Bài 6: Tìm về “quê mẹ” của nhạc cụ truyền thống Việt Nam
Trăm năm vang danh làng nghề Đào Xá
Theo người dân trong làng, cách đây hơn 200 năm, có cụ Đào Xuân Lan, vốn là thợ mộc đóng đồ cho các gia đình người Pháp nhưng lại rất say mê sửa chữa và làm ra các cây đàn. Bởi niềm đam mê đó mà cụ Lan đã không ngại đi khắp nơi, rong ruổi nhiều năm theo người Hoa để học cách làm ra các loại đàn khác nhau. Sau nhiều năm buôn ba học nghề, cụ về làng truyền dạy cho các con cháu trong gia đình để có việc làm, kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Sau này, nghề làm đàn dần lan ra khắp làng Đào Xá, bởi vậy, ngày nay, người ta tôn cụ Đào Xuân Lan là tổ nghề.
Mỗi cây đàn được tạo ra từ bàn tay người Đào Xá như một tác phẩm nghệ thuật |
Hiện nay ở làng Đào Xá vẫn có nhà thờ tổ nghề làm đàn. Hàng năm, vào ngày giỗ tổ, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề.
Từ khi thành thục nghề, người Đào Xá đã đi khắp nơi, làm việc ở hầu hết các cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc của cả nước. Thậm chí, từ thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của Đào Xá đã đưa gia đình vào nội thành Hà Nội để lập phường nghề. Nay, các cửa hiệu bán đàn khu vực quanh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam chủ yếu là người Đào Xá. Kể cả xưởng nhạc cụ Quốc dân ở Thanh Hóa cũng là người làng này, đi xa hơn nữa khi người làng này đi di cư, thì Hồ Thị Ngà, Lê Thị Hồng Gấm, các xưởng nhạc cụ đó cũng là của người làng này. Từ Nam Định, Thanh Hóa đến đất Sài Gòn cũng là người làng Đào Xá.
Chỉ với cái cưa, cái đục, cái đào và nguyên liệu gỗ, dây đàn, người thợ Đào Xá đã cho ra đời hàng triệu nhạc cụ là đàn nguyệt, đàn đáy, đàn bầu, đàn thập lục, đàn ghi ta, đàn tỳ bà… Theo những người dân trong làng, các sản phẩm của làng Đào Xá khi đưa ra thị trường mặc dù không dán thương hiệu nhưng với đàn Đào Xá không thể lẫn với các loại đàn công nghiệp khác.
Dù không học qua trường lớp đào tạo về âm nhạc nhưng kỹ năng thẩm âm của người Đào Xá rất chuẩn |
Gia đình bác Đào Anh Tuấn hiện là hộ duy nhất tại làng Đào Xá tiếp tục gắn bó và dạy nghề làm đàn truyền thống. Bác là con trai của cụ Đào Văn Soạn, một nghệ nhân làm đàn điêu luyện được cấp giấy chứng nhận cấp quốc gia.
Cái nghề làm đàn đòi hỏi lắm sự tỉ mỉ, công phu, trong lời kể của bác Tuấn, đã đi theo gia đình bác gần bốn thế hệ, trở thành nghề gia truyền. Khi nhắc về nguồn gốc của nghề làm đàn ở Đào Xá, bác Tuấn kể rằng: “Xưa làng vốn cũng chỉ kiếm sống bằng nghề nông, nhưng có ông cụ Đào Xuân Lan, ông vốn học nghề mộc, và có cả đam mê làm đàn. Suốt nhiều năm rong ruổi khắp nơi, cụ mới tích lũy được cách làm đàn sao cho hay cho đúng, sau đó thì về quê dựng nghiệp sản xuất. Hàng xóm xung quanh thấy nghề này thú vị cũng đến xin học. Từ đó, nghề được lan tỏa, nên mới có làng Đào Xá làm đàn như ngày hôm nay”.
Gia đình bác Đào Anh Tuấn hiện là hộ duy nhất tại làng Đào Xá tiếp tục gắn bó và dạy nghề làm đàn truyền thống |
Đàn Đào Xá được làm theo phương pháp thủ công và có đặc trưng riêng, khi nhìn, nghe và sờ vào đàn có thể nhận biết được. Âm thanh đàn Đào Xá cũng khác biệt, người miền Bắc thiên về chèo văn âm thanh sẽ trầm để phù hợp với giọng ca người Bắc, còn người miền Nam thiên về cải lương nên âm thanh của đàn thanh thoát, trong trẻo.
Theo lời của các nhạc công, không ai có thể chơi một bản nhạc hay nếu như nhạc cụ kém chất lượng. Nên đối với họ, việc chọn được một cây đàn chất lượng cũng giống như tìm được bảo vật, người bạn tri kỷ cùng họ rong ruổi trên con đường nghệ thuật và đạt được những thành công nhất định. Với tất cả những tiêu chí đó, hầu hết các nghệ sĩ dân gian, trường dạy âm nhạc truyền thống, đội văn nghệ chuyên nghiệp luôn ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của làng Đào Xá.
Người thợ trong xưởng đàn |
Nhưng điều lạ là cả làng Đào Xá rất hiếm người biết nhạc lý, tất cả đều thẩm âm bằng kinh nghiệm, được trao truyền lại từ đời này sang đời khác và bằng sự tinh tế của mỗi người làm. “Nếu người làm chỉ cần làm sai một chi tiết nhỏ là tiếng đàn đã khác bởi vậy nghề làm đàn cần tỉ và kiên trì”, ông Đào Văn Soạn cho hay.
Những người làm nghề Đào Xá đơn thuần dựa từ kỹ thuật thẩm âm do cha ông truyền lại để làm ra những loại đàn mang những âm sắc khác nhau. Vậy mà hiếm khi sản phẩm làng nghề phải trả lại do chưa đạt chuẩn. Nhiều nhạc công biểu diễn ở các tỉnh đến tận làng để đặt hàng, thậm chí có nghệ sỹ nước ngoài tìm đến làng để đặt mua.
Đau đáu nỗi niềm gìn giữ nghề cha ông
Mỗi cây đàn trung bình mất từ 2-3 ngày để hoàn thiện, có khi lâu hơn. Tuy nhiên, để làm ra được một cây đàn như thế, người thợ phải trải qua nhiều năm học nghề khá vất vả. Vậy nên không phải ai cũng có đủ kiên trì để theo nghề này.
“Ở đây thì đàn nào cũng làm được hết”, bác Tuấn chia sẻ. Từ đàn tranh, đàn bầu, cho đến đàn nhị, đàn tam, đàn tứ,... những cây đàn gắn liền với văn hóa dân tộc Việt Nam đều có thể được bác sản xuất trong khu xưởng đơn sơ này.
Những “chiếc khung” của cây đàn tỳ bà được xếp gọn vào một góc chờ để được đánh giấy ráp |
“Muốn cho ra âm thanh trầm hay bổng, thì lúc chọn mặt gỗ phải thật chú trọng, một cây đàn hay, thì phải được làm từ một mặt gỗ chất lượng, thường là gỗ trắc hay gỗ mun”, đó là những lời dạy không ở sách vở nào có, mà chỉ xuất hiện trong lời truyền miệng, nhắc nhau của những người thợ làm đàn Đào Xá.
Công đoạn để sản xuất ra một cây đàn cũng vô cùng cầu kì. Từ một khúc gỗ thô kệch, người thợ làng Đào Xá bằng kỹ thuật được trao truyền qua nhiều đời, bắt đầu vừa cưa, vừa đục đẽo, rồi phun sơn bóng, đánh giấy ráp nhiều lần, cứ lặp đi lặp lại như thế,... cuối cùng ghép các bộ phận lại thành một cây đàn hoàn chỉnh, nhưng lúc này đàn chỉ thành hình chứ chưa thể phát ra âm thanh.
Nếu là ngày xưa, khi mà làng còn thịnh vượng cái nghề làm đàn, thì tại mỗi xưởng, việc đẽo gọt từ một khúc gỗ thô sơ cho đến khi thành hình cây đàn là một chuyện diễn ra thường xuyên. Thế nhưng theo thời gian, xã hội có nhiều thay đổi, những thế hệ sau cũng ít mặn mà hơn với công việc này.
Khi được hỏi về điều đó, nét mặt của bác Tuấn có chút đăm chiêu, bác giải thích rằng: “Thị trường làm đàn vốn không rộng, chỉ những người biết chơi mới mua đàn, chứ nó chẳng như cái quần, cái áo, cái đồ sinh hoạt hằng ngày mà ai cũng phải mua. Vì thế mà nghề làm đàn tuy hay tuy giá trị, nhưng nó không đem lại đủ đầy cơm áo gạo tiền, nên người ta cứ bỏ nghề dần. Còn tôi thì tôi tiếc nghề, bởi nghề cũng gắn bó từ đời ông đời cụ, tôi không nỡ bỏ, nhưng còn đến đời con tôi thì chắc là khó giữ”.
Khu vực để đàn tranh khá rộng rãi, cùng với đàn bầu, hai loại đàn này thường xuyên được nhận đặt hàng tại xưởng của bác Đào Anh Tuấn |
Trong không gian, vang lên từng tiếng cưa kẽo kẹt, không khí ngập tràn mùi mùn cưa, bác Tuấn đang cần mẫn “chế tạo” những miếng gỗ làm trục đàn cho cây đàn tranh. Đã từ lâu gia đình bác không còn làm đầy đủ tất cả công đoạn sản xuất của một cây đàn, mà chỉ nhận khung đàn có sẵn về để chế tác thêm từ các xưởng mà bác gọi vui là “vệ tinh”. Những “vệ tinh” này vốn đều là những người thợ học việc từ gia đình bác, nay đủ tay nghề đã tự mở được xưởng riêng nơi họ sinh sống.
Chính nhờ đó, mà gia đình bác Tuấn mới có thể đảm bảo giao đúng hạn được, trước một số lượng lớn đàn do khách hàng yêu cầu. Tuy nhiên, đối với những cây đàn do khách hàng đặt riêng, với nhiều yêu cầu, bác Tuấn vẫn không ngại làm hết tất cả, từ khâu chọn gỗ, đến khâu căng dây, đúng theo ý khách.
Người thợ đang đánh giấy ráp để giúp bề mặt cây đàn trở nên nhẵn mịn hơn |
Xưởng đàn trong giờ làm việc khá yên tĩnh, mỗi người thợ không ai bảo ai, tự hoàn thiện công việc của mình bởi họ đã quá quen thuộc với những thao tác này. Bỗng chúng tôi giật mình nghe thấy tiếng máy khởi động, và mùi hăng của dầu bóng bắt đầu xộc lên mũi. Tại một góc nhỏ của xưởng, một người thợ đang chăm chú phun dầu bóng cho phần tay cầm của cây đàn tứ. Một cây đàn sẽ được đánh giấy ráp và phun dầu như thế nhiều lần. Quá trình này được lặp đi lặp lại đến 3 - 4 lần, cứ đánh rồi lại phun, phun rồi lại đánh, đến khi bề mặt cây đàn trở nên nhẵn mịn, bóng loáng tựa gương soi, thì cũng là lúc người thợ đạt được yêu cầu thẩm mỹ của nghề.
Song song cùng công đoạn phun dầu, cây đàn còn được người thợ tỉ mỉ khắc họa từng hoa văn |
Thành quả của sự kỳ công ấy là những hoa văn rực sáng, như đang nở rộ trên thân đàn. Trong quá trình khắc hoa văn đàn của nhà bác Đào Anh Tuấn sẽ do thợ khắc khung hoa văn trước, tiếp đó sẽ được mang sang làng khác để khảm trai, hay còn gọi là khảm xà cừ, cuối cùng là nhận đàn về xưởng để nạo phần trai đó ra. Điều này khiến cho đàn có được sự lấp lánh của xà cừ, mỗi khi được ánh sáng chiếu qua, hoa văn lại càng thêm trong trẻo, cây đàn như đang phát ra ánh sáng.
Sau tất thảy tất cả các bước, cây đàn chỉ thành hình chứ chưa có được âm thanh, và để đàn có thanh âm riêng, người thợ bắt đầu căng dây cho đàn. Ngày xưa khi còn nghèo đói, chưa có điều kiện, các cụ thường chơi đàn được căng từ dây tơ, hoặc dây thép. Loại dây này vẫn giúp đàn có được âm thanh như mong muốn, nhưng độ bền không cao. Về sau này, khi đã có điều kiện hơn, thì dây đàn sử dụng dây kim loại được nhập từ nước ngoài, đảm bảo độ bàn của sản phẩm hơn rất nhiều. Chính vì điều đó, vì sự cẩn trọng trong từng khâu làm đàn, mà đàn của làng Đào Xá luôn có một nét đặc trưng nhất định mà không đàn nơi nào có được, chiếm một phần quan trọng trong lòng những người đam mê nhạc cụ dân gian.
Những hoa văn rực sáng, như đang nở rộ trên thân đàn |
“Trong như tiếng hạc bay qua, đục như tiếng suối mới sa nửa vời” (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Đàn dù trong dù đục, dù trầm hay bỗng, cũng đều chứa biết bao tâm huyết và trí tuệ của người làm đàn. Đặc biệt với một gia đình bốn đời làm đàn như gia đình bác Tuấn, những giá trị trên cây đàn càng được bác quý trọng.
Trên bức tường ở trong nhà thờ họ, có treo kín những tấm giấy chứng nhận nghệ nhân làm đàn truyền thống của cụ ông Đào Soạn, cha của bác Tuấn. Còn phía bên góc phải của căn nhà, đặt vào một chiếc tủ nhỏ đựng vừa vằn những cây đàn mới tinh chuẩn bị giao cho khách. Hai góc này trong ngôi nhà tuy không chiếm quá nhiều diện tích, nhưng lại là nơi lưu giữ niềm tự hào to lớn suốt cả một đời làm nghề của người nghệ nhân.
Nghề làm đàn Đào Xá đứng trước nguy cơ thất truyền bởi lớp trẻ không còn mấy ai yêu thích nghề |
Làng nghề làm đàn Ðào Xá là một trong 15 làng nghề truyền thống của huyện Ứng Hòa đang đứng trước những khó khăn khi đối mặt với nền kinh tế thị trường. Câu hỏi làm thế nào để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống cũng như giữ gìn và phát triển được những nét đẹp của văn hóa dân tộc là một vấn đề lớn được đặt ra.
Đối với những người làm nghề hiện nay tại Đào Xá mong muốn lớn nhất là làm thế nào để có đầu ra cho sản phẩm, ổn định cuộc sống cho những người làm nghề. Có lẽ đó mới chính là chiếc chìa khóa giúp gìn giữ làng nghề làm đàn Đào Xá.