Bài 3: Nghệ sĩ Tuồng và những giai thoại “vàng son” khó quên
Bài 2: Mạch ngầm âm nhạc truyền thống chảy trong đời sống giới trẻ Bài 1: Bản sắc dân tộc ẩn mình trong thanh âm đời thường |
“Vang bóng một thời” với nghệ thuật Tuồng
“Cách đây 60 năm, chính mẹ tôi đã phát hiện ra tôi là người có năng khiếu nghệ thuật.” Lúc bấy giờ khi Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Tiến Thọ còn học ở trường trung học, trong một lần thông báo tuyển Văn Công của các đơn vị nghệ thuật dán ở trường, ông đã tình cờ được mẹ gợi ý đi thi tuyển khi mang thông báo này về khoe với anh trai hát rất hay của mình: “Anh ơi hôm nay người ta tuyển Văn Công, người ta đang tuyển đông lắm”.
Theo nghệ sĩ kể lại, vì mẹ thấy ông lại hay hát cũng như phụ trách hoạt động văn hóa của trường, nên đã khuyên ông đi thi thay cho anh trai, vì người anh còn bận khá nhiều việc. Ông đã tham dự các cuộc thi tuyển ở cấp huyện rồi cấp tỉnh.
“Thí sinh ở cấp huyện phải đọc thơ, hát, giọng nói hình thể và cách biểu diễn. Trúng tuyển ở cấp huyện lại xuống tỉnh với các môn thi khó hơn, thi hát, đọc thơ, giọng nói, tiểu phẩm, và cũng vẫn là hình thể nhưng yêu cầu cao hơn”, NSND Lê Tiến Thọ cũng cảm ơn cơ duyên đã đến với mình để mình có thể trúng tuyển. Nghĩ lại lần đó ông lại cười bảo thật là hay khi không hiểu sao bà cụ nhà mình lại có thể để đứa con trai 13 tuổi của bà một mình đi lên thành phố học.
NSND Lê Tiến Thọ với vai trò là đạo diễn vở Tuồng Thiếu phụ Nam Xương |
Thời đó ra Hà Nội ông theo học trường Trung cấp Nghệ thuật sân khấu và tốt nghiệp loại ưu. Không dừng lại ở đó, ông còn theo học trường lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Trong quá trình học hỏi không ngừng nghỉ ấy, NSND Lê Tiến Thọ đã may mắn được dìu dắt bởi các thầy Tuồng nổi tiếng của Liên Khu 5 như Nguyễn Nho Túy, Sáu Lai, Ngô Thị Liễu, Đinh Quả, những người đã truyền thụ cho ông không chỉ kỹ thuật diễn xuất mà còn là tình yêu và sự tôn trọng sâu sắc với nghệ thuật tuồng. Nhờ vậy, ông không chỉ am hiểu mà còn nhuần nhuyễn cả hai dòng tuồng miền Bắc và miền Trung, tạo ra dấu ấn riêng biệt trong từng vai diễn.
Nghệ sĩ Tiến Thọ cũng bùi ngùi chia sẻ rằng, điều đặc biệt nhất trong cuộc đời ông chính là hoạt động nghệ thuật trong thời chiến, có một thời 4 năm ròng rã vừa làm nghệ thuật vừa phải đi sơ tán, từ Hà Bắc đến Phú Thọ rồi qua Hưng Yên. Ông trầm ngâm hồi tưởng, trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt, khi bom B-52 của Mỹ dội xuống đất nước, không gian lúc bấy giờ rung chuyển dữ dội bởi những tiếng nổ kinh hoàng, ông vẫn cùng đoàn nghệ thuật biểu diễn ở chùa Thầy.
Dù bom đạn đe dọa, không khí chiến tranh ngột ngạt, nhưng tinh thần của những người nghệ sĩ vẫn không hề nao núng. Họ mang những vở tuồng, những tiếng ca đi khắp nơi, biểu diễn phục vụ cũng như cổ vũ tinh thần cho bộ đội và người dân. Đối với ông, đây không chỉ là một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời làm nghệ thuật, mà còn là minh chứng cho lòng nhiệt huyết, tinh thần bất khuất của những nghệ sĩ thời chiến - những con người luôn coi nghệ thuật là sứ mệnh, là vũ khí để bảo vệ và khích lệ tinh thần dân tộc.
NSND Tiến Thọ đọc chúc văn tại Lễ Giỗ tổ sân khấu dân tộc |
Với tài năng xuất chúng, NSND Lê Tiến Thọ đã giành được "cơn mưa" giải thưởng qua các Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc. Dành cả cuộc đời cho đam mê và sự nhiệt thành, nhưng khi về hưu ông vẫn không ngơi nghỉ hành trình cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Ông coi nghệ thuật như một lẽ sống, một vốn sống quý báu mà chính ông dành được, nên ông vẫn đang tiếp tục trau dồi, phát triển nó với những tác phẩm, những cuốn sách thay vì lăn xả biểu diễn như thời trước. Vậy nên giấy tờ hay tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước không bao giờ có thể trở thành mối bận tâm khiến ông dừng chân trên con đường làm nghệ thuật.
Khi được hỏi về bản thân chính nghệ thuật Tuồng, một nét văn hóa gần như đã kết nối với ông một cuộc đời, người NSND cũng chia sẻ nỗi mất mát khi chứng kiến Tuồng từ một loại hình diễn xướng dân gian ăn khách, đến khi bóng khách trở nên đìu hiu trên khán đài. Ông không trách Tuồng, cũng không trách xã hội, vì đời sống văn hoá ngày càng đa dạng, nếu trước kia chỉ có mỗi nghệ thuật sân khấu làm niềm vui thường ngày thì bây giờ điện ảnh, vô tuyến, rồi là ca nhạc phát triển rất đồ sộ. Hơn nữa chúng còn sinh ra trong thời nay, sinh ra với thị hiếu của công chúng và lớn lên trong xu hướng của xã hội, vậy nên việc Tuồng đôi khi bị bỏ quên là điều không tránh khỏi. Một phần do các loại hình nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam khá “bác học”, “như Tuồng thì anh lại phải hiểu, phải biết, anh phải cảm nhận được cái chi tiết, câu chuyện trong Tuồng, thì mới có thể thẩm thấu được.”
“Nhưng dẫu thế nào chúng ta vẫn phải giữ lấy bản sắc. Cổ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói:“Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn và ngược lại, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Dân tộc nào cũng phải có nền tảng văn hoá, nếu không có bề dày văn hoá thì dân tộc luôn rơi vào trạng thái đuổi theo cái bóng của hiện đại mà không giữ được bản sắc truyền thống. Không ai muốn thế giới sẽ nhìn đất nước chúng ta như một đất nước không có nền văn hiến.”
Vốn dĩ, nền văn hiến ấy đã được cha ông ta gìn giữ, kế thừa và phát huy cho đến nay, trở thành nền tảng văn hoá của dân tộc, thế hệ sau cần phải tiếp nối bước đi ấy, để văn hóa lưu truyền, thẩm thấu trong đời sống tinh thần của dân tộc.
“Về nghệ thuật Tuồng của tôi, mỗi khi đi diễn ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đều rất trầm trồ, thán phục và khen ngợi Tuồng truyền thống của Việt Nam, tôi mong rằng giới trẻ ngày nay sẽ biết đến điều này và tự hào vì Việt Nam có những giá trị văn hoá không kém gì so với thế giới”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.
Với ông, sứ mệnh trên vai các nghệ sĩ đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ luôn là gìn giữ, bảo tồn bằng cách tiếp tục cống hiến, biểu diễn và đổi mới Tuồng để phần nào phù hợp với đời sống ngày nay. Tuồng và các nghệ sĩ của Tuồng cũng đang “tập” thay đổi, từ sự phá cách hơn trong biểu diễn của thế hệ trẻ hay sáng tạo trong cách tiếp cận như "bảo tàng" online, không gian số về nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Làm nghề từ đam mê mãnh liệt
Nếu với NSND Tiến Thọ, nghệ thuật Tuồng trong ông là những nỗi mất mát khi môn nghệ thuật này không chuộng thị hiếu như thời hoàng kim trước, thì Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lộc Huyền lại đem đến một cảm giác háo hức xen lẫn bồi hồi khi nhắc về ánh sáng sân khấu và câu chuyện của những vở Tuồng cổ. “Trước đây khi được xem trên truyền hình vở “Ông già cõng vợ trẻ đi xem hội” và vở “Hồ nguyệt Cô hoá cáo”, khi đó dù chưa biết là Tuồng, chỉ thấy khâm phục vì sao họ diễn giỏi đến thế. Một người mà có thể đóng hai nhân vật, lúc là ông già lúc lại là cô gái, rồi đang đóng người có thể biến thành cáo ngay. Tôi rất thích và rất muốn tìm hiểu cách họ tạo hình trông thật và giống nhân vật ở mức độ cao như vậy.”, NSƯT Lộc Huyền tâm sự. Sau này cô học và theo đuổi Tuồng thì mới biết rằng đây là trích đoạn của loại hình nghệ thuật này, do nhà hát Tuồng Việt Nam sản xuất với NSND Minh Gái và cố NSND Đàm Liên thể hiện.
Vai diễn Hồ nguyệt cô hoá cáo làm nên tên tuổi của NSƯT Lộc Huyền |
Bắt đầu từ đam mê vô hình như thế với Hát bội, nữ nghệ sĩ đã tìm hiểu dần và được các thầy cô truyền lửa, chỉ dạy để càng thấy thêm nhiều điểm độc đáo: “Tuồng hay, hay từ âm nhạc, từ vũ đạo, từ câu hát, rồi đến hoá trang, phục trang. Cái độc đáo, cái hay đó của nghệ thuật tuồng được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc. Âm nhạc trong tuồng mang nhịp điệu phong phú và sự phối hợp tinh tế giữa trống, đàn, sáo, tạo nên không khí kịch tính, náo động.
Vũ đạo trong Tuồng là sự kết hợp giữa những động tác hình thể đẹp mắt và ý nghĩa tượng trưng, giúp khắc họa tâm trạng, tính cách nhân vật một cách tinh tế. Linh hồn của tác phẩm chính là những câu hát với cách luyến láy rất riêng, ngôn từ vừa tao nhã vừa đậm chất dân gian, chạm đến cảm xúc người xem. Bên cạnh đó, từng lớp son phấn, nét vẽ trên khuôn mặt hay những bộ trang phục cầu kỳ không chỉ thể hiện tầng lớp, địa vị của nhân vật mà còn truyền tải ý nghĩa văn hóa, lịch sử sâu xa”, NSƯT Lộc Huyền cho biết.
Tạo hình kỳ công và khắc họa rõ nét vai diễn Hồ Nguyệt cô hóa cáo do nữ nghệ sĩ thủ va |
Với cô, Tuồng là phải xem trực tiếp. Khi xem trên truyền hình các chi tiết rất nhỏ của nhân vật sẽ không thể hiện được rõ, thêm nữa khi xem tại sân khấu thì hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, bài trí khung cảnh đến phục trang, hóa trang rồi sự xuất thần của các nghệ sĩ tự nhiên sẽ thấy sân khấu thật linh thiêng: “Khi được ngồi trên khán đài theo dõi từng chi tiết một, từ cái rung tay, lắc người, liếc mắt rồi nhăn mặt, bước đi, mới thấy được sự thăng hoa của nghệ thuật biểu diễn, rất là xúc động”.
NSUT Lộc Huyền đã có một hành trình nghệ thuật đầy ấn tượng với những dấu mốc đáng nhớ. Vai diễn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo không chỉ là một trong những vai diễn ấn tượng nhất mà còn có “duyên” đặc biệt với cô, khi đây chính là vai diễn mà cô đã từng mơ ước, từng hâm mộ. “Đấy chính là động lực khiến cho mình phải luyện tập và có trách nhiệm hơn nữa trong những vai diễn mà mình được phân công trong tương lai”, cô chia sẻ. Mỗi giải thưởng là một minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cô trong suốt sự nghiệp.
Sự thành công của NSUT Lộc Huyền chính là cách cô ấy hóa thân hoàn toàn vào những nhân vật khác hẳn nhau |
Tuy vậy, Lộc Huyền vẫn không ngừng rèn giũa, không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được, luôn mong muốn được "cháy" hết mình trong từng vai diễn. Rồi những thành công lớn đã đến với cô qua các vai diễn khác, như Phàn Phụng Cơ trong vở "Sơn Hậu", thị Hến trong "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", công chúa Đồng Xuân trong "Nguyễn Tri Phương" và Bùi Thị Xuân trong "Đô đốc Bùi Thị Xuân". Chính vì thế, khán giả khi xem NSƯT diễn Tuồng lại càng hiểu thêm về khái niệm "hóa thân" của diễn viên với vai diễn của mình: Có nghĩa là trong khoảnh khắc nào đó, ranh giới giữa diễn viên và nhân vật ấy như đã hoàn toàn mất đi…
Đặc biệt, cô cũng là một biên kịch tài năng sự sáng tạo không giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật. Cô là tác giả các trích đoạn hay tiểu phẩm dành cho thiếu nhi như vở kịch Rối bụng, Trung thu giải cứu chị Hằng… hay các vở sử thi đón chào năm mới: Tống Dê nghênh Khỉ, Lễ hội Ông Hoàng Bảy… Với cô, sự nghiệp và đam mê không chỉ là một công việc mà là một hành trình liên tục tìm kiếm và khám phá những giới hạn mới của bản thân.
Gần 20 năm gắn bó với nghệ thuật Tuồng, NSƯT Lộc Huyền đã trở thành ngôi sao sáng của Nhà hát Tuồng Việt Nam |
Nhưng sau những chia sẻ đầy hạnh phúc ấy, khi đối diện với số lượng khán giả không còn nhiều như xưa, cô cũng bày tỏ sự lo lắng vì khi nghệ sĩ diễn hết mình trên sân khấu thì đòi hỏi phải có tương tác của khán giả, khi mà khán giả cùng “phiêu” theo vở diễn thì những người đứng trên sân khấu ắt sẽ có cảm hứng diễn hơn. Một vở Tuồng thành công là khi diễn cảnh xúc động mà ở dưới họ khóc, còn khi diễn hài, ở dưới họ cười, giống như vai Hồ nguyệt cô khi biến thành cáo đã khiến cho khán giả rùng mình. Nhưng nếu không có ai xem các nghệ sĩ biểu diễn, họ thậm chí còn không biết mình có thành công hay không…
Ẩn sau ánh đèn sân khấu tưởng chừng đã tắt là câu chuyện đầy cảm xúc của những nghệ sĩ như NSND Lê Tiến Thọ và NSƯT Lộc Huyền, những người vẫn đang miệt mài giữ lửa để Tuồng không chỉ tồn tại mà còn sống mãi trong trái tim của thế hệ trẻ. Như lời suy tư của cố NSND Võ Sĩ Thừa: “Giờ đây khi tuổi đã xế chiều, không còn sức lực để vùng vẫy trên sân khấu nữa, tôi rất băn khoăn chưa biết làm thế nào để trao lại hết cái vốn nghề cho thế hệ trẻ. Đừng để lớp bụi thời gian phủ lấp những viên ngọc quý của cha ông…". Nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và Tuồng nói riêng được coi là "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc liệu sẽ lại một lần nữa toả sáng hay không, sự trăn trở ấy đang đợi những người trẻ trả lời.