“Vùng xanh” chủ động các phương án, không để "đứt gãy" sản xuất nông nghiệp
Vừa chủ động sản xuất, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ 6h ngày 6/9/2021 đến 6h ngày 21/9/2021, thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng.
Trong đó, “Vùng 3” - phía Tây, Nam thành phố Hà Nội là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp sẽ thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.
Đây cũng là vùng tập trung sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, cung ứng lượng lớn lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Do đó, trong thời điểm này, các huyện, thị xã nằm trong khu vực “vùng xanh” đã chủ động lên các phương án để không bị "đứt gãy" sản xuất nông nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội, đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là người dân ở các khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam", mà còn bảo đảm khả năng phục hồi, phát triển sản xuất, duy trì tăng trưởng.
Các địa phương thuộc khu vực “Vùng xanh” cần chủ động nhiều phương án để không bị "đứt gãy" sản xuất nông nghiệp |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Ngay trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn cần được duy trì để mùa màng đạt năng suất, chất lượng cao nhất. Toàn huyện hiện có hơn 1.100ha gieo trồng vụ hè thu với 638ha rau, quả các loại như đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh...; 145ha nhãn; 334ha ổi, tổng sản lượng đạt khoảng 50 tấn/ngày. Vì vậy, việc ổn định sản xuất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với bà con nông dân trong huyện.
Cùng với việc chủ động các phương án sản xuất nông nghiệp, huyện Hoài Đức cũng đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, vận chuyển tránh đứt gãy nguồn cung – cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân. Hiện tại, trên địa bàn huyện Hoài Đức có 102 "vùng xanh" ở các xã, thị trấn, người dân duy trì hoạt động chế biến nông sản, thực phẩm bún, miến, phở khô, bánh kẹo... dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương.
Để hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn, UBND huyện Hoài Đức và các xã, thị trấn đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Hoài Đức có 825 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt phương án, đang hoạt động ổn định.
Tạo “vùng xanh” nông nghiệp an toàn
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang nỗ lực ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm hoạt động nuôi trồng, thu hoạch, chế biến không bị gián đoạn, xây dựng những “vùng xanh” nông sản... Trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động duy trì sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách như thực hiện phương án “3 tại chỗ”, mở thêm nhiều điểm bán hàng.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động duy trì sản xuất, kinh doanh bằng nhiều cách như thực hiện phương án “3 tại chỗ”, mở thêm nhiều điểm bán hàng |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ - Lê Thị Kim Phương cho biết: Thời gian tới, để thúc đẩy sản xuất, cùng với việc mở rộng "vùng xanh" an toàn, Phúc Thọ sẽ triển khai phương án thu hoạch vụ lúa mùa gắn với bảo đảm phòng, chống dịch (dự kiến từ ngày 5/9 đến 10/10).
Huyện sẽ điều tiết các chủ máy gặt từng cánh đồng theo thời gian phù hợp. Với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, thiếu lao động, chính quyền hỗ trợ thuê xe chở thóc về tận nhà, bố trí lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ giúp dân phơi lúa… Cùng với đó, các địa phương sẽ thành lập những chốt kiểm soát tại vùng sản xuất tập trung, bảo đảm 100% người dân đi làm đồng được kiểm tra y tế và giám sát việc chấp hành quy định về phòng dịch.
Chia sẻ về phương án tạo “vùng xanh” nông nghiệp an toàn của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Ngành Nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đã hướng dẫn người dân xây dựng “vùng xanh”, bảo đảm hoạt động sản xuất. Cụ thể, mỗi gia đình hằng ngày chỉ để một người ra đồng làm việc; Công nhân ở lại các trang trại chăn nuôi vừa làm việc, vừa bảo đảm phòng, chống dịch. Do đó, tăng trưởng của nông nghiệp Hà Nội trong 7 tháng qua đạt hơn 3%.
“Nhờ chủ động các giải pháp sản xuất kinh doanh gắn với việc giám sát chặt chẽ của chính quyền, địa phương sẽ bảo đảm thực hiện nghiêm phương án đã được phê duyệt ở những "vùng xanh", bảo đảm chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm không bị gián đoạn. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.