Hà Nội: “Vùng xanh” nỗ lực sản xuất, kinh doanh
Làng nghề không ngày nghỉ giữa đại dịch
Thôn Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là một trong nhiều làng nghề truyền thống tại Phú Xuyên vẫn duy trì kinh doanh, sản xuất không một ngày ngừng nghỉ trong suốt mùa dịch vừa qua.
Ngoài phát triển các sản phẩm từ mây tre, guột tế, người dân thôn Lưu Thượng còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, bèo, bẹ chuối... để tạo ra hàng nghìn mẫu mã đẹp mắt. Các sản phẩm của làng nghề đã đạt đến độ tinh xảo và vươn xa ra thị trường các nước Đông Âu, Nhật Bản, Canada….
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, đã tác động mạnh tới làng nghề như việc giao thương khó khăn, số đơn hàng giảm, giá nguyên vật liệu tăng… khiến nguồn thu nhập giảm đáng kể. Dù vậy, người dân nơi đây hàng ngày vẫn có công việc duy trì với mức thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng.
Người dân làng nghề mây tre đan thôn Lưu Thượng vẫn duy trì sản xuất trong suốt mùa dịch |
Bà Nguyễn Thị Lan, người đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề mây tre đan chia sẻ, mặc dù đã có máy móc hỗ trợ nhiều công đoạn nhưng người dân làng nghề chủ yếu vẫn làm thủ công nên khá vất vả. Trong làng từ trẻ nhỏ trên 10 tuổi đến các cụ già 80 tuổi hàng ngày vẫn cặm cụi làm từ 6h sáng đến tối. Có người tham việc còn làm đến 10h đêm.
“Từ khi dịch bùng phát đến nay, đơn hàng ít hơn, giá cũng sụt giảm mạnh khiến thu nhập của chúng tôi giảm nhiều nhưng chưa ngày nào không có việc để làm. Trước đợt giãn cách, người dân các làng vẫn qua lại giao thương, buôn bán. Từ ngày triển khai mô hình “vùng xanh an toàn” thì chúng tôi chủ yếu chỉ sản xuất và buôn bán nguyên vật liệu giữa người trong làng với nhau. Dù hiện các sản phẩm mây tre đan chưa xuất được nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn làm để chuẩn bị hàng xuất sau khi hết giãn cách và phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, bà Lan cho hay.
Chia sẻ bí quyết duy trì ổn định sản xuất trong đại dịch, chị Nguyễn Thị Liễu cho hay, để phòng dịch, gia đình chị đã chấp hành nghiêm quy định 5K trong quá trình sản xuất. Đối với lao động làm thuê tại các làng khác, trước giãn cách, chị đã chủ động đưa nguyên vật liệu để họ mang về làm việc tại nhà.
Để đảm bảo vừa duy trì sản xuất, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, thôn Lưu Thượng đã bố trí chốt kiểm soát theo mô hình tự quản "vùng xanh an toàn", không để người ngoài thôn ra vào. Chợ họp liên thôn ở ngay đầu làng cũng đã tạm dừng hoạt động. Song song đó, để tạo điều kiện cho người dân làng nghề vững vàng hoạt động trong đại dịch, xã Phú Túc đã ưu tiên bố trí tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người làm nghề đợt đầu tiên.
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Không chỉ huyện Phú Xuyên, những ngày này, tại nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã “vùng xanh” theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND TP Hà Nội cũng đã tất bật sản xuất trở lại.
Mô hình tự quản "vùng xanh an toàn" giúp người dân thôn Lưu Thượng giữ vững thành quả phòng, chống dịch, yên tâm sản xuất, kinh doanh |
Theo đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam (Cụm Công nghiệp Thanh Oai) cho biết, từ ngày 6/9, công ty đã quay trở lại hoạt động 100% công suất. Để bảo đảm sản xuất an toàn, tất cả công nhân của công ty đều được làm xét nghiệm PCR 3 ngày/lần và tiếp tục thực hiện “1 điểm đến, 2 cung đường”. Bên cạnh đó, công ty đã được UBND huyện Thanh Oai hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên.
Hiện các doanh nghiệp nằm trong “vùng xanh” đang nỗ lực khôi phục sản xuất dù còn gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, trong tháng 8/2021 đơn vị thực hiện thủ tục giải thể cho 244 doanh nghiệp; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, nguyên nhân do hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều khó khăn. Cụ thể như không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do ách tắc tại khâu lưu thông, vận chuyển, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Những khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo đảm nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nắm bắt được vấn đề đó, TP Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, UBND TP đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đặc biệt, TP Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh. Ngành thuế cũng đã hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp, xuất hóa đơn lẻ…
Tính đến 31/8, gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng Hà Nội trong việc gấp rút triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch; Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Kết luận phiên họp trực tuyến của Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 với các sở ngành, quận huyện, xã phường chiều 12/9 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã yêu cầu chính quyền các địa phương vùng 2,3, phải tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, xây dựng trong điều kiện kiểm soát tình hình dịch bệnh chặt chẽ.
Cùng với đó, các quận huyện, các ngành phải chủ động xây dựng phương án để phục hồi kinh tế, dịch vụ, để đến khi TP có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội thì bắt tay ngay vào triển khai, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phục hồi và thúc đẩy kinh tế bám sát theo tiến độ khống chế dịch bệnh trên từng địa bàn của TP.
Cụ thể tại các khu vực có nguy cơ thấp duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh; ở những nơi có đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”; từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa bàn kết thúc giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; Tại các khu vực nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội; Đồng thời phối hợp với Sở Giao thông vận tải bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Bất động sản nhà ở tại Hà Nội: Giá không giảm trước những áp lực gia tăng về dòng tiền |
Vinamilk ủng hộ thêm 5 tỉ đồng sản phẩm và thiết bị y tế phục vụ chữa trị bệnh nhân Covid-19 nặng |
Người tiêu dùng thể hiện tinh thần mua sắm lạc quan |
SCG và LSP trao tặng hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động |
Diana Unicharm sát cánh cùng đội ngũ y tế tuyến đầu chăm sóc bệnh nhân |