Dịch tả lợn châu Phi - Mối nguy cho ngành chăn nuôi Việt Nam
Ảnh minh họa
Bài 1: Khó kiểm soát
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 10/3/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 136 xã, 37 huyện của 13 tỉnh thành trên cả nước với 14.368 con lợn đã buộc phải tiêu hủy. Trong đó, tâm điểm của dịch tả lợn châu Phi nằm ở Thái Bình (61 xã, 6 huyện có dịch, 6.448 con lợn phải tiêu hủy); Hải Phòng (23 xã, 4 huyện có dịch, 3.374 con lợn phải tiêu hủy).
Thông tin được công bố trước đó cho thấy ngày 19/2/2019, Việt Nam mới chính thức tuyên bố có dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, dịch bệnh có thể bùng phát từ trước đó. Giá lợn tăng cao dịp Tết Nguyên đán cộng với việc dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nên có thể nhiều người chăn nuôi đã không khai báo khi có dịch bệnh, vẫn gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ… khiến dịch bệnh lây lan khó kiểm soát.
Khoanh vùng ngăn dịch |
Trong khi đó, số liệu của Cục Thống kê cho thấy, trong nhiều năm, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt, nằm trong nhóm 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới với khoảng 29 triệu con, chiếm tới 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt. Tuy nhiên, đặc thù của ngành chăn nuôi lợn Việt Nam là thường ở quy mô nhỏ lẻ. Điều này dẫn tới việc nếu không kiểm soát dịch tốt sẽ bị ‘vỡ trận’ như ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Lúc đó thiệt hại của ngành chăn nuôi sẽ khó mà đo đếm được.
Từ tháng 8/2018, khi có nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhập Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh: từ việc lập chốt chặn cửa khẩu và các điểm dịch tới việc yêu cầu “ngoại bất nhập” các chuồng trại để loại trừ nguy cơ lây lan giữa lợn bệnh và lợn lành, tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng bệnh...
Tiêu hủy lợn bệnh |
Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đang phát sinh dịch.
Giữa thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang nóng nhất, Thủ tướng Chính phủ đã họp hội nghị trực tuyến yêu cầu khẩn cấp khống chế dịch tả lợn châu Phi ngày 4/3. Trong cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng mức hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy. Theo đó, Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái. Trước đó, mức hỗ trợ này là 38.000 đồng thấp hơn giá thị trường.
Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo các cơ quan Thú y lấy trên 6.000 mẫu xét nghiệm bệnh dịch đối với các loại lợn, nhằm kiểm soát dịch chặt chẽ. Đồng thời miễn phí xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi tại 8 phòng xét nghiệm chính thống do Bộ lập ra.
Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra. Do dịch bệnh có những tác động rất lớn đối với các đàn lợn và kinh tế người dân nên cần triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn và kiểm soát sớm dịch bệnh trên các đàn lợn.
"Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.