Người dân chủ động tìm nguồn thực phẩm sạch, an toàn để mua trong dịp Tết
Người dân Thủ đô chủ động tìm nguồn thực phẩm sạch, an toàn để mua trong dịp Tết Nguyên đán
Bài liên quan
Hà Nội: Đảm bảo công tác y tế phục vụ Tết Dương lịch năm 2020
Cao điểm chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết Nguyên đán
Hà Nội: Đảm bảo công tác ATTP Tết Nguyên đán 2020
Hà Nội hướng dẫn người dân tái đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học
Sôi động thị trường thực phẩm phục vụ Tết
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời điểm này, các bà nội chợ đã lên phương án chuẩn bị thực phẩm, hàng hóa để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Xu hướng mua sắm của người dân vài năm trở lại đây đã dần thay đổi từ việc tích trữ nhiều loại thực phẩm để dùng trong những ngày Tết bây giờ, mọi người quan tâm nhiều hơn đến các loại thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và chỉ mua với số lượng vừa phải.
Chị Nguyễn Thị Lan ở Quán Thánh, Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: Những tháng gần Tết, giá thịt lợn bỗng tăng cao gần bằng so với giá thịt lợn rừng lai. Vì vậy, gia đình tôi đã nhờ một người bạn đang sinh sống tại Lào Cai đặt mua hộ chục cân thịt lợn rừng lai để về ăn và biếu người thân dịp Tết Nguyên đán. Giá mỗi cân thịt lợn rừng về đến Hà Nội khoảng 270.000 đồng.
Không chỉ tìm mua thịt lợn rừng, chị Lan cũng đặt sẵn mấy con gà đã được giết mổ, sơ chế sẵn của một trang trại nuôi gà đồi tại Sóc Sơn (Hà Nội) để ăn Tết. “Tôi đi làm tận 29 Tết mới được nghỉ. Bố mẹ hai bên lại già yếu nên tôi nhờ người quen đặt sẵn một vài loại thực phẩm thiết yếu dùng trong dịp Tết. Năm nay, tôi không mua nhiều như mọi năm vì giá cả các mặt hàng đều tăng cao. Do vậy, tôi chỉ mua để dùng trong 2-3 ngày Tết”, chị Lan nói.
Người dân chủ động tìm nguồn thực phẩm sạch, rau an toàn để mua trong dịp Tết |
Không riêng các loại thực phẩm mà hoa quả, trái cây, rau xanh cũng được nhiều chị em tìm đặt mua ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín nhằm đảm bảo chất lượng.
Anh Nguyễn Văn Hồng, chủ một trang trại rau hữu cơ tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Một tháng trở lại đây, chúng tôi đã nhận được đơn hàng của các doanh nghiệp và người dân đặt mua rau, củ, quả để phục vụ Tết Nguyên đán. Thời điểm này, tại trang trại của chúng tôi có các loại rau xanh như: bắp cải, su hào, rau cải, bầu, bí xanh, su su… Theo lịch đặt của khách hàng, chúng tôi sẽ bắt đầu thu hoạch và giao hàng từ ngày 25 Tết.
“Tất cả các loại rau, củ, quả của trang trại sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế sạch sẽ và đóng túi cẩn thận theo yêu cầu của khách hàng. Với thời tiết như hiện nay, các loại rau, củ sẽ sử dụng được trong khoảng 7-10 ngày trong ngăn mát tủ lạnh. Ngay sau khi ra Tết (khoảng mùng 3 Tết), chúng tôi hoạt động trở lại và bắt đầu nhận đơn hàng của khách. Do vậy, tôi luôn khuyến cáo người dân chỉ nên mua đủ lượng rau xanh trong 2-3 ngày Tết để luôn được sử dụng rau tươi ngon”, anh Hồng chia sẻ.
Còn tại các cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu, những ngày gần đây đã nhộn nhịp người ra vào mua bán. Hầu hết người dân đều lựa chọn mua những loại hoa quả sấy khô như: Nho khô, chà là, hồng, mận… để sử dụng trong dịp Tết. Tại thời điểm này, giá bán các mặt hàng hoa quả sấy khô cũng tăng nhẹ so với cùng kì năm ngoái, dao động từ 250.000 – 500.000 đồng/ kg tùy loại.
Chị Vũ Huyền My, chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Hai Bà Trưng cho biết: Năm nay, xu hướng người dân thường mua các loại hoa quả sấy khô, mứt hoa quả nhập khẩu để biếu trong dịp Tết nên lượng hàng tiêu thụ tăng khoảng 40% so với những tháng khác trong năm. Đặc biệt, thời điểm trước Tết một tuần, lượng mua sẽ còn tăng cao hơn nhiều.
“Hiện tại chúng tôi đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng để phục vụ người dân. Do sức mua tăng cao, cùng với thời điểm cuối năm, nên giá các loại hoa quả nhập cũng tăng cao hơn so với các tháng cuối năm. Hiện mức giá mới chỉ tăng khoảng 10% so với trước đó”, chị My nói.
Sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm
Để nhân dân Thủ đô đón Tết đầm ấm, tiết kiệm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm nhất là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 261/KH-UBND chỉ đạo triển khai công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2020, thành lập một số đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác này trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020. Đồng thời chỉ đạo ban quản lý các chợ nhắc nhở tiểu thương bán hàng đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm dịp Tết |
Đặc biệt, Hà Nội kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai Giấy chứng nhận/cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm. Lực lượng chức năng sẽ chủ động giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất; tăng cường phối hợp với các tỉnh trong quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông, lâm, thủy sản vào Hà Nội.
Ngoài ra, trong năm 2020, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm, chuyên đề về an toàn thực phẩm, phát triển thêm vùng sản xuất an toàn, chuỗi liên kết sản xuất, kiểm soát kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đồng thời hỗ trợ các sản phẩm OCOP tới hệ thống phân phối, người tiêu dùng Thủ đô, trong nước, tiến tới xuất khẩu.
Hà Nội cũng lên phương án phát triển ứng dụng sử dụng QRcode trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc.
Trong giai đoạn tới, Hà Nội cũng triển khai và quản lý quy hoạch về lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng lộ trình, phương án cụ thể để di dời cơ sở giết mổ trong khu dân cư vào các cơ sở giết mổ tập trung đã và đang được triển khai xây dựng. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ vi phạm quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đảm bảo giảm nhanh số điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn thực phẩm.