Bộ Y tế “tiền hậu bất nhất” trong việc chậm trễ ban hành Thông tư Sữa học đường?
Ảnh minh họa
Bài liên quan
Vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng cho việc chậm ban hành Quy chuẩn sữa học đường?
Ba năm vẫn “loay hoay” chưa có quy chuẩn cho sữa học đường ?
DN sữa đồng thuận, vì sao Bộ Y tế không ban hành quy chuẩn cho sữa học đường?
Bao giờ Bộ Y tế ban hành được quy chuẩn sữa học đường?
Doanh nghiệp sữa đồng thuận vì sao Bộ Y tế đưa ra lý do “vẫn có ý kiến khác nhau”
Trước đó, Bộ Y tế đã có nhiều hội thảo góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia chương trình Sữa học đường. Mới nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo quy định này. Các công ty sữa tham dự cuộc họp đều thống nhất về việc bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường.
Phó trưởng Khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bà Trần Khánh Vân khẳng định: “Các vi chất được bổ sung trong Sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Theo nhiều nghiên cứu, bữa ăn của người Việt đang thiếu vi chất nên cần thiết bổ sung 21 vi chất”.
Ông Nguyễn Thanh Đề, quyền Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Đơn vị chúng tôi là đơn vị thụ hưởng, đồng quan điểm cái gì tốt nhất dành cho trẻ em, sau hơn 3 năm thực hiện trên toàn quốc mới có khoảng 20 tỉnh triển khai, trong đó có tỉnh mới chỉ xây dựng kế hoạch. Vấn đề thực tiễn triển khai chương trình rất khó khăn, theo ý kiến cá nhân các vi chất đưa vào phải bắt buộc, quan điểm tốt nhất dành cho trẻ em là bổ sung 21 vi chất”.
Kết luận cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng đã hỏi từng doanh nghiệp sữa về việc bổ sung 3 vi chất hay nhiều loại vi chất vào sữa, tất cả doanh nghiệp đều trả lời thực hiện được, đồng thời các ý kiến đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường và nguyên liệu đầu vào của sữa.
Về các vi chất dinh dưỡng, để đảm bảo thực hiện 4 chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg, bắt buộc đưa nhiều vi chất dinh dưỡng vào các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đã chỉ đạo giao Viện dinh dưỡng đề xuất các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường nêu trên để Bộ quyết định; giao Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em và Cục An toàn thực phẩm rà soát danh mục các vi chất do Viện dinh dưỡng đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trả lời báo chí sáng 15/8 về vấn đề chậm trễ ban hành Quy chuẩn sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em lại cho biết: “Đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau trong việc bổ sung vi chất vào sữa học đường, như tranh cãi nên bổ sung 3, 18 hay 21 vi chất nên Bộ Y tế chưa có quyết định cuối cùng. Việc bổ sung vi chất vào sữa cần phải có căn cứ khoa học, có tính khả thi và phải phù hợp với quốc tế. Chúng tôi cũng đang lấy ý kiến doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận cao nhất. Khi còn quá nhiều ý kiến khác nhau, quyết định cuối cùng thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.”
Điều đáng nói là vị Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em này cũng không đưa ra được cụ thể doanh nghiệp nào còn có ý kiến khác nhau về việc bổ sung vi chất vào Sữa học đường trong khi trước đó tất cả các doanh nghiệp sữa đã đồng thuận về việc bổ sung 21 vi chất theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng. Việc trả lời phỏng vấn báo chí hoàn toàn do Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em đứng ra mà không có sự xuất hiện của các cơ quan chuyên môn khác như: Viện dinh dưỡng, Cục An toàn thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp sữa đang đặt câu hỏi, trong khi tất cả các doanh nghiệp sữa đã đồng thuận về số lượng vi chất, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng đã đưa ra kết luận cuộc họp, vậy doanh nghiệp nào đã thay đổi và đưa ra ý kiến khác nhau?
Quyền lợi của "chủ nhân tương lai" có bị xem nhẹ
Trong khi các doanh nghiệp ngành sữa và bậc phụ huynh đang chờ đợi những chỉ đạo cụ thể thì cho đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn… lặng im (!), đồng nghĩa với việc ban hành Quy chuẩn đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường “dậm chân tại chỗ”.
Một trong những nội dung được các doanh nghiệp, cũng như nhiều bậc phụ huynh có con em đang đăng ký chương trình Sữa học đường quan tâm là việc bổ sung vi chất như thế nào là đủ để nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ em.
Trong khi đó chỉ còn hơn nửa tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu, nhiều tỉnh- thành đang chuẩn bị đấu thầu Sữa học đường nhưng chưa biết căn cứ vào quy định nào để thực hiện chương trình Sữa học đường.
Vậy rào cản nào khiến Bộ Y tế liên tục trì hoãn, dư luận đặt nhiều dấu hỏi phải chăng đang có một “kịch bản” nhằm níu kéo ban hành quy định này, liệu Bộ Y tế có đặt quyền lợi của trẻ em lên trên? Phải chăng Bộ Y tế lại muốn thay đổi theo ý chủ quan của ai hay có lợi ích nhóm?
PGS. TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết: vì chưa có Thông tư nên ngành giáo dục tại các địa phương, các doanh nghiệp sữa đang loay hoay không biết lấy căn cứ nào để đấu thầu.
“Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Nếu Thông tư Sữa học đường được ban hành kịp thời thì sẽ có căn cứ pháp lý, có sân chơi công bằng, minh bạch để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu hợp lý. Hiện nay, khi chưa có Thông tư mà các đơn vị lại căn cứ vào quy định cũ sẽ phải hủy kết quả đấu thầu này làm lại khi có Thông tư mới, khó cho ngành giáo dục các địa phương và các doanh nghiệp”, ông Trung nói.
Cũng theo ý kiến của vị Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, với quy trình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp sữa hiện nay, họ sẽ “không kịp trở tay” nếu như Thông tư ban hành sát nút năm học mới.
“Các nhà máy sản xuất phải căn cứ vào quy chuẩn Sữa học đường mà Thông tư ban hành gồm cả về bổ sung bao nhiêu vi chất, mẫu mã, bao bì, thiết kế nhãn như thế nào để bảo đảm sản xuất theo đúng quy chuẩn về nguyên liệu, công thức. Sữa học đường cũng cần phải được nghiên cứu và thử nhiều lần trước khi đưa vào chương trình, mất thời gian cả tháng.
Việc bổ sung vi chất vào Sữa học đường là rất cần thiết, phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Theo đó, bổ sung 21 vi chất là hết sức cần thiết”, ông Trung khẳng định.
Chương trình Sữa học đường là một chủ trương đúng đắn để góp phần nâng cao thể chất cho trẻ em. Việc thực hiện đấu thầu là hình thức cạnh tranh để tìm ra nhà cung cấp sản phẩm sữa hiệu quả nhất cho các trường học. Do đó, nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể thì khó có sự cạnh tranh để tổ chức đấu thầu và khiến dư luận băn khoăn, nghi ngờ về tính công khai, minh bạch của một chương trình mang ý nghĩa xã hội lớn như Sữa học đường.