Bài 1: Bản sắc dân tộc ẩn mình trong thanh âm đời thường
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa và phát triển Giữ gìn, tôn vinh các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc |
Những giai điệu đầu tiên
Hát ru là một tài sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam, mang bản sắc đặc trưng của mỗi dân tộc. Với những ca từ thấm đậm tình mẫu tử sâu nặng, những lời ru không phải chỉ để đưa con trẻ đi vào giấc ngủ, nó còn là chìa khóa mở cửa tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ, là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.
Ngủ ngon trên lưng mẹ trong tiếng hát ru |
Hình ảnh người mẹ ngồi bên võng, nhẹ nhàng ngân nga những câu hát ru từng là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của nhiều thế hệ. Lời ru có khi là câu ca dao, có khi là điệu lý, điệu hò, mang đậm bản sắc từng vùng miền.
TS Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông cùng các học trò của mình |
Theo TS Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông chia sẻ, lời ru chứa đựng những bài học đạo lý sâu sắc, những giá trị về tình yêu thương, lòng biết ơn, sự mộng thảo và tình yêu quê hương, đất nước. Vì vậy, những câu hát ru mộc mạc giúp trẻ thấm đạo lý làm người từ làn gió thơ, định hình lối sống chân thành, giản dị và hiền hòa. Lời ru giúp trẻ sớm tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ qua những từ ngữ giàu hình ảnh và ý nghĩa, từ đó phát triển khả năng ngôn ngữ tự nhiên. Qua những câu hát ru, trẻ em tiếp nhận giai điệu của tiếng Việt, tình yêu đối lập với ngôn ngữ dân tộc được hình thành từ rất sớm.
Tìm lại những lời ru “ngủ quên”
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ và những thay đổi trong lối sống đã làm lời ru dần bị phai mờ. Các bà mẹ gen Z thay vì ru con bằng những câu hát truyền thống thì lại chọn cách mở nhạc từ điện thoại hay các thiết bị điện tử. Chị Đỗ Thảo (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Trong quá trình từ lúc con mới sinh đến lúc bây giờ là 1 tuổi, mỗi khi con ngủ chị thường cho con nghe các loại nhạc nhẹ, không lời trên đài, hoặc đôi khi thì sử dụng ipad bật các bài lời ru trên youtube hoặc trên mạng. Chị không rành hát ru, cũng như là có nhiều phương tiện để hỗ trợ, và chị cũng khá bận nên chị cũng không hát để ru con ngủ”. Thực tế này đặt ra câu hỏi: Liệu lời ru có dần bị quên lãng trong đời sống hiện đại?
TS Nguyễn Xuân Hảo nhận định rằng cuộc sống hiện đại với nhịp sống bận rộn đã khiến nhiều bậc cha mẹ không còn thời gian để hát ru con. Sự phát triển của công nghệ thông tin và các thiết bị giải trí như điện thoại, tivi, loa phát nhạc dần thay thế vai trò của lời ru truyền thống. Thêm vào đó, không ít người cho rằng việc hát ru không còn cần thiết hay quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ.
Những làn điệu ru nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ |
Sự mai một của lời ru phản ánh thực trạng giới trẻ ngày nay ít mặn mà với văn hóa truyền thống. Theo TS Nguyễn Xuân Hảo, khi những giá trị như lời ru, ca dao, hay các lễ hội truyền thống dần bị lãng quên, bản sắc dân tộc cũng trở nên mờ nhạt. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai đang khiến giới trẻ ngày càng xa rời và quên đi giá trị vốn có của những câu hát ru - di sản gắn liền với tâm hồn và bản sắc văn hóa Việt.
"Sự ưu ái dành cho ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài có thể làm suy yếu khả năng sử dụng tiếng Việt một cách tinh tế, khiến ngôn ngữ mẹ đẻ mất dần sức mạnh biểu đạt vốn có. Điều này có thể khiến giới trẻ mất đi mối dây liên kết với cội nguồn văn hóa, dẫn đến sự giảm sút tình yêu và niềm tự hào dành cho quê hương, đất nước. Khi văn học và nghệ thuật dân gian như hát ru, truyện cổ tích không còn được truyền tải, thế hệ tương lai có nguy cơ không thấu hiểu được chiều sâu văn hóa dân tộc", TS Nguyễn Xuân Hảo chia sẻ.
Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống
Sự mai một của lời ru không chỉ là mất mát về một loại hình âm nhạc dân gian, mà còn để lại khoảng trống lớn trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và gắn kết cộng đồng. Thầy Hà Chí Bắc, Chủ nhiệm CLB Nhạc cụ dân tộc trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhấn mạnh rằng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cần được khởi nguồn từ giáo dục và sự cảm nhận sâu sắc của thế hệ trẻ. Để lời ru sống mãi, cần có các chương trình giáo dục, các dự án nghệ thuật và sự quan tâm từ chính các bậc phụ huynh trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống.
Các em học sinh đang hăng say luyện tập tại CLB Nhạc cụ dân tộc Nguyễn Tất Thành |
Tại trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, thầy đã khéo léo lồng ghép các làn điệu hát ru vào quá trình giảng dạy sáo trúc và các loại nhạc cụ dân tộc, giúp học sinh không chỉ học được kỹ thuật chơi nhạc mà còn cảm nhận được nét đẹp tinh túy của lời ru - di sản văn hóa đặc sắc của người Việt.
Hiện CLB Nhạc cụ dân tộc của trường có hơn 70 thành viên tích cực tham gia, với nhiều buổi biểu diễn các tác phẩm nhạc dân gian, bao gồm cả các làn điệu hát ru. CLB đã đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nhạc cụ dân tộc giữa các trường học trên địa bàn Hà Nội. Thầy Bắc khẳng định, đây không chỉ là cách đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ mà còn góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại.
CLB Nhạc cụ dân tộc được quảng bá trong khuôn viên trường |
Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2023, Mạng lưới Tiên phong Việt Nam đã tổ chức chuỗi sự kiện Bản Hoà Ca Đa Sắc với chủ đề “Lời ru tiếp nối”. Sự xuất hiện trở lại của những bản hoà ca đến từ các nhóm Tiên Phong thuộc nhiều dân tộc khác nhau đã lan tỏa ý nghĩa, giá trị bản sắc văn hoá Việt đến đông đảo công chúng.
Với mong muốn người trẻ được tiếp xúc với tiếng nói và âm nhạc dân tộc từ khi còn nhỏ để nuôi dưỡng ý thức về bản sắc văn hóa quê hương, các hoạt động do Mạng lưới Tiên phong Việt Nam đã góp phần khơi gợi cộng đồng nhận ra giá trị và vẻ đẹp của hát ru là điều quan trọng, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc.
“Hơn 17 nghìn bài dân ca, gần 9 nghìn bài dân nhạc của 54 dân tộc, 75 vở diễn sân khấu và diễn xướng dân gian, do 1.848 nghệ nhân hát và đàn. Trong đó nhạc đàn có 803 thể loại, nhạc hát có 1.045 thể loại", một con số không hề nhỏ đã từng được Viện Âm nhạc công bố về loại hình âm nhạc “cổ truyền” trên mảnh đất hình chữ S. Từ dựng nước, giữ nước, âm nhạc dân tộc vẫn mãi là một thứ vũ khí tinh thần sắc bén cho người dân máu đỏ da vàng. Mỗi bài nhạc đều trở thành nơi Nhân dân Việt Nam gửi gắm tâm tư, tình cảm, những mong muốn cháy bỏng đối với đất nước |
(Còn nữa)