật khối u tuyến mang tai kích thước lớn ở bệnh nhân lớn tuổi
Bệnh nhân TTD, sinh năm 1937, trú tại Long Biên – Hà Nội, tới thăm khám tại BVĐK Đức Giang vì vùng cổ gần góc hàm phồng lên bất thường gây căng tức, khó chịu.
BSCKII Cung Đình Hoàn – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh nhân có khối u vùng tai phải, bác sĩ đã chỉ định thực hiện siêu âm, chọc hút tế bào để sinh thiết.
BVĐK Đức Giang phẫu thuật khối u tuyến mang tai kích thước lớn ở bệnh nhân lớn tuổi |
Kết quả siêu âm phát hiện bệnh nhân có một khối u tuyến mang tai kích thước khoảng 6x6 cm, kết quả sinh thiết cho thấy đây là khối u lành tính. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u.
Tuy nhiên, BSCKII Cung Đình Hoàn cho biết: “Mổ u tuyến mang tai là một loại phẫu thuật khó do đặc điểm giải phẫu vô cùng phức tạp của các cấu trúc thần kinh và mạch máu liên quan tuyến mang tai, rất dễ gây liệt mặt, méo mặt do có nhiều mạch máu, dây thần kinh. Rất may khối u của bệnh nhân D lành tính nên chúng tôi chỉ tìm và bảo tồn dây thần kinh mặt cũng giúp đảm bảo chất lượng sống cho người bệnh sau khi mổ”.
Sau khi được các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, những nguy cơ, động viện gia đình, gia đình bệnh nhân tin tưởng và đồng ý cho để bệnh nhân được phẫu thuật.
Kíp phẫu thuật do BSCKII Cung Đình Hoàn kết hợp cùng kíp bác sĩ gây mê tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u cho bệnh nhân D.
Các bác sĩ tiến hành bóc tách dây thần kinh mạch máu tuyến mang tai ra khỏi khối u, lấy khối u trọn vẹn không gây tổn thương mạch máu thần kinh của bệnh nhân.
Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, khối u được bóc ra an toàn. Sau mổ sức khỏe bệnh phục hồi tốt và sớm ra viện.
Người nhà cho biết, bệnh nhân liệt nửa người nhiều năm nay không vận động được, kèm bệnh lý tăng huyết áp phải dùng thuốc thường xuyên.
Nói về khối u, người nhà cho biết khối u xuất hiện khoảng 6 năm nay nhưng cách khoảng 2 năm trước khối u phát triển to lên đột biến.
Mặc dù đã đi khám nhiều nơi nhưng do lo sợ bệnh nhân tuổi cao, dễ tai biến nên người nhà chần chừ chưa muốn phẫu thuật bóc tách. Chỉ khi khối u to chén ép gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày gia đình mới đưa bệnh nhân tới bệnh viện để điều trị.