Người nhiễm HIV tuân thủ điều trị ARV sẽ không lây truyền cho bạn tình
Tập huấn tuyên truyền chiến dịch "Không phát hiện = Không lây truyền”
Bài liên quan
10 năm qua, số người nhiễm mới HIV hằng năm đều giảm
Điều trị Methadone giúp thay đổi hành vi nhận thức của người nghiện ma túy
Hà Nội triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2019
BHYT giúp giảm gánh nặng tài chính cho người nhiễm HIV/AIDS
TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, lĩnh vực điều trị HIV/AIDS hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu và tiến bộ to lớn. Thuốc kháng HIV (còn được gọi là ARV) đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Các phác đồ điều trị ARV gồm 3 - 4 thuốc phối hợp, giúp ức chế vi-rút HIV sinh sản, qua đó phục hồi hệ thống miễn dịch của cơ thể, tránh được các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Đặc biệt, việc tuân thủ điều trị ARV không chỉ giúp người nhiễm HIV cải thiện đáng kể sức khỏe, chất lượng cuộc sống và sống lâu, mà khi tải lượng vi-rút ở mức “không phát hiện” (dưới 200 bản sao/ml máu) thì người đó có thể sống chung với HIV mà không lo lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục. Thực tế cũng chứng minh, “Không phát hiện = Không lây truyền” HIV (K=K) đã được công nhận bởi hơn 700 tổ chức y tế và cộng đồng từ 95 quốc gia trên thế giới.
Bà Lan nhấn mạnh, thông điệp K=K được chứng minh nhờ bốn nghiên cứu lớn thực hiện trong vòng 12 năm ở 17 quốc gia trên 4 châu lục. Các nghiên cứu này theo dõi hàng ngàn cặp bạn tình dị nhiễm, tức là một người có HIV dương tính và người kia âm tính, trong đó người bạn tình dương tính đang điều trị ARV và đạt tải lượng vi rút “Không phát hiện’’. Mục đích của các nghiên cứu là theo dõi nguy cơ lây truyền HIV cho người bạn tình âm tính.
Kết quả các nghiên cứu cho thấy: Trong khoảng 126.000 lần quan hệ tình dục không dùng bao cao su thì có 0 (KHÔNG) trường hợp lây truyền HIV. Nói cách khác, người có HIV khi duy trì tải lượng vi-rút ở mức “không phát hiện’’ (dưới 200 bản sao/ml) thì không thể lây truyền HIV cho người khác qua quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, K=K chỉ đạt được khi người có HIV duy trì uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định và định kỳ theo dõi tải lượng virus của mình. K=K chỉ áp dụng cho lây truyền qua đường tình dục, không áp dụng cho lây truyền qua đường máu và từ mẹ sang con.
Theo bà Lan, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên của Việt Nam triển khai chiến dịch truyền thông về K=K. Cùng với những hoạt động hiệu quả trong dự phòng, K=K chính là bước tiến quan trọng để Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030, theo Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Mục tiêu chung của K=K là: Tăng cường việc tiếp cận sớm vào chương trình chăm sóc, điều trị và duy trì điều trị ARV, theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ của bệnh nhân HIV/AIDS ở các phòng khám ngoại trú (PKNT) tại Hà Nội; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại các cơ sở y tế thông qua hiểu biết về K = K; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử tại cộng đồng nhờ hiểu biết K = K được truyền thông rộng rãi qua các mạng thông tin đại chúng ở Hà Nội.