Người bệnh mãn tính cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Người mãn tính nên ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Theo Bộ Y tế, các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ… là nguyên nhân khiến 40 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Người mắc bệnh mạn tính cần xác định chung sống với bệnh cả đời, chỉ một phút lơ là có thể đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Những món ăn giàu đạm, đường, mỡ trong dịp Tết rất ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh mạn tính |
Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên Đán, những sinh hoạt thường ngày có nhiều thay đổi, mọi người thường có tâm lý ăn uống thoải mái mà không chú ý đến vấn đề cân bằng dinh dưỡng, dễ gây hại cho sức khỏe.
Đặc biệt với những người cao tuổi có bệnh lý nền, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ khiến bệnh trở nặng hơn sau những ngày vui xuân.
Bánh chưng, dưa hành, thịt đông là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Tuy nhiên, đây là những thực phẩm không hề tốt cho người mắc các bệnh lý nền như gout, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, tiểu đường... khi tiêu thụ quá nhiều. Nếu bánh chưng làm tăng sưng viêm thì thịt đông có chứa nhiều chất béo và dưa hành lại có hàm lượng muối cao.
Trong dịp lễ tết việc uống rượu bia không được khuyến cáo với người cao tuổi. Người cao tuổi nên hạn chế uống rượu bia, bởi trong rượu bia có một lượng cồn nhất định sẽ ảnh hưởng đến gan, thận.
Đặc biệt với những người có bệnh lý gan khi uống rượu bia có thể dẫn tới tình trạng xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, việc uống rượu bia nhiều kết hợp với việc ăn uống thoải mái có thể dẫn tới các tình trạng như viêm tụy cấp, viêm dạ dày, cơn gout, tăng huyết áp, tim mạch…
Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng và thực phẩm có chứa đường như bánh mứt kẹo luôn nằm trong danh sách nên hạn chế khi nói một chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt với những người có bệnh lý nền.
Không lơ là kiểm soát bệnh lý mạn tính dịp Tết
Trong điều trị các bệnh mạn tính, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình điều trị hiệu quả hơn. Tùy từng loại bệnh, mức độ, biểu hiện bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chẳng hạn, người mắc tiểu đường cần lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, người mắc tim mạch nên hạn chế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, người mắc gút được khuyến cáo kiêng thực phẩm chứa nhiều axit uric…
Người cao tuổi, người có bệnh lý nền nên bổ sung chế độ ăn nhiều rau, củ, quả trong dịp Tết |
Thực tế, nhiều trường hợp chủ quan không tuân thủ chế độ dinh dưỡng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị bệnh, gây tốn kém chi phí và biến chứng nguy hại đến sức khỏe.
Chế độ ăn uống cũng có liên quan quan chặt chẽ với những người mắc bệnh gout. Trong những ngày Tết, người bệnh gout hoặc có nguy cơ bị bệnh gout cần hết sức chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và sinh hoạt.
Khi người bệnh tiêu thụ quá nhiều món ăn, thức uống chứa nhiều đạm, nhân purin gây tích trữ axit uric dẫn tới tình trạng viêm sưng khớp kèm theo triệu chứng đau nhức.
Trên thực tế, số lượng bệnh nhân mãn tính nhập viện gia tăng mỗi dịp Tết đến xuân về. Sở dĩ các bệnh nền dễ bùng phát vào dịp Tết vì các bữa ăn, đồ uống đón năm mới quá đa dạng và phong phú về cả chất và số lượng. Ngày Tết, việc ăn nhiều các món chứa đạm là không tránh khỏi.
Do đó, nguyên tắc chung để bữa ăn ngày Tết mang lại sức khỏe tốt đó là luôn ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, gồm nhóm giàu chất bột đường, chất đạm, chất béo và nhóm giàu vitamin, khoáng chất.
Để có một bữa ăn ngon và tiêu hóa tốt, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần phải có đầy đủ các yếu tố từ hương vị món ăn, cảm giác, ăn đúng giờ; ăn vừa đủ lượng chất đạm, chất béo, đường muối theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi; ăn nhiều rau củ, ăn đa dạng các loại thực phẩm bằng cách ưu tiên chọn các món ăn được chế biến từ rau, củ...
Bên cạnh đó, mọi người cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết. Đồ ăn phải đảm bảo chất lượng, ăn chín uống sôi. Thực phẩm không nên đun đi đun lại nhiều lần.
Đối với người thừa cân, béo phì, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, gout... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.
Với người cao tuổi có các bệnh lý nền kèm theo cần duy trì thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tránh quên thuốc. Đặc biệt dịp lễ tết Nguyên đán với thời gian nghỉ lễ kéo dài có thể gặp tình trạng người bệnh không dữ trữ đủ thuốc dùng.
Do vậy người bệnh nên chủ động mua đủ lượng thuốc dùng cho dịp lễ tết. Người cao tuổi có thể tái khám trước và sau dịp Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng như người thân cần phải giữ liên lạc với trạm y tế xã phường, có số điện thoại của hiệu thuốc, số điều thoại của bác sĩ điều trị phòng trường hợp khẩn cấp.