Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
Phát triển thương hiệu cho nông sản chủ lực
Là địa phương thuần nông, sản xuất nông nghiệp vẫn được huyện Phúc Thọ đặc biệt chú trọng phát triển. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 7.000ha đất nông nghiệp, chiếm 58,5% tổng diện tích tự nhiên, phân chia thành 2 vùng bãi và vùng đồng. Thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.
Với sự hỗ trợ của của các sở ngành thành phố Hà Nội, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu cho một số nông sản chủ lực. Cùng với đó, Phúc Thọ cũng thực hiện phân vùng trong sản xuất nông nghiệp như: Vùng hoa, cây cảnh; Vùng chuối Vân Nam; Vùng bưởi Vân Hà…
Nhờ đó, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tích cực, diện tích các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả giảm dần, diện tích trồng rau, hoa và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ngày một tăng lên.
Huyện Phúc Thọ cũng thực hiện phân vùng trong sản xuất nông nghiệp như vùng bưởi Vân Hà |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết: Đến nay toàn huyện đã phát triển được 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh; 1.002ha cây ăn quả. Cùng với đó, huyện có 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao; 3.063ha lúa chất lượng cao (lúa thơm và lúa nếp). Đồng thời, Phúc Thọ đã hình thành được 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
“Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như: Bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; Thịt lợn rừng Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú. Một số sản phẩm nông sản đã sử dụng tem QRcode để truy xuất nguồn gốc…”, bà Lê Thị Kim Phương nói.
Tạo động lực cho Nông thôn mới
Để phát triển nhanh và đúng hướng, trong giai đoạn tới, bên cạnh sự quan tâm của thành phố, huyện Phúc Thọ xác định sẽ phát huy nội lực, khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là nguồn nhân lực.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: “Huyện Phúc Thọ đã xây dựng và triển khai đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ”. Từ đây, Phúc Thọ xây dựng thành công huyện Nông thôn mới điển hình tiên tiến, có kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, thực sự là miền quê đáng sống”.
Huyện Phúc Thọ xác định sẽ phát huy nội lực, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng Nông thôn mới |
Đề án đã xác định một số chỉ tiêu chính như: Đến 2025, hoàn thành việc xây dựng quy hoạch chung của huyện, quy hoạch xây dựng Nông thôn mới các xã, thị trấn; Tái cơ cấu kinh tế, hình thành 3 vùng phát triển gồm vùng đô thị sinh thái, vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và vùng nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao; Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại làm động lực phát triển kinh tế vùng huyện.
Hiện, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 80%; Xây dựng 7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao... Phúc Thọ từng bước xây dựng huyện Nông thôn mới điển hình tiên tiến… Tốc độ tăng tổng giá trị các sản phẩm chủ yếu giai đoạn 2020-2025 là 9%/năm; Trong đó công nghiệp tăng 10%/năm; Thương mại dịch vụ tăng 10%/năm; Nông nghiệp tăng 4%/năm; Thu nhập bình quân đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn dưới 1%…
Để thực hiện mục tiêu đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết: Đối với kinh tế nông nghiệp, huyện sẽ xây dựng ý thức tự giác, trách nhiệm xã hội của người dân trong việc sản xuất, chăn nuôi an toàn; Tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Đồng thời, Phúc Thọ sẽ phát triển các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao; Xây dựng nhãn hàng tập thể cho sản phẩm nông sản chủ lực, thương hiệu nông sản Phúc Thọ sạch, an toàn.
Mặt khác, Phúc Thọ sẽ triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch”, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào “Đẹp nhà, sạch ngõ, xanh làng”, “Đường có hoa, nhà có số, ngõ có tên”; Xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu…; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của địa phương, xây dựng người Phúc Thọ thanh lịch, văn minh, nhân ái, hiếu khách.
Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |