Hiệu quả trong công tác truyền thông nâng cao chất lượng dân số
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới
Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Trong tình hình mới, nhiệm vụ này tiếp tục được chú trọng với những mục tiêu cao hơn nhằm nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Vì thế, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động, đề án để nâng cao chất lượng dân số cho người dân như triển khai rộng rãi dịch vụ DS-KHHGĐ; tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Các hoạt động đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân về DS-KHHGĐ…
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại tỉnh Bình Dương |
Kế hoạch DS-KHHGĐ năm 2022 của tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu chủ động khuyến sinh, thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đồng thời thích ứng được với xu hướng già hoá dân số trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Dương đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong năm, trong đó: Duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức 103-107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; điều chỉnh mức +0,2‰ so với năm 2021; có 60.000 người mới sử dụng biện pháp tránh thai trong năm; giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn <3,48%.
Ngoài ra, phấn đấu 49% bà mẹ mang thai được tầm soát sàng lọc trước sinh; 60% trẻ sơ sinh được tầm soát sàng lọc sơ sinh và 60% tỷ lệ các cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; 70% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế và khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu trên, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã hướng dẫn các địa phương, đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động.
Ngoài ra, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số; tổ chức tốt công tác truyền thông dân số; đào tạo; bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, công tác truyền thông, vận động được ngành y tế tỉnh Bình Dương tiến hành thường xuyên, phong phú, góp phần thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân.
Hệ thống cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ ngày càng được mở rộng; mạng lưới nhân viên y tế, cộng tác viên dân số tích cực đến các hộ gia đình tại địa bàn quản lý để tuyên truyền vận động, phổ biến, hỗ trợ người dân về thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.
Ngành cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh tỉnh xây dựng chương trình phát trên hệ thống truyền thanh của địa phương để tăng cường tuyên truyền về các nội dung nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như phát thanh, panô, áp phích... tỉnh Bình Dương còn triển khai truyền thông trên internet và mạng xã hội.
Song song đó, các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng tiến hành đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền miệng bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các buổi sinh hoạt theo chuyên đề, đi đến từng nhà để vận động, tuyên truyền cung cấp thông tin các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh thai ngoài ý muốn; trao đổi, giải đáp những thắc mắc về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.
Các ban, ngành, đoàn thể huyện Bàu Bàng thường xuyên phối hợp lồng ghép tuyên truyền các thông tin về DS-KHHGĐ tới người dân |
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó trưởng Phòng Dân số truyền thông & giáo dục sức khoẻ Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) cho biết: "Để triển khai các hoạt động cũng như cung cấp những thông tin liên quan đến công tác DS-KHHGĐ đến với người dân trên địa bàn, công tác truyền thông vận động luôn được quan tâm đẩy mạnh, đổi mới về nội dung và phương pháp thực hiện.
Phòng Dân số truyền thông & giáo dục sức khoẻ Trung tâm Y tế huyện thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh huyện tăng cường công tác tuyên truyền. Phòng còn phối hợp với các ngành, đoàn thể huyện và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng".
Hiện nay, toàn huyện Bàu Bàng có 7 cán bộ chuyên trách dân số ở 7 xã, thị trấn và 122 công tác viên dân số đang hoạt động tại địa bàn các khu, ấp. Trung bình mỗi cộng tác viên dân số quản lý từ 150 - 240 hộ dân.
Để theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình, từ đó tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn mình quản lý tham gia thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, các công tác viên dân số khu, ấp phải thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.