Bài 4: Sáng tạo đồng dao trong phim kinh dị Việt
Bài 1: Bản sắc dân tộc ẩn mình trong thanh âm đời thường Bài 2: Mạch ngầm âm nhạc truyền thống chảy trong đời sống giới trẻ Bài 3: Nghệ sĩ Tuồng và những giai thoại “vàng son” khó quên |
Sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu dân gian
Từ rất lâu, đồng dao đã gắn bó mật thiết với đời sống của Nhân dân, trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của đám trẻ nơi làng quê lối xóm. Theo nhà văn Lê Xuân Khoa: “Đồng dao là những bài hát, vè hoặc thơ ca dân gian thường có vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc, gắn liền với các trò chơi của trẻ em. Đây là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam".
Nhà văn Lê Xuân Khoa |
Những bài đồng dao đã gắn bó, len lỏi trong cuộc sống của chúng ta từ thuở lọt lòng. Đám trẻ làng hay thậm chí cả những đứa trẻ trong thành phố đã được nuôi nấng trong những khúc hát ru, những khúc đồng dao của bà và mẹ. Lớn lên một chút, đám trẻ ấy lại vui chơi, nô đùa bằng lời ca đồng dao đầy hồn nhiên.
Không chỉ đơn thuần là những lời hát ru dịu dàng hay những trò chơi giải trí ngây thơ dành cho trẻ nhỏ, đồng dao còn mang trong mình giá trị sâu sắc trong việc đánh thức và nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú, hồn nhiên của các em. Qua từng vần điệu, đồng dao giúp trẻ hình thành những hình ảnh, ý niệm đẹp đẽ về thế giới xung quanh, khơi nguồn cho sự sáng tạo và óc tưởng tượng bay xa. Không chỉ dừng lại ở đó, đồng dao còn là bài học đầu đời vô cùng ý nghĩa, truyền dạy cho trẻ em những giá trị cốt lõi về tình đoàn kết, ý thức cộng đồng, và lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Từng câu chữ mộc mạc nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu xa, đồng dao hướng dẫn các em cách sống hòa đồng, biết chia sẻ và quan tâm đến người khác, giúp xây dựng nền tảng nhân cách vững chắc cho tương lai.
Đáng buồn thay, đồng dao đang ngày càng mai một theo dòng chảy của thời gian. Nhà văn Lê Xuân Khoa chia sẻ: “Đô thị hóa làm mất đi không gian cho các trò chơi dân gian, vốn là môi trường để đồng dao tồn tại. Vào thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, cha mẹ thường cho trẻ em giải trí bằng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng hay vô tuyến thay vì tham gia các hoạt động ngoài trời. Nhịp sống nhanh khiến các gia đình ít có thời gian cùng nhau chơi các trò chơi dân gian truyền thống. Bản thân cha mẹ trong các gia đình trẻ ngày nay cũng không biết nhiều về đồng dao để truyền dạy cho con em mình. Từ đó, những thú vui khác trở nên gần gũi với trẻ em hơn là các bài đồng dao.”
Dẫu vậy, thật may chúng ta vẫn có thể bắt gặp những bài đồng dao xuất hiện trong những trang sách, bài giảng, hay những buổi diễn văn nghệ. Thật may đồng dao chưa thực sự bị lãng quên. Cũng theo nhà văn Lê Xuân Khoa: "Năm 2023, bản thân tôi may mắn được tham gia dự án nhạc kịch “Đồng dao cổ tích”, trong đó có kết hợp những bài đồng dao quen thuộc với các yếu tố mới mẻ của sân khấu, nhằm đưa đồng dao tới gần hơn với khán giả hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của đồng dao. Vở nhạc kịch đã tạo được tiếng vang nhất định đối với khán thính giả Hà Nội.”
Cảnh trong phim "Kẻ ăn hồn" |
Mặc dù đồng dao luôn được nhắc tới với sự trong sáng, gần gũi và mộc mạc, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những câu chuyện, những dị bản được lưu truyền với màu sắc u tối, bí ẩn, như một bản lý giải đầy ma mị và kỳ bí cho những câu đồng dao quen thuộc. Những dị bản này không chỉ dừng lại ở việc gây tò mò hay kích thích trí tưởng tượng, mà còn mang đến cảm giác rùng rợn, huyền bí, gợi mở về những câu chuyện đầy ám ảnh. Chúng thường được truyền miệng qua các thế hệ, mỗi lần kể lại thêm một phần hư cấu, khiến chúng trở nên sống động và lôi cuốn hơn. Chính sự bí ẩn và những yếu tố li kỳ trong các dị bản ấy đã trở thành nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh.
Chất liệu độc đáo từ kho báu “dân gian”
Điện ảnh có muôn vàn ngã nẻo để hình thành nên những tác phẩm đầy sức hút. Các tác phẩm khai thác chất liệu từ văn học dân gian luôn trở thành một hướng đi đầy hứa hẹn. Bởi lẽ ở đó chứa đựng những cốt truyện, cấu tứ, nhân vật kinh điển, những yếu tố văn hóa ngàn đời, trở thành nguồn cảm hứng, chất liệu của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.
Việt Nam sở hữu nguồn tư liệu văn hóa dân gian dồi dào. Những câu chuyện được truyền tai bao đời về Ma Da, Ma Dai, Linh Miêu, Linh Cẩu, ông Ba Bị, Thần Trùng, Quỷ nhập tràng, Chó đội nón mê… phủ bóng lên một thế giới tâm linh ma mị và quỷ dị, rợn ngợp và u ám, mở ra cánh cửa đầy hứa hẹn cho các nhà làm phim. Sau thành tích ấn tượng của “Chuyện ma gần nhà” (2022), “Quỷ cẩu” (2023), “Tết ở làng địa ngục” (2023), “Kẻ ăn hồn” (2023), “Ma da” (2024)... và mới nhất là phim “Cám” ra rạp vào cuối tháng 9/2024 vừa qua, màn ảnh Việt đang có sự khởi sắc trở lại theo một phong cách mới, lấy chất liệu dân gian, mang đậm nét văn hóa bản địa làm mạch nguồn sáng tạo.
Phim "Bắc Kim Thang" |
Từ một “Bắc Kim Thang” ma mị với các yếu tố quỷ dị trong truyền thuyết đô thị ở bài dân ca đậm chất miền Tây về “chú bán dầu” và “chú bán ếch”; một “Tết ở làng địa ngục” lẩn khuất vẻ u ám, tịch mịch của tiếng khóc thê lương, mùi tử khí tanh nồng quẩn vào trong gió mỗi độ xuân về ở “làng địa ngục”, nơi hậu duệ của một băng cướp khét tiếng ẩn thân; một “Kẻ ăn hồn” ám ảnh với những bài vè - loại hình diễn xướng quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam - được lưu truyền nhiều đời hé lộ nhiều phân cảnh man rợ, quỷ dị cho đến một “Quỷ cẩu” với chuyện “Chó đội nón mê” báo điềm gở như gia đình có người già sắp mất hoặc bị suy thoái về đạo đức, chất liệu dân gian dường đã được mở khóa.
Đối với nhiều khán giả, việc sử dụng yếu tố dân gian như đồng dao trong phim ảnh nói chung và dòng phim kinh dị nói riêng là dấu hiệu khởi sắc cho điện ảnh nước nhà. Nhà văn Ánh Nguyệt cho biết: “Tôi nghĩ đây là một ý tưởng mới, sáng tạo, có khả năng khiến bộ phim kinh dị hấp dẫn hơn và thu hút người xem. Phim kinh dị thường sử dụng những hành động, tình tiết mạnh, gây sốc. Trong khi tiết tấu của đồng dao lại chậm, nhẹ nhàng. Chính sự đối lập này sẽ gây kịch tính cho phim kinh dị nếu đạo diễn biết cách kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý giữa cái mạnh mẽ, dữ dằn với cái dịu nhẹ…”.
Khai thác chất liệu dân gian thuần Việt đang tạo cho phim kinh dị Việt lối đi đầy bản sắc |
Nữ nhà văn cũng cho rằng, chính sự thân thuộc và huyền bí của những lời ca đồng dao đã tạo nên sức hấp dẫn của những bộ phim sử dụng chất liệu này. Cũng cùng ý kiến với nhà văn Ánh Nguyệt, nhà văn Lê Xuân Khoa chia sẻ thêm: “Việc sử dụng đồng dao giúp phim kinh dị Việt mang đậm bản sắc dân tộc và trở nên khác biệt. Bên cạnh yếu tố giải trí, những bộ phim này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.”
Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm tán dương, vẫn có ý kiến nghi ngờ về ý đồ sử dụng yếu tố dân gian như đồng dao trong phim kinh dị. Theo đạo diễn Lê Dũng: “Các nhà làm văn hoá mà ở đây là phim có xu hướng khai thác sự độc lạ. Cụ thể phim kinh dị, thường dùng cái xưa, cái cổ, cái cũ, lạc hậu để tạo sự rùng rợn, làm cho bộ phim trở nên ma mị với khán giả. Hình thức cổ, cũ, u tối vẫn là chủ đề "dễ ăn" đối với sự kinh dị…”.
Đạo diễn cũng cho rằng đây là một biểu hiện “khôn lỏi” của nhà làm phim, khi sử dụng yếu tố truyền thống dân tộc nhằm lôi kéo sự chú ý từ công chúng trong khi không đảm bảo chất lượng bộ phim. Trên thực tế, nhiều bộ phim kinh dị chứa yếu tố truyền thống được công chiếu đã vấp phải nhiều ý kiến tiêu cực về việc chất lượng phim không tương xứng với độ nổi tiếng.
Phim kinh dị 'Cám' vừa ra mắt đã lấp đầy phòng vé, thu hút giới trẻ đón xem |
Dù có nhiều tranh cãi xoay quanh việc sử dụng đồng dao nói riêng và yếu tố văn hóa truyền thống nói chung trong phim ảnh kinh dị, nhưng phải nói rằng sự thành công của bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào trình độ làm phim của các đạo diễn, biên kịch, khả năng diễn xuất của diễn viên, và sự phù hợp của yếu tố dân gian khi được đưa vào phim.
Ngoài ra, theo quan điểm của nhà văn Ánh Nguyệt, nếu kết hợp hài hòa các yếu tố như tài năng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, chiến dịch truyền thông và nhiều điều kiện khác nữa, kết hợp với yếu tố dân gian đồng dao, bộ phim chắc chắn sẽ cho thu hút khán giả và cho doanh thu cao.
Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, những câu chuyện cổ tích tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chất chứa rất nhiều suy nghĩ, góc nhìn lẫn nhiều thông điệp sâu sắc. Cùng với việc truyền tải văn hóa bản sắc Việt thông qua các tác phẩm điện ảnh, giới trẻ có thêm nhiều góc nhìn thú vị và mới lạ dựa trên nền truyện đã quen thuộc.
Dẫu vậy, sự tăng trưởng của dòng phim kinh dị dân gian giàu giá trị nghệ thuật, tái hiện văn hóa làng quê với ruộng đồng sông nước, văng vẳng bài hát, câu vè xa xưa… trong “Kẻ ăn hồn”, “Tết ở làng địa ngục”, “Cám” hay “Bắc kim thang” góp phần mang đến những trải nghiệm, góc nhìn mới mẻ về bối cảnh xã hội, con người của những thời đại đã xa cũng khiến phim thu hút người xem. Đồng thời, sự xuất hiện của các tác phẩm kinh dị độc đáo, nhận được lời khen từ khán giả, báo chí lẫn giới chuyên môn trong và ngoài nước là một tín hiệu tích cực, mang đến niềm tin và hy vọng cho khán giả yêu mến điện ảnh nước nhà.