Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái hướng đến xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Phát triển nông nghiệp hiện đại, đô thị sinh thái
Thanh Oai là huyện ven đô, nằm ở phía Tây Nam, được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô Hà Nội. Về địa hình, Thanh Oai trải dài từ Bắc xuống Nam với 3 trục đường giao thông chính: Quốc lộ 21 B qua trung tâm giữa huyện; Trục đê tả Đáy ở phía Tây huyện và trục đường phát triển phía Nam. Trong thời gian tới, trên địa bàn huyện sẽ có đường vành đai 4, đây là điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế của huyện.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết: Thanh Oai luôn hướng tới mục tiêu chung là phát triển kinh tế bền vững, xây dựng huyện giàu đẹp văn minh, gắn với phát triển đô thị sinh thái ven đô, có nền nông nghiệp hiện đại, làng nghề phát triển gắn với du lịch.
Xác định chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái hướng đến xây dựng Nông thôn mới nâng cao đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược của huyện cần phải có lộ trình, giải pháp cụ thể.
Do đó, trong thời gian qua, huyện Thanh Oai tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Chương trình số 02 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, huyện triển khai kế hoạch 73/KH-UBND ngày 4/3/2022 của UBND thành phố Hà Nội về “Phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, Bí thư huyện ủy Thanh Oai nhấn mạnh.
Thanh Oai luôn hướng tới mục tiêu chung là phát triển kinh tế bền vững, có nền nông nghiệp hiện đại |
Nhấn mạnh về vai trò của phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, GS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định: Phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái là mục tiêu mà nhiều quốc gia hướng đến cho một tương lai bền vững.
Thành phố Hà Nội nói chung, huyện Thanh Oai nói riêng hội đủ các điều kiện để phát triển theo tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái nhờ diện tích cây xanh, mặt nước lớn, số lượng di tích nhiều. Với những chính sách thiết thực cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Hà Nội đang dần hình thành hệ sinh thái đa dạng và kiến tạo vành đai xanh ven đô trên hành trình xây dựng đô thị phát triển bền vững.
“Để chuyển đổi nông nghiệp đô thị sinh thái trên địa bàn, huyện Thanh Oai cần triển khai có hiệu quả các chính sách có liên quan của Trung ương và Hà Nội để hình thành các hợp tác xã kiểu mới hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, huyện chú trọng hỗ trợ từ giống, đầu tư hạ tầng và thiết bị công nghệ cao đến việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu. Đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm...
Đồng thời, huyện Thanh Oai đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy thế mạnh mảnh đất trăm nghề, nơi có nhiều di tích lịch sử để phát triển các sản phẩm chủ lực; Phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm; Hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn...”, PGS. TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.
Hướng đến phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm
TS Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội nói chung, huyện Thanh Oai nói riêng đang ngày càng tăng nhanh, đồng nghĩa với việc diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp. Trong khi đó, nhu cầu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là nông sản sạch của người dân ngày càng tăng cao. Do vậy, phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, bền vững là xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp đô thị ven đô trong tương lai.
Từ thực tế đó, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố đã đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi quy mô, phương thức tập trung ruộng đất đủ lớn để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư những cánh đồng mẫu lớn sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có tính cạnh tranh cao.
Đặc biệt, thành phố phải tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một cách hiệu quả để nâng cao giá trị nông nghiệp gắn với phát triển bền vững, khắc phục được những bất cập trong tiêu thụ nông sản.
Huyện Thanh Oai đã đẩy mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín, giá trị kinh tế cao |
“Với những tiềm năng và lợi thế của Thanh Oai, bên cạnh việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái, huyện cần hướng đến phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng. Ở đó, những cánh đồng ven sông được tổ chức thành những làng sinh thái, công viên nghỉ dưỡng kết hợp với canh tác nông nghiệp đô thị.
Phát huy những giá trị văn hoá, văn hiến lâu đời, cùng với hệ thống làng nghề phong phú và vị trí đắc địa nơi hợp giao của những trục phát triển năng động quanh nội đô, Thanh Oai hoàn toàn có thể trở thành quận sinh thái trong tương lai”, TS Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Ngoài việc xây dựng những mô hình chuyên canh cây trồng vật nuôi kết hợp du lịch sinh thái như hoa cây cảnh, rau củ quả, lương thực thực phẩm, chăn nuôi gia súc gia cầm dựa trên lợi thế sẵn có, huyện Thanh Oai cần mở rộng những làng nghề chuyên sâu áp dụng công nghệ mới để sản xuất những mặt hàng tinh xảo với chất lượng cao để phục vụ nhu cầu đô thị.
Đô thị hóa phát triển cùng với yêu cầu nội thị tăng cao, nhu cầu hàng tiêu dùng, nhất là sản phẩm OCOP và giao thương nông sản hàng hóa được dự báo gia tăng lớn sẽ là thuận lợi lớn để mở mang làng nghề trong khu vực nông thôn.
Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |