Bồi dưỡng tinh thần yêu nước qua từng hoạt động thiết thực
Lan tỏa tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc |
Vào mỗi ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước, tại những nơi mang đậm dấu ấn lịch sử của Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò đều diễn ra những hoạt động trưng bày, triển lãm rất phong phú, đa dạng trong thời gian dài và thu hút người xem. Thông qua từng hiện vật, từng góc trưng bày được sắp xếp khoa học, hiện đại, tạo hiệu ứng thị giác và hấp dẫn, hoạt động này mang đến những câu chuyện lịch sử đầy bổ ích với khán giả.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, những nơi này không đóng cửa hoàn toàn cũng như lịch sử chưa bao giờ ngủ yên. Dấu ấn hào hùng của dân tộc vẫn sống động, truyền lửa đến thế hệ hiện tại và mai sau thông qua nhiều hình thức trưng bày online.
Có thể kể đến tour tham quan ảo 360 độ tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 và trưng bày triển lãm online với chủ đề “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khai mạc vào ngày 27/4/2020.
Đến với tour tham quan ảo 360 độ tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67, du khách được khám phá một di tích lịch sử - cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, từ năm 1968-1975, trở thành Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng tại đây, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, phân tích đánh giá tình hình cuộc chiến và kịp thời đưa ra những chỉ đạo cho cách mạng miền Nam, thống nhất đất nước.
Không gian bên trong Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 |
Tại đây, du khách được tương tác, tìm hiểu về trưng bày triển lãm với chủ đề “Thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng” tại Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67. Triển lãm giới thiệu khoảng 120 hình ảnh, tài liệu, hiện vật với 3 chủ đề chính: Quá trình chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng tiến công; Nét đặc sắc trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”; Niềm vui chiến thắng.
Chương trình trưng bày trực tuyến "Trung thu sum vầy" tại Hoàng thành năm nay lại gửi gắm những hình ảnh, câu chuyện về Trung thu truyền thống.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, hàng triệu trẻ em không được hưởng niềm vui đón trăng như mọi năm thì trưng bày phỏng dựng mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ XX dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng... chẳng những mang đến cho các em một đêm rằm tháng 8 ý nghĩa mà đậm nét văn hóa cổ truyền.
Mặt nạ giấy bồi - đồ chơi Trung thu truyền thống xưa được giới thiệu tại triển lãm |
Đêm Trung thu, cả gia đình quây quần bên mâm cỗ, trẻ con tổ chức rước đèn, thi đèn, múa sư tử, chơi trò chơi dân gian; Người lớn thưởng trăng, ăn bánh, uống trà hoặc uống rượu sen Hồ Tây với ốc luộc tẩm lá gừng, chấm tương gừng hay ốc nhồi thịt lá gừng; Một số nơi còn đi nghe hát trống quân.
Thông qua trưng bày, du khách sẽ được tiếp cận những loại đồ chơi được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở các phố cổ và làng nghề ven Thăng Long. Theo các nguồn tư liệu từ Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp); Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp... những năm đầu thế kỷ XX, ở Hà Nội đồ chơi Trung thu vô cùng phong phú, được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như giấy bồi, đất, bột, gỗ, đồ sắt tây, bông và giấy bóng kính.
Truy cập trưng bày trực tuyến, người xem còn được gặp gỡ nhà sử học Lê Văn Lan qua các video clip nói chuyện về tết Trung thu truyền thống với chủ đề: Trung thu sum vầy trong bối cảnh dịch Covid-19; Tục bày cỗ của người Hà Nội với các tích truyện đặc sắc như: Ông Lã Vọng câu cá, Tiến sĩ vinh quy, Người con hiếu thảo; Tục rước đèn; Tục thưởng trăng của người Hà Nội… đồng thời, cùng tìm hiểu về nghệ thuật làm thiên nga bằng bông, món đồ chơi Trung thu đặc sắc của người Hà Nội với nghệ nhân Quách Thị Bắc.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 18/3/2021, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc triển lãm “Một thời sôi nổi”.
Những hình ảnh, hiện vật tại trưng bày được thể hiện qua hai nội dung: “Ánh lửa từ trái tim” và “Ước vọng xây đời”. Trong đó, phần trưng bày “Ánh lửa từ trái tim” là câu chuyện của tuổi trẻ Việt Nam trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh; Xông pha nơi chiến trường ác liệt; Hăng say lao động nơi hậu phương hay kiên trung, bất khuất nơi ngục tù thực dân, đế quốc. Nhiều người đã đã gác lại bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ để góp sức giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Trưng bày tái hiện khung cảnh một trạm giao liên xưa |
Nội dung trưng bày “Ước vọng xây đời” là những hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam thế hệ hôm nay đang nối dài thêm những chiến công, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Tại buổi lễ khai mạc, người xem được trò chuyện với các các nhân chứng lịch sử là những thế hệ học sinh, sinh viên của trường Chu Văn An, Trưng Vương… đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.
Trưng bày “Một thời sôi nổi” giúp thế hệ trẻ thấm thía ý nghĩa của hòa bình, tự do, hạnh phúc hôm nay được đánh đổi bằng bao ước mơ, hoài bão, thậm chí là máu xương của lớp thanh niên đi trước; từ đó có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, trưng bày "Thắp lửa yêu thương" nhằm kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021) đã được tổ chức với hình thức trực tuyến.
Trưng bày gồm 2 nội dung: "Mạch nguồn yêu thương" và "Lửa thiêng cháy mãi". Trong đó, "Mạch nguồn yêu thương" tái hiện cuộc sống lao tù khắc nghiệt của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bước chân vào "địa ngục trần gian". Chế độ giam cầm hà khắc, lao dịch nặng nề nhanh chóng vắt kiệt sức khỏe người tù. Dù bị kẻ địch đàn áp dã man, các chiến sĩ vẫn không sờn lòng, nhụt chí. Sức mạnh đấu tranh đã kết thành làn sóng, khiến cho kẻ địch khiếp sợ.
"Lửa thiêng cháy mãi" giới thiệu những hình ảnh thế hệ hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống của cha anh, chung tay lan tỏa ngọn lửa của lòng yêu thương, tình tương thân, tương ái trong xã hội.
Trong không gian trưng bày "Thắp lửa yêu thương", du khách được trải nghiệm hai không gian phục dựng theo nguyên mẫu khu bể tắm hình bát giác - nơi các nam tù nhân thường ra tắm tập thể và phòng thăm nuôi, tiếp tế của tù nhân, giúp du khách cảm nhận sâu sắc và hình dung rõ hơn về sinh hoạt kham khổ của tù chính trị. Tại không gian trưng bày, các tài liệu, hiện vật quý gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò cũng được giới thiệu đến công chúng.
Có chủ đề “Sắt - Son”, trưng bày là hoạt động được Ban Quản lý di tích Nhà thù Hoả Lò tổ chức tại di tích nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2021).
Một góc triển lãm "Sắt - son" |
Trong đó, phần trưng bày “Hoa nơi ngục lửa” giới thiệu tấm gương của 9 nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng tiêu biểu trong hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt. Đó là nữ Bí thư Thành ủy Sài Gòn đầu tiên Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) và người em ruột của bà, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944) là người vợ đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã hy sinh sau hai năm sống dưới chế độ lao tù khắc nghiệt tại Nhà tù Hỏa Lò.
Tại đây, công chúng còn có dịp tìm hiểu nhiều câu chuyện xúc động về nữ anh hùng Võ Thị Sáu, nữ tướng Nguyễn Thị Định, các nữ anh hùng Lê Thị Riêng, Võ Thị Thắng, Trần Thị Lý và nhiều câu chuyện đặc biệt về bản lĩnh của bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris năm 1973, sự kiên cường của bà Trương Mỹ Hoa trước những ngón đòn tra tấn của kẻ thù tại Nhà tù Côn Đảo…
Bức tranh mẹ Nguyễn Thị Thứ được vẽ từ tên của 500 nữ chiến sĩ yêu nước |
Nội dung trưng bày chủ đề “Lòng vàng, gan sắt” là những câu chuyện về những người mẹ, người chị, người em… đã hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hăng hái tham gia đánh giặc bằng “đòn gánh đánh càn" ở miền Bắc, "tầm vông diệt giặc" ở miền Nam…
Ngoài ra, tại triển lãm còn có bức tranh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ được vẽ từ tên của 500 nữ chiến sĩ yêu nước, nhiều tư liệu, hình ảnh đặc biệt khác về các mẹ, các chị luôn giữ trọn "tấm lòng son"…
Đến với những trưng bày, triển lãm này, người có tuổi, người từng trải qua chiến tranh được nhớ lại kí ức hào hùng còn người trẻ thì càng hiểu thêm về những mất mát hi sinh mà cha anh ta phải trải qua để giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc ngày nay.
Bên cạnh đó, những nét văn hóa độc đáo của Thăng Long xưa, Hà Nội nay thực sự là nét tâm hồn của người Hà Nội. Điều đó thúc giục chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với người đi trước, phát triển đất nước song song với giữ gìn văn hóa của Thủ đô, của Việt Nam sao cho ngày càng lan truyền và tỏa sáng.
Xây dựng nền văn học đô thị để Hà Nội xứng tầm nghìn năm phát triển |
Hà Nội - những mạch nguồn vô tận cho tác phẩm văn học |
Tăng tính liên kết, trải nghiệm để phát triển du lịch Hà Nội |