Tình yêu lớn dành cho Hà Nội của công dân ưu tú Thủ đô
Công dân ưu tú Thủ đô đưa nghề truyền thống vươn tầm quốc tế |
Trao truyền đến thế hệ sau
Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội) là một trong 10 công dân ưu tú Thủ đô năm 2024. Là một nghệ nhân, bà luôn dành trọn vẹn tình yêu, lòng đam mê với nghệ thuật dân ca truyền thống, đặc biệt là hát xẩm và đạt nhiều giải cao tại các hội thi, liên hoan: Huy chương vàng Liên hoan hát Văn và hát Chầu văn khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2010; huy chương vàng tiết mục hát Xẩm Nhị tình tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca khu vực Bắc Trung bộ và Châu thổ sông Hồng năm 2015...
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô" đến Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung |
Với mong ước lan tỏa sức sống của âm nhạc dân gian trong đời sống cộng đồng, bà dành nhiều thời gian và tâm huyết, tổ chức nhiều lớp truyền dạy miễn phí những lời ca, điệu hát cổ truyền cho người dân trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là bộ môn hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền. Bà đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thành lập và phát triển Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân với vai trò làm chủ nhiệm, dạy miễn phí cho hội viên.
Sau hơn 15 năm thành lập, Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân đã ngày càng phát triển, hội viên sinh hoạt định kỳ vào tối thứ sáu hằng tuần. Từ năm 2009 đến nay, bà đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy miễn phí bộ môn hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền cho các tổ chức, nhà trường và ở khu dân cư. Qua các hoạt động, bà đã truyền lại niềm say mê với những điệu hát xẩm, hát văn, những điệu chèo cổ đến những thế hệ sau này, góp phần trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa nghệ thuật truyền thống của đất Hà thành xưa.
Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung. |
Bên cạnh đó, bà luôn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện và động viên các thành viên Câu lạc bộ cùng tham gia; tích cực ủng hộ các cuộc vận động nhân đạo từ thiện do các cấp phát động. Từ những hoạt động thiết thực, Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung đã lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân gian đến nhiều người. Cũng chính từ hoạt động của bà nhiều người được tìm hiểu, thêm yêu mảnh đất Thăng Long- Hà Nội anh hùng, thành phố vì hòa bình.
“Là một trong 10 “Công dân ưu tú Thủ đô” là niềm vinh dự, tự hào rất lớn với tôi. Đi cùng niềm vui là trách nhiệm lớn hơn. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để trao truyền nghệ thuật dân gian, trong đó có bộ môn hát xẩm, hát văn, hát sênh tiền… đến thế hệ trẻ, nhất là các em từ 8-10 tuổi”, Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung tâm sự.
Đóng góp nhiều hơn cho Thủ đô
Gắn bó và dành tâm huyết cho Hà Nội, ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2016; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2022; Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước Lào trao tặng năm 2009…
Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội được vinh danh "Công dân ưu tú Thủ đô" |
Ông đã từng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1995-1999); Trưởng ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng ban Đại học Thành ủy Hà Nội (1998-2001). Năm 2001, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX và giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội (2001-2006).
Trong thời gian công tác tại Hà Nội (1998-2006), ông luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ông trực tiếp chủ trì chương trình khoa học cấp Nhà nước về phát huy các tiềm lực, nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh, bền vững phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tham gia Ban Chỉ đạo chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Thành ủy Hà Nội, phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; tham gia tổng kết 35 năm Thủ đô đổi mới và tham gia tổng kết một số Nghị quyết của Đảng về Hà Nội…
Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội |
Hiện ông là chuyên gia tư vấn Hội đồng Khoa học các cơ quan dân đảng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Ông là thành viên Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XI, XII, XIII, XIV của Đảng; tham gia tư vấn xây dựng dự thảo một số văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ khóa XI đến khóa XIV; chủ trì nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp Nhà nước. Đặc biệt, ông trực tiếp tham gia truyền đạt Nghị quyết của Đảng, báo cáo chuyên đề cho nhiều cơ quan Trung ương và các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Ông Phú cho biết: “Trong sự trưởng thành của tôi có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn từ Đảng bộ, chính quyền Hà Nội. Tôi luôn trân trọng, biết ơn và càng mong muốn làm được điều gì đó đóng góp, xây dựng Thủ đô”.
Theo ông Phú, “Công dân ưu tú Thủ đô” là danh hiệu vô cùng cao quý. Vì vậy, người được vinh danh có trách nhiệm lớn lơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn trong xây dựng Thủ đô. Ông Phú cũng bày tỏ sự tin tưởng, Hà Nội sẽ vươn mình, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), sáng 8/10, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô diễn ra Hội nghị Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024. Sự kiện do Thành ủy-HĐND-UBND-Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức. 10 công dân ưu tú Thủ đô năm 2024 gồm: 1.Giáo sư, Tiến sĩ Kinh tế, Giảng viên Cao cấp, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (sinh năm 1963). 2. Nghệ nhân nhân dân Phan Thị Kim Dung, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (sinh năm 1951). 3. Ông Hoàng Quốc Hải, hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội (sinh năm 1938) 4. Bà Đào Thanh Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (sinh năm 1976) 5. Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa IX, lão thành cách mạng, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội (sinh năm 1930) 6. Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, Chuyên gia pháp luật, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp; Trưởng nhóm Chuyên gia sửa đổi Luật Thủ đô (sinh năm 1954) 7. Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (sinh năm 1949) 8. Ông Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội (sinh năm 1948) 9. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y học, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Thạch, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (sinh năm 1954). 10. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa (nguyên Trưởng Công an phường Láng Thượng) (sinh năm 1981) |