Các địa phương khẩn trương sản xuất, gối vụ phục vụ dịp Tết Nhâm Dần
Gặt đến đâu trồng ngay cây vụ đông đến đó
Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, nông dân ngoại thành Thủ đô lập tức xuống đồng để thu hoạch lúa, rau và trồng vụ mới. Trở về trạng thái bình thường mới lúc này có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân các huyện ngoại thành như: Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất. Đây là những "vựa” nông sản, lương thực của Hà Nội.
Tại huyện Phúc Thọ, cùng với thu hoạch lúa mùa, nông dân trên các xứ đồng đang tập trung sản xuất các loại rau màu và sản xuất vụ đông. Với phương châm, gặt đến đâu trồng ngay cây vụ đông đến đó, nông dân được hướng dẫn áp dụng biện pháp không làm đất, làm đất tối thiểu, làm bầu và trồng gối các cây ưa ẩm, cây ngắn ngày như ngô, bí xanh, khoai lang để gia tăng sản lượng rau màu.
Riêng với hai xã Tích Giang và Tam Thuấn (Phúc Thọ), địa bàn chuyên trồng hoa và cây cảnh, đòi hỏi phải thường xuyên chăm sóc hằng ngày, chính quyền đã sớm xây dựng vùng sản xuất an toàn, yêu cầu người dân tuân thủ thông điệp 5K và quản lý chặt chẽ người lao động.
Hiện các huyện ngoại thành đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ mùa để gieo trồng cây vụ Đông |
Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất với quyết tâm đảm bảo an ninh lương thực, không để đất bị bỏ hoang, huyện Phúc Thọ chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất vụ đông năm 2021.
Tại huyện Hoài Đức, các xã Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế, Minh Khai, Vân Canh là những địa bàn trọng điểm sản xuất rau ăn lá các loại, đậu đũa, mướp ngọt, mướp đắng, ngô, cà tím, cà xanh... Sau khi thu hoạch xong lứa rau vụ mùa, bà con nông dân lại tất bật xuống đồng.
Anh Trần Xuân Tiến, ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, cho biết, gia đình có 5 sào ruộng chuyên trồng rau ăn lá và củ các loại, nằm trong đợt thu hoạch đầu tiên của huyện. Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, gia đình rất lo lắng vì nếu thu hoạch chậm không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau củ, mà còn ảnh hưởng tiến độ sản xuất vụ đông.
Tuy nhiên, sau khi thành phố thực hiện phân vùng, huyện Hoài Đức được chuyển sang trạng thái bình thường mới, hợp tác xã nông nghiệp tập trung thu mua nông sản của bà con, nên các gia đình đã cử 1-2 người ra đồng thu hoạch rau, củ; Đồng thời làm đất để chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông kịp tiến độ.
Người dân vận chuyển thóc về nhà sau vụ mùa |
Tương tự, huyện Ứng Hòa cũng đang trong thời điểm bà con nông dân tất bật thu hoạch lúa mùa để chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông. Là thôn phát triển mạnh phong trào sản xuất cây vụ đông, nên ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa, bà con nông dân thôn Phù Lưu Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, đã tiến hành làm đất ngay để trồng khoai tây.
Ông Nguyễn Văn Thạo, ở thôn Phù Lưu Hạ cho biết, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương rất thích hợp với trồng khoai tây. Năm trước, năng suất khoai đạt 6-7 tạ/sào, thu nhập 5-6 triệu đồng/sào. Do đó, người dân nơi đây rất chăm chút cho vụ đông này.
Tập trung sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông năm 2021, Hà Nội phấn đấu sản xuất trên diện tích gần 30.000ha. Trong đó, rau các loại là 13.948ha; Ngô là 6.400ha; Đậu tương 1.974ha; Khoai lang, khoai tây, lạc, đỗ các loại hơn 2.300ha... còn lại là cây trồng khác. Trên cơ sở điều kiện thế mạnh của từng vùng, các địa phương bố trí cây trồng phù hợp.
Việc UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND đúng thời điểm các huyện ngoại thành đang thu hoạch lúa mùa, khiến nông dân rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, cho biết năm nay nông dân huyện Phúc Thọ thu hoạch lúa sớm hơn so với nhiều địa bàn khác, từ ngày 4/9 đến hết 5/10 sẽ thu hoạch xong.
Một số địa phương đã triển khai gieo trồng cây vụ đông |
Để giúp nông dân thu hoạch lúa kịp thời, huyện Phúc Thọ bố trí gần 60 máy gặt đập liên hợp và giao cho các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức khâu dịch vụ, điều tiết máy gặt theo các nhóm hộ gia đình và từng xứ đồng.
Huyện đã giao UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, các trưởng thôn theo dõi từng khu vực để điều tiết máy gặt. Các hộ dân đăng ký ngày gặt với hợp tác xã và sẽ được phát phiếu, bảo đảm dưới 10 người có mặt tại thửa ruộng và thực hiện các quy định phòng dịch.
Ông Sơn cho biết thêm, nhiều địa bàn bố trí mỗi cánh đồng một chốt kiểm tra y tế và tăng cường lực lượng dân quân sẵn sàng hỗ trợ nông dân thu hoạch trong trường hợp cần thiết.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Để chủ động hơn trong cung cấp nông sản tại chỗ, Sở khuyến khích các địa phương triển khai các chương trình hỗ trợ để người dân mở rộng tối đa diện tích cây trồng vụ đông. Đến nay, toàn TP Hà Nội đã có nhiều địa phương triển khai sản xuất vụ đông sớm với diện tích đạt gần 300ha...
Vụ đông 2021, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng, Hà Nội tập trung vào các công đoạn sơ chế, bảo quản, kho chứa; Hỗ trợ địa phương về thị trường tiêu thụ; Hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm bảo đảm chất lượng...
Tại hội nghị chỉ đạo sản xuất của thành phố mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu: Để bảo đảm nông sản phục vụ tiêu dùng trên địa bàn TP, đặc biệt nhu cầu sẽ tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thực hiện "mục tiêu kép" từng bước vừa sản xuất, vừa phòng dịch trong điều kiện mới, các địa phương cần tích cực, trách nhiệm trong tổ chức cho nông dân thu hoạch lúa, rau; Đồng thời hỗ trợ các điều kiện về giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi để nông dân tái sản xuất vụ mới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng cường hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng cây trồng; Rà soát phương án phòng, chống dịch bệnh, hướng tới chăn nuôi quy mô lớn, an toàn.
Đối với phòng, chống lụt bão, úng ngập, ngành Nông nghiệp phải rà soát lại toàn bộ phương án, không chỉ ở khu vực ngoại thành mà cả các quận; Chủ động dự báo, nắm bắt tình hình mưa bão để không bị động, tránh thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi.