Dự thảo quản lý phố đi bộ Hồ Gươm: Giữ gìn bản sắc người Hà Nội
Tết Trung thu Hà Nội nên cho các bé đi chơi ở đâu? Tinh tế, hấp dẫn bánh Trung thu cổ truyền của người Hà Nội Tin tức trong ngày 26/9: Hà Nội đề xuất tăng gấp đôi mức xử phạt vi phạm trật tự xây dựng |
Để Hà Nội trở thành nơi văn minh, lịch sự
Theo Dự thảo, đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận phải mặc trang phục lịch sự, không có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hoá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo cũng nêu rõ, trong phố đi bộ, mọi người không dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm; Không thực hiện hành vi dẫm, nằm lên thảm cỏ, ghế đá, ngắt hoa, trèo cây, bẻ cành, hái quả, chặt hạ, huỷ hoại cây xanh.
Trong Dự thảo, thành phố cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân không tổ chức biểu tình, tuần hành, tụ tập đông người trái pháp luật; Tuyên truyền các nội dung trái pháp luật; Tổ chức các hoạt động gây mất trật tự công cộng.
Dự thảo quản lý không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn trẻ |
Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu người dân không bơi lội, câu, đánh bắt cá và sinh vật khác dưới lòng hồ Hoàn Kiếm; Không bán hàng rong, đánh giầy, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức.
Thành phố cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân không đi, để các phương tiện giao thông đường bộ trên hè, lòng đường và các vị trí công cộng khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ); Không được tổ chức các hoạt động như: Đánh bạc (dưới mọi hình thức), ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép theo quy định), bói toán, mại dâm, dùng ma túy và các chất kích thích khác.
Với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao, nếu thuộc hoạt động phải cấp phép thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định. Đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật không phải cấp phép thì tổ chức, cá nhân có hoạt động biểu diễn phải thông báo nội dung chương trình biểu diễn tới Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội trong thời hạn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày tổ chức.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài…
Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến tích cực từ người dân, nhất là giới trẻ.
Đinh Lê Anh Tuấn, sinh viên năm thứ 2 Học viện Nông nghiệp cho biết: “Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi thấy rằng, sau mỗi dịp lễ hay sự kiện gì lớn của đất nước, giới trẻ ồ ạt kéo nhau đến phố đi bộ Hồ Gươm để chơi hay ăn mừng… Tuy nhiên sau mỗi lần như vậy, rác lại ngập tràn, thảm cỏ bị giày xéo, cây cối bị ngắt bẻ… trông xơ xác và mất mỹ quan. Vì vậy, quy định không thực hiện hành vi dẫm, nằm lên thảm cỏ, ghế đá, ngắt hoa, trèo cây, bẻ cành, hái quả, chặt hạ, hủy hoại cây xanh là rất hợp lý. Một Hà Nội văn minh lịch sự, chúng ta nên có ý thức để xây dựng hình ảnh này để Hà Nội thực sự đẹp và ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế”.
Dự thảo có nhiều quy định nhằm xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch nơi công cộng tại không gian phố đi bộ |
Về quy định trang phục tại phố đi bộ, bạn Nguyễn Thị Thu Hằng sinh viên năm thứ 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Cá nhân tôi cảm thấy dự thảo này là hoàn toàn phù hợp. Không gian vui chơi chung tại phố đi bộ thường xuất hiện một số bạn trẻ ăn mặc quá hở hang, cộc cỡn. Đặc biệt khuôn viên phố đi bộ còn có những địa điểm mang tính linh thiêng như tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn... Nhiều bạn mặc những bộ đồ ngắn, mỏng khoe da thịt rất phản cảm”.
Còn bạn Trần Khánh Tâm, sinh viên Học viện Tài chính nêu ý kiến: “Tôi nghĩ vấn đề nói tục nơi công cộng của giới trẻ cần “được cấm” từ rất lâu rồi. Nó không những ảnh hưởng đến không gian chung mà còn dần hình thành thói quen, lối sống của người trẻ. Nhiều lần tôi đã phải giật mình và xấu hổ khi dẫn người thân lên phố đi bộ và nghe được một nhóm bạn trẻ “văng” những câu tục tĩu”.
Khánh Tâm cũng cho rằng, phố đi bộ là nơi vui chơi cuối tuần, không phải nơi công sở nên không cần quy định quá cứng về vấn đề ăn mặc, chỉ cần đừng mặc phản cảm là được. Ngoài ra, các quy định khác như không ngắt hoa, hủy hoại cây xanh… là vấn đề rất cần thiết, phải thực hiện ngay mà không cần phải có quy định mới làm.
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An", tôi nghĩ câu này rất hay về người Hà Nội. Để giữ gìn được bản sắc Hà Nội như vậy, những quy định trong dự thảo hoàn toàn là cần thiết”, Trần Khánh Tâm cho hay.
"Hội sách trăng tròn - Nghênh lân phá cỗ" diễn ra tại Phố Sách Hà Nội |