Bệnh viện Bạch Mai cứu sống bệnh nhân từng bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật
BSCKII. Trịnh Minh Thanh - Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị và thực hiện ca phẫu thuật nói: "Trường hợp của bà Thịnh đặc biệt ở chỗ, bệnh nhân chỉ còn duy nhất một quả thận có đầy đủ chức năng. Tuy nhiên, quả thận trái này lại có nhiều sỏi san hô rải rác.
Để phẫu thuật lấy sỏi trong trường hợp này có rất nhiều rủi ro, thậm chí bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nặng như chảy máu, sốc nhiễm trùng niệu và có thể tử vong rất nhanh nếu không theo dõi và xử lý kịp thời".
Gia đình cùng bà Thịnh đã đi "gõ cửa" khắp nơi, đến nhiều cơ sở y tế khác và tìm đến Bệnh viện Bạch Mai như mong chờ sự kỳ diệu cuối cùng.
Hình ảnh phim chụp của bệnh nhân với rất nhiều viên sỏi san hô rải rác khắp quả thận |
Bà Thịnh đã hỏng thận phải, nếu buộc phải cắt quả thận còn lại, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ vô cùng khó khăn. Đây là áp lực không hề nhỏ đặt lên vai các thầy thuốc Khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai.
"Chúng tôi quyết tâm nhận mổ trường hợp này vì Bạch Mai là thương hiệu lớn, bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt hoàn chỉnh. Đằng sau kíp mổ của chúng tôi là cả đội ngũ chuyên gia gồm nhiều chuyên ngành mạnh khác sẵn sàng chi viện, hỗ trợ khi cần. Đây là ưu thế vượt trội của Bệnh viện Bạch Mai", BS Thanh nói.
Quả thận trái duy nhất của bà Thịnh còn lại có rất nhiều "lỗi", đủ biến chứng của sỏi gây suy thận, nhiễm trùng, thậm chí ứ mủ trong thận đã phải dẫn lưu.
BSCKII Trịnh Minh Thanh kể lại: "Khi đón nhận bệnh nhân về Bạch Mai điều trị, tôi đã xem xét rất kỹ, gặp gỡ bệnh nhân, người nhà, đưa ra các phương án điều trị và gia đình quyết tâm ở lại Bệnh viện Bạch Mai. Sự dũng cảm của nhân viên y tế, bệnh nhân và gia đình là yếu tố quan trọng tạo nên điều kỳ diệu".
Sau khi hội chẩn, nhiều phương pháp được đưa lên thảo luận và các thầy thuốc quyết định thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da bằng đường hầm nhỏ.
BSCKII Trịnh Minh Thanh thăm khám, theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân sau khi phẫu thuật |
Đây là phương pháp phẫu thuật xân lấn tối thiểu, sỏi sẽ được tán vụn hoặc thành các mảnh nhỏ và được hút ra ngoài.
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật và sau 2 tiếng đấu trí căng thẳng, ca mổ đã thành công trong niềm vui của các bác sĩ và gia đình bệnh nhân.
Ngay sau mổ, bệnh nhân tỉnh mê là đã nói chuyện được bình thường. Bà Thịnh được theo dõi 2 biến chứng rất dễ xảy ra là chảy máu và nhiễm trùng.
Sau 24 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, nước tiểu trong, có thể nói chuyện và ăn uống bình thường và đặc biệt không có dấu hiệu của biến chứng.
Phẫu thuật tán sỏi qua da là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu chỉ dùng đường hầm nhỏ, đường rạch da 6mm. Các bác sĩ sẽ dùng kim chọc dò dưới hướng dẫn của siêu âm, sau đó nong rộng đường hầm đến 6mm đưa ống kính nội soi nhìn trực tiếp và dùng nguồn năng lượng Laser để tán vụn sỏi và lấy qua đường hầm.
Sau tán, kiểm tra sạch sỏi, bệnh nhân được đặt sonde JJ niệu quản và sonde dẫn lưu thận. Vì là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân ít đau (hoặc không đau), ít mất máu, không phải truyền máu trong quá trình mổ.
Qua 2-3 ngày, bệnh nhân có thể được rút sonde thận và ra viện. Bệnh nhân không phải cắt chỉ, hầu như không có sẹo. Sau một tuần, bệnh nhân có thể hoạt động như bình thường.
Tán sỏi thận qua da là phương pháp nội soi mới, được áp dụng và đem đến hiệu quả điều trị sỏi thận, sỏi bể thận - niệu quản. Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai kỹ thuật này từ năm 2008 và đến nay, Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện đã làm chủ kỹ thuật này và thực hiện thành công hàng trăm ca.
Trong suốt bề dày lịch sử 110 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai luôn có đội ngũ chuyên môn tâm huyết, dám làm những điều tưởng chừng như không thể để cứu chữa bệnh nhân.