"Chuyện nhặt" về văn hóa ứng xử mùa dịch - Bài 1: Nhắc nhau chuyện đeo khẩu trang
Bài 5: Trách nhiệm nêu gương… Bài 4: Lệch chuẩn ở học đường, đâu chỉ trách nhiệm của trường? Bài 3: Từ chuyện nhà, ra chuyện đường Bài 2: Hạnh phúc - thước đo của gia đình Bài 1: Kịp thời và đúng lúc |
Dịch Covid-19 xuất hiện, chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân của hầu hết mọi người khi ra khỏi nhà. Thực ra, trước Covid, người dân Thủ đô cũng đeo khẩu trang rồi nhưng chủ yếu dùng khi lái xe đi làm, phòng chống bụi bẩn… Khi xuất hiện dịch Covid-19, mọi người phải đeo khẩu trang hầu như mọi lúc, mọi nơi để phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười cũng bắt đầu từ đó…
Từ cuộc gọi tưởng chừng "giời ơi đất hỡi"...
Vào ngày cuối cùng của đợt giãn cách xã hội lần thứ 3 tại Hà Nội, Tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi báo cáo về việc một số người dân tập thể dục ở xóm không đeo khẩu trang.
Nội dung cuộc thoại như sau: "Alo! tổ trưởng tổ dân phố ạ. Tôi gọi để báo về việc một số người dân ở xóm tôi thường xuyên đi bộ tập thể dục dọc xóm mà không đeo khẩu trang. Trẻ con nhà tôi muốn ra ngoài sân nhà mình chơi mà cũng không dám ra".
Thoạt nghe, một số người sẽ nói, ông này "chí phèo" thế, có mỗi việc đó cũng báo cáo lên tổ dân phố. Cũng có người sẽ nghĩ rằng, người này thích mách lẻo, có phải việc của ông đâu mà tham gia, người ta không đeo thì sẽ cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt, cần đến ông chắc...
Nhắc nhau việc đeo khẩu trang tuy là một hành động nhỏ nhưng thể hiện ý thức văn hóa vì cộng đồng của người dân Thủ đô |
Điều này cũng không có gì sai nhưng nếu nghĩ như vậy, chúng ta mới chỉ nhìn thấy một mặt của vấn đề. Nếu nghĩ xa, trông rộng hơn thì đây là hành động rất đáng hoan nghênh... Bởi lẽ, ngành Y tế đã tuyên truyền rất nhiều về ý nghĩa cũng như tác dụng của việc đeo khẩu trang. Đó không còn là câu chuyện của riêng ai mà đó là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân trong bối cảnh dịch bệnh lây lan phức tạp như hiện nay.
Nói đeo khẩu trang là trách nhiệm và nghĩa vụ bởi nếu như chẳng may mình có bị nhiễm Covid-19 thì sẽ hạn chế lây lan cho người khác và quyền lợi là mình sẽ không bị người khác lây. Thấu hiểu được điều này, có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ về ý nghĩa thực sự sau cuộc điện thoại báo cáo về việc có người vẫn không đeo khẩu trang đã nói ở trên.
Trong câu chuyện này, người được tố cáo biện minh rằng: “Tôi đã tiêm một mũi vắc xin rồi, làm sao lây được mà phải sợ. Lắm chuyện! Nhà ông sau này chắc không cần nhờ hàng xóm việc gì nữa? Sợ chết thế cơ à”. Lí luận mà chị này đưa ra nhiều phần cố chấp. Bởi các chuyên gia y tế đã cảnh báo, người dù tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Đã vậy, chị lại viện cớ trách móc người tố cáo không nể tình hàng xóm.
Dẫu rằng, dân ta vẫn có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, tình làng, ngõ phố cần nhau lắm, nhất là những lúc ốm đau, nhà có hiếu hỉ nhưng cũng không thể vì “cả nể” mà bỏ qua sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cả chính cộng đồng trong khu vực mình sống, trong đó có cả gia đình chị.
Hơn nữa, khi thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, bao lực lượng đang căng mình chống dịch thì hành vi của chị liệu có đáng lên án không?
... đến hàng xóm nhà tôi không đeo khẩu trang
Chuyện không đeo khẩu trang những tưởng chỉ là câu chuyện hi hữu khi Hà Nội cùng cả nước đã trải qua 2 năm sống chung với dịch. Ấy vậy mà, câu chuyện ấy lại tiếp diễn ở nhiều nơi với nhiều diễn biến khác nhau.
Chị Vũ Thị Thu Hà, trưởng phòng nhân sự của một công ty đào tạo ở Hà Nội chia sẻ một câu chuyện có thật như thế này.
“Trong khi hầu hết người dân ai nấy đều đeo khẩu trang thì anh hàng xóm mỗi lần sang nhà tôi chơi chẳng bao giờ thấy đeo khẩu trang. Công việc hàng ngày của anh khi chưa có dịch là làm xe ôm nhưng từ đợt có dịch thì anh ở nhà. Hầu như ngày nào anh cũng sang nhà tôi chơi. Mấy lần anh hàng xóm ra về tôi đều bảo bố.
“Bố ơi, anh Phòng chẳng đeo khẩu trang gì cả. Mà chẳng biết anh ấy hay đi những đâu tiếp xúc với ai. Bố có tuổi rồi, con nghĩ bố nên nói với anh ấy. Sang chơi cũng được nhưng đeo khẩu trang vào chứ mình bố đeo thì có tác dụng hoàn toàn sao được”.
Lần nào tôi nói bố cũng ừ nhưng tính cả nể xưa nay, anh cứ sang lại chẳng nói gì.
Sau vài lần thấy vậy, một hôm tôi tiến lại gần hỏi thăm vài câu và bảo luôn: “Anh Phòng ơi, em nói điều này mong anh thông cảm nhé! Đợt này dịch cũng phức tạp ấy. Biết là anh ở nhà không quen cũng cần có người trò chuyện nhưng mỗi lần sang nhà em anh có thể đeo khẩu trang được không ạ? Khẩu trang giúp phòng bệnh cho cả anh và những người tiếp xúc ạ”.
Lúc đó anh có vẻ không bằng lòng lắm, cười gượng và sau đó ra về luôn. Tôi để ý cả một tuần sau không thấy anh sang. Một hôm vừa đi làm về, tôi thấy anh và bố ngồi uống nước ở ghế đá ngoài sân. Thấy cả anh và bố đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Chưa kịp hỏi gì anh đã bảo: “Hôm nay tôi đeo khẩu trang rồi cô yên tâm nhé! Thực ra đúng là tôi cũng bất cẩn, lúc đầu cô nhắc tôi cũng thấy tự ái nhưng mà về đọc báo, xem tivi thấy mình đúng là vô ý quá. Hôm nay sang đây vừa là xin lỗi cô và ông. Thời gian tới chắc tôi ở nhà cho lành, lúc nào hết dịch tôi lại sang ông và cô chơi nhé”.
Tôi cười bảo. Anh Phòng nghĩ được thế thì em đỡ áy náy quá. Dịch bệnh còn đang phức tạp anh ạ. Mỗi người đều nên có ý thức một chút để dịch bệnh qua mau anh nhỉ?”.
Đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng tránh Covid-19 |
Giãn cách xã hội, cả Hà Nội phải thực hiện một nếp sống mới mà ở đó có những phẩm chất văn minh, thanh lịch từ ngàn xưa vẫn cần được kế thừa phát huy, lại có những phẩm chất phải thích nghi và tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp.
Dù những chiếc khẩu trang đơn điệu có thể biến tất cả chúng ta mang vẻ đẹp "đồng dạng", khó nhận biết được ai với ai, khó khoe được khuôn mặt trái xoan, màu son xinh trên phố nhưng người Hà Nội đã đeo khẩu trang như phản xạ tự nhiên. Bởi hầu hết mọi người đều hiểu rằng, chiếc khẩu trang nhỏ bé kia không những bảo vệ được sức khỏe mà còn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho chính mình và cộng đồng một cách hữu hiệu nhất, dễ làm nhất, đơn giản nhất và rẻ nhất.
Tuy nhiên, không phải người dân Thủ đô nào cũng ý thức và chấp hành nghiêm. Điều này đã khiến Hà Nội phải ra quy định xử phạt “rất nặng” liên quan đến việc người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, 12 ngày đầu tháng 5/2021, số tiền phạt người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng lên tới hơn 3 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày 200 trường hợp vi phạm.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cả Hà Nội đang dồn sức để chống dịch và mong muốn dịch bệnh lắng xuống để trở về nhịp sống thường. Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức để bảo vệ cho mình và bảo vệ cho cộng đồng bằng cách tuân thủ nghiêm các quy định, dù là hành vi nhỏ nhất đó là: “Ra ngoài luôn đeo khẩu trang”.
(Còn nữa)