Nhân lên những “vùng xanh” nông nghiệp an toàn
Bài 1: Ổn định sản xuất, chủ động nguồn cung rau xanh phục vụ Nhân dân Thủ đô
Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp song thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hà Nội đã có phương án phân vùng để chống dịch. Đây được xem là cách làm hiệu quả, giúp các huyện ngoại thành - “vùng xanh” có điều kiện để khôi phục sản xuất và xây dựng lại chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản, góp phần tiếp sức cho các quận nội thành - “vùng đỏ” yên tâm chống dịch.
Giữ vững chuỗi sản xuất - cung ứng
Là địa phương thuộc vùng 3 - vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp, nên ngay sau khi tiếp nhận Chỉ thị số 20-CT/UBND của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo 3 vùng, huyện Mỹ Đức đã bắt tay triển khai ngay phương án sản xuất cây trồng vụ Đông để kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau xanh của Nhân dân Thủ đô.
Đồng chí Trương Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết: Trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, huyện đã có phương án hướng dẫn bà con Nhân dân sản xuất an toàn, đảm bảo phòng chống dịch. Đồng thời, huyện xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện và ủng hộ các quận, huyện, địa phương đang bị phong tỏa, cách ly y tế vì dịch bệnh.
Huyện Mỹ Đức đã chủ động lên kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ các loại rau màu đang vào vụ thu hoạch |
“Sau khi tiếp nhận Chỉ thị mới của thành phố về việc phân vùng chống dịch, huyện Mỹ Đức đã chủ động lên kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ các loại rau màu đang vào vụ thu hoạch như: Các loại rau cải, rau ngót, hành lá...; Cùng với đó là chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ Đông.
Để đảm bảo phòng chống dịch, huyện đã yêu cầu mỗi gia đình chỉ cử từ 1-2 người ra đồng để vừa đảm bảo sản xuất đúng tiến độ, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Người dân khi ra đồng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách khi làm việc...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.
Không riêng Mỹ Đức, hiện nay các địa phương đều chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo đặc thù địa bàn, không để hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy. Tại xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh, Hà Nội), bắt đầu từ ngày 6/9, UBND xã đã triển khai sản xuất nông nghiệp theo phương án chống dịch mới.
Huyện Mê Linh đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo phương án chống dịch trong điều điều kiện mới |
Bà Nguyễn Thị Chinh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim cho biết: Thực hiện phương án chống dịch mới, người dân trên địa bàn xã đã ra đồng sản xuất, thu hoạch rau màu. Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 150ha lúa mùa đang cần được chăm sóc, 20ha cà tím vào vụ thu hoạch (khoảng 5 tấn/ngày) cần được đưa đi tiêu thụ.
Tương tự, tại các xã: Tiến Thắng, Văn Khê, Mê Linh, Đại Thịnh, Tráng Việt... (huyện Mê Linh), hoạt động sản xuất cũng được triển khai. Nhằm giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch, lực lượng chức năng xã đã kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các quận nội thành để có phương án tiêu thụ nông sản kịp thời, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Xây dựng phương án sản xuất kết hợp phòng chống dịch trong điều kiện mới
Để ổn định sản xuất trong tình hình mới, huyện Đông Anh (Hà Nội) đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn hỗ trợ bà con sản xuất. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu, tiếp đó là tập trung sản xuất rau, màu vụ đông, nhằm mục tiêu không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin: Huyện đã phân chia khu vực giúp các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn. Đặc biệt, để đảm bảo cung ứng về rau xanh phục vụ Nhân dân Thủ đô, huyện đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất rau tăng lứa, gối vụ, tăng hệ số quay vòng đất, thâm canh trồng các loại rau ngắn ngày để tăng sản lượng trên diện tích rau hiện có.
Với việc chủ động triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với phòng, chống dịch trong tình hình mới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh đang đi đúng hướng, góp phần tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp địa phương sớm thực hiện thành công nhiệm vụ “kép”.
Huyện Đông Anh đã phân chia khu vực giúp các xã, thị trấn chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn |
Tại huyện Chương Mỹ - địa phương đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để về đích Nông thôn mới trong năm nay nên huyện đã bắt nhịp và triển khai khá nhanh các phương án sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới. Theo đó, thực hiện phương án của UBND thành phố về phân vùng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong ngày 6/9, UBND huyện Chương Mỹ cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện tại "vùng xanh".
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mục tiêu bảo vệ an toàn, vững chắc “vùng xanh”, ngăn chặn không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đảm bảo an toàn về sức khỏe, ổn định đời sống cho Nhân dân, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội; Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản, huyện Chương Mỹ đã tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, phòng chống thiên tai, đảm bảo sản xuất. Huyện cũng xây dựng kế hoạch thu hoạch lúa và cây rau màu vụ Mùa 2021; Triển khai kế hoạch gieo trồng vụ đông 2021-2022, đặc biệt là cây vụ đông sớm.
Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường mở rộng diện tích cây vụ đông, cùng với các địa phương khác góp phần đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho khu vực nội đô.
Huyện Chương Mỹ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường mở rộng diện tích cây trồng nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ Nhân dân |
Trước tình hình mới, huyện cũng sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản, kết nối tiêu thụ; Rà soát, tổng hợp danh sách phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải thuộc chuỗi cung ứng hàng hoá gửi Công an thành phố để được cấp mã, phù hiệu hoặc thẻ nhận diện ra - vào thành phố và vùng 1, 2, 3 theo quy định.
Có thể thấy rằng, khi triển khai xây dựng “vùng xanh” nông nghiệp an toàn, các địa phương đều chủ trương vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Các huyện, thị xã đã lên phương án triển khai giải pháp ổn định sản xuất, tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản; Đồng thời động viên người dân tích cực gieo trồng, chăm sóc rau màu theo đúng kỹ thuật, phối hợp với đơn vị chức năng nắm vững tình hình tiêu thụ sản phẩm để có kiến nghị giải pháp kịp thời…
Với việc chủ động thực hiện các giải pháp mở rộng diện tích sản xuất, đẩy mạnh xây dựng chuỗi kết nối cung ứng nông sản như hiện nay, các huyện “vùng xanh” sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhiều loại rau xanh, lương thực, thực phẩm phục vụ Nhân dân Thủ đô yên tâm chống dịch.
(Còn nữa)