Hà Nội triển khai mô hình phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh
Hơn 37% học sinh tiểu học thừa cân, béo phì
Sau 10 năm, tỷ lệ học sinh béo phì, thừa cân tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM tăng vọt. Trong đó, tỷ lệ cao nhất ở nhóm học sinh tiểu học và tỷ lệ này ở nội thành nhiều hơn ngoại thành.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao ở khối tiểu học và có chiều hướng giảm dần từ khối trung học cơ sở đến khối trung học phổ thông. Nguyên nhân do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống ít vận động.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, khi khẩu phần năng lượng ăn vào vượt quá nhu cầu năng lượng của cơ thể dẫn đến năng lượng dư thừa, được chuyển thành mỡ tích lũy.
Thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn hay ăn vặt, ăn thức ăn nhanh, thích ăn ngọt, không ăn sáng, ăn nhiều vào buổi tối (đặc biệt là trước khi đi ngủ), ít tập luyện thể dục thể thao, xem tivi và chơi trò chơi điện tử quá nhiều… cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến thừa cân, béo phì ở trẻ.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Thị Kiều Anh phát biểu tại hội nghị |
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Thị Kiều Anh - đơn vị thường trực về chuyên môn, trình bày những căn cứ pháp lý và sự cần thiết của mô hình can thiệp, đặc biệt theo kết quả đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học đường giai đoạn 2017 - 2021.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá của CDC Hà Nội tại 90 trường, các khối lớp 5, 9, 12 trong giai đoạn 5 năm từ 2017 - 2021 (cỡ mẫu mỗi năm khoảng 7.300 học sinh), học sinh tiểu học có tỷ lệ thừa cân béo phì cao nhất với 37,8% (THCS: 16,8%, THPT: 11,3%); tỷ lệ gia tăng nhanh theo các năm thừa cân béo phì, nội thành cao hơn ngoại thành (một số trường tiểu học khu vực nội thành có tỷ lệ thừa cân béo phì lên tới 55,7%).
Bà Kiều Anh cho biết, thừa cân béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ, cùng với đó là nguy cơ mắc phải các bệnh như: Đái tháo đường, tim mạch, trầm cảm, ung thư… Nhóm tuổi tiểu học là giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, do đó nếu can thiệp giai đoạn này sẽ đạt hiệu quả cao.
Các bác sĩ cảnh báo, trẻ bị thừa cân béo phì có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như tim mạch, chuyển hóa bất thường glucose, rối loạn gan mật - đường ruột, khó thở khi ngủ.
Trẻ cũng có thể gặp các biến chứng về giải phẫu, nghiêm trọng nhất là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân.
Về tâm lý, trẻ dễ tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dần trở nên thụ động, cô đơn vì không có bạn, dễ dẫn đến trầm cảm.
Mô hình triển khai thí điểm tại một số trường tiểu học
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, hoạt động y tế học đường, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh luôn được thực hiện nghiêm túc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương phát biểu tại hội nghị. |
Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế Hà Nội với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong các hoạt động như phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây thừa cân béo phì... đã dần đi vào nề nếp, từng bước góp phần phát triển toàn diện cho các em học sinh về trí tuệ, thể chất.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, liên ngành Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 4342/KHLN-YT-GDĐT ngày 22/9/2023 về việc triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tại một số trường Tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, hành vi về dinh dưỡng hợp lý của phụ huynh, học sinh và nhà trường trong phòng chống thừa cân béo phì, chủ động phòng chống các bệnh mạn tính không lây lúc trường thành...
Mô hình phấn đấu thực hiện 5 mục tiêu gồm đảm bảo môi trường, điều kiện thực hiện mô hình can thiệp; nâng cao kiến thức, thực hành về phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh, phụ huynh, nhân viên y tế, giáo viên, nhân viên chế biến bữa ăn bán trú trong các trường học được can thiệp.
bên cạnh đó, mô hình cũng cung cấp bữa ăn theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của ngành Y tế cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường, trẻ thừa cân béo phì tại trường học và gia đình; tăng cường hoạt động thể lực nhằm phòng chống thừa cân béo phì ở học sinh tiểu học; kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh tại các trường tiểu học trong thời gian can thiệp.
Giai đoạn này được thực hiện tại trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa); Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm); Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông)...
Để triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh đạt mục tiêu đề ra, các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã thảo luận những thuận lợi, khó khăn và góp ý những giải pháp tốt nhất trong quá trình triển khai thực hiện can thiệp phòng chống thừa cân béo phì cho học sinh...