Cứu sống bệnh nhi viêm cơ tim cấp bằng kỹ thuật ECMO
Bác sỹ Quang thăm hỏi bệnh nhi Hà Phúc Thịnh tại Khoa hồi sức tích cực
Sau 2-3 ngày liên tục cảm thấy khó thở, bệnh nhi Hà Phúc Thịnh được gia đình đưa vào bệnh viện sản nhi tỉnh. Kết quả chẩn đoán của các bác sỹ Bệnh viên sản nhi cho biết, bệnh nhi Thịnh mắc chứng viêm cơ tim cấp do siêu vi kèm theo suy đa tạng, nên Bệnh viện sản nhi tỉnh đề nghị chuyển bệnh nhi Thịnh lên Bệnh viện Nhi đồng I (TP HCM) để đủ điều kiện điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị chuyển viện, bệnh nhi Thịnh bất ngờ trở nặng, toàn thân tím tái, hôn mê, ngưng tim, nên các bác sỹ khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện sản nhi quyết định đưa bệnh nhi Thịnh trở về khoa hồi sức cấp cứu và đề xuất Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ.
Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, lúc 16 giờ ngày 29/8 các bác sỹ của Bệnh viên Đa khoa Sóc Trăng và Bệnh viện sản nhi quyết định chuyển bệnh nhân về Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng để cấp cứu bằng kỹ thuật trao đổi khí qua màng ngoài cơ thể và hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Bác sỹ Mạch Văn Quang – Trưởng Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng nhớ lại: “Lúc đó bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, da tím tái, huyết áp giảm thấp, phải bóp bóng trợ thở liên tục nên ê kíp cấp cứu quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO để cấp cứu cho bệnh nhân và chỉ sau 15 phút, huyết áp bệnh nhân bắt đầu được cải thiện, bệnh tình chuyển biến ngày một tích cực hơn”.
Cả Ê kíp cấp cứu cùng các bộ phận chuyên môn có liên quan tích cực triển khai các biện pháp cấp cứu kèm thở máy, lọc máu liên tục, đặt máy tạo nhịp tim truyền 10 đơn vị máu cùng nhiều đơn vị huyết tương tươi, tiểu cầu tủa sạch… nên sau 15 phút huyết áp bệnh nhân dần dần được cải thiện. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, Bác sỹ chuyên khoa II – Nguyễn Thị Lạc, cho biết: “Do đây là ca cấp cứu khó, sử dụng kỹ thuật cao nên cả ê kíp cấp cứu và các bộ phận liên quan phải trực theo dõi liên tục bệnh nhân. Riêng Trưởng khoa hồi sức tích cực phải đến tận 2 giờ khuya cùng ngày mới ra về”.
Thiết bị ECMO tuy có giá trên 3 tỷ đồng, đã cứu sống 2 bệnh nhân trong cơn nguy kịch |
Nhờ sự tận tâm trách nhiệm của các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, sau 3 ngày được cấp cứu, bệnh nhân mới tỉnh hoàn toàn, đến ngày thứ 4 không cần đến sự hỗ trợ của kỹ thuật ECMO nữa và hiện đã tự thở, chứ không còn phải thở máy. Đây cũng là ca cấp cứu thành công bằng kỹ thuật ECMO đầu tiên được chính các bác sỹ, kỹ thuật của bệnh viện thực hiện mà không có sự trợ giúp đến từ các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy như ở ca đầu năm. Bác sỹ Quang thông tin thêm: “Với những chuyển biến tích cực của bệnh nhân sau 5 ngày cấp cứu, dự kiến một hai ngày tới bệnh nhân cũng sẽ không cần phải lọc máu nữa và nếu như mọi thứ tiến triển như dự kiến khoảng tuần sau chúng tôi sẽ cho bệnh nhân xuất viện”.
Trao đối với chúng tôi về kỹ thuật cấp cứu mới này, bác sỹ Quang cho biết: “Đây là một kỹ thuật phức tạp và tốn kém, đòi hỏi cả ê kíp cấp cứu và các bộ phận có liên quan phải triển khai một cách nhịp nhàng, đồng bộ, như: khoa ngoại luôn trong tình trạng sẵn sàng phẩu thuật mạch máu; khoa huyết học và truyền máu cung ứng đầy đủ, kịp thời đơn vị máu, huyết tương… Trước đây, khi chưa có kỹ thuật và thiết bị thực hiện ECMO, những ca nặng như bệnh nhi Thịnh đều tử vong vì bệnh tiến triển rất nhanh, nhưng nhờ kỹ thuật ECMO này, đầu năm đến nay chúng tôi đã cứu sống được 2 bệnh nhân trong tình trạng rất nguy kịch”.
Theo ước tính của Bác sỹ Quang, chi phí cấp cứu và 5 ngày điều trị của bệnh nhi Thịnh vào khoảng 160 triệu đồng, nên dù có tham gia bảo hiểm gia đình cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và phương châm: mạng sống của bệnh nhân là trên hết, bệnh viện vẫn quyết định áp dụng kỹ thuật ECMO để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhi Thịnh, còn kinh phí sẽ vận động sau. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, Bác sỹ chuyên khoa II – Nguyễn Thị Lạc, chia sẻ thêm: “Mặc dù biết trước là chi phí cấp cứu, điều trị sẽ rất cao, nhưng chúng tôi vẫn quyết định thực hiện để cứu sống cháu Thịnh trước, mọi chuyện sẽ tính sau. Rất may nhờ có sự chia sẻ từ các thành viên cộng đồng mạng xã hội, nên các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã biết đến và đóng góp tới nay cơ bản đã đủ cho chi phí của ca điều trị này”.