Dự kiến cuối năm 2020, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người
Nỗ lực để người dân Việt Nam tiếp cận được với vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất Tập trung nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19 |
Sáng 6/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi đề nghị Chính phủ, ngành Y tế cho biết giải pháp phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới, tiến độ nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam?
Trả lời nội dung trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, lúc này có thể ví rằng “bên ngoài sóng to gió lớn còn bên trong chúng ta bao chặt”. Chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh, kể cả được phép và trái phép và đón người Việt Nam ở nước ngoài về.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã đón khoảng 200.000 người, vừa chuyên gia lao động nước ngoài và người Việt Nam ở các nước có dịch Covid-19 bùng phát cao về. Đồng thời, ở bên trong, chúng ta xác định phải chung sống an toàn với dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn |
Với câu hỏi dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là ít nhất dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến hết năm 2021, tức ít nhất hơn 1 năm nữa”.
Về vaccine phòng Covid-19, Phó Thủ tướng cho biết, với một vaccine bình thường, từ khi nghiên cứu đến sản xuất và đưa vào sử dụng phải mất ít nhất 5-10 năm mới có được. Hiện trên thế giới đang cấp tập nghiên cứu để sản xuất vaccine Covid-19, theo số liệu hiện có trên 150 ứng viên vaccine này. Việt Nam cũng có 4 ứng viên vaccine.
Đáng chú ý, hiện trên thế giới có 32 vaccine Covid-19 bắt đầu thử nghiệm trên người, trong đó có 10 vaccine thử nghiệm vòng 3: Trung Quốc có 4 vaccine, Mỹ có 4 vaccine, Nga có 1 vaccine, Anh có 1…
Việt Nam, dự kiến cuối năm nay, cũng sẽ có 1 vaccine Covid-19 bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người. Tức với vaccine trong nước, nếu thuận lợi thì nhanh nhất cũng phải cuối 2021, đầu 2022 mới sản xuất được.
Phó Thủ tướng cho biết, việc mua vaccine của thế giới khá khó khăn bởi đây đang là vấn đề nóng toàn thế giới. Hiện WHO và Liên minh Vaccine toàn cầu đã thành lập ra một chương trình gồm 92 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, với tham vọng có thể cung cấp vaccine Covid-19 giá rẻ, có trợ giá, vào khoảng 2 USD/liều, tức một người dùng 2 liều hết khoảng 4 USD.
“Chương trình này cũng chỉ hy vọng từ vài phần trăm đến tối đa 20% số người trên thế giới được dùng. Tuy nhiên hiện nay, chưa có bất cứ một công ty sản xuất nào cam kết bán vaccine cho liên minh này cả. Việt Nam đương nhiên cũng tham gia liên minh này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin.
Với việc mua trực tiếp vaccine Covid-19 từ các nước, các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam cũng đang làm việc với tất cả đối tác, kể cả với Trung Quốc, Nga và một số công ty…
“Tôi cũng báo cáo với Quốc hội, với Nhân dân rằng việc mua vaccine sớm không phải dễ bởi vì tất cả các công ty hiện nay đều nhu cầu cao hơn năng lực sản xuất và đều chưa có gì chắc chắn cả. Vì thế, Chính phủ các nước nếu muốn mua vaccine của các công ty thì đều phải đặt cọc hoặc trả tiền trước, rủi ro hết sức cao”, Phó Thủ tướng nói.
Vì thế, giải pháp căn cơ nhất trong phòng chống dịch của Việt Nam lúc này, vẫn phải là tiếp tục các biện pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch.