Bài 2: Mạch ngầm âm nhạc truyền thống chảy trong đời sống giới trẻ
Bài 1: Bản sắc dân tộc ẩn mình trong thanh âm đời thường |
Tái sinh âm nhạc nghệ thuật truyền thống
Được những bạn trẻ 9X sáng lập vào năm 2014 qua cuộc thi “Ý tưởng tôi 20”, sân chơi văn hóa truyền thống "Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” đã bước sang năm thứ 10 cùng với sự thành lập của đa dạng các lớp học như “Xẩm 48h”, “Chèo 48h”, "Quan họ 48h"... Đây là không gian giao lưu lý tưởng, gắn kết những người trẻ có chung niềm yêu thích, sự quan tâm tới các loại hình âm nhạc Việt truyền thống. Nhóm chúng tôi đã có cơ hội tham gia vào lớp học "Quan họ 48h” vào một buổi thứ bảy cuối tuần, trực tiếp quan sát buổi học Quan họ thực tế của các bạn trẻ.
U Hai Chính, người phụ trách giảng dạy lớp Quan họ 48h |
Tại lớp học này, cứ mỗi tối cuối tuần, những câu hát Quan họ lại được một nhóm người trẻ ngân nga suốt 2 giờ đồng hồ cùng với lời chỉnh sửa, uốn nắn đầy nhiệt huyết của U Hai Như Chính - cô giáo phụ trách giảng dạy lớp.
Đều đều mỗi tuần một buổi , U Hai đã quen với việc vượt vài cây số, băng qua cây cầu Long Biên để tới lớp học “Quan họ 48h” - thuộc CLB “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” và trực tiếp giảng dạy. Vốn xuất thân không phải từ quê hương Bắc Ninh, nơi sinh ra làn điệu dân ca quan họ nhưng chính vì có tuổi thơ dài gắn bó và sinh hoạt ở mảnh đất này mà U Hai có tình cảm đặc biệt và luôn khao khát mang làn điệu Quan họ gần hơn tới các thế hệ sau. “Đối với tôi, quan họ và việc giảng dạy quan họ giờ đây không đơn giản là niềm yêu thích mà là đam mê. Nó như đứa con tinh thần vậy, tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc khi được sống với nó”, U Hai chia sẻ.
Điều làm lớp học Quan họ cũng như các lớp học khác thuộc CLB “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” trở nên đặc biệt so với các lớp học thông thường là ở sự kết hợp giữa việc học song song về kỹ thuật hát và văn hóa của từng loại hình âm nhạc. Đây cũng chính là một điểm thú vị giúp “Quan họ 48h” thu hút được sự quan tâm đông đảo của các bạn trẻ ở những độ tuổi và công việc khác nhau, đa dạng từ lứa trẻ là bạn học sinh tới những người đã trưởng thành và đi làm. Thông thường, vào mỗi thứ bảy hàng tuần, các học viên sẽ cùng lựa chọn một địa điểm phù hợp cho việc di chuyển chung của cả nhóm để tổ chức lớp học.
Không khí lớp học sôi nổi với sự tham gia nhiệt tình, tích cực của các thành viên trong CLB |
Ở buổi học lý thuyết và kỹ thuật hát, U Hai có lối truyền đạt gần gũi, mộc mạc trong cách giảng dạy các học viên. Không thiết bị máy móc hiện đại, không câu nệ, gò bó mà không gian lớp học được diễn ra như một buổi chia sẻ giữa những người bạn. Phương pháp giảng dạy của “Quan họ 48h” là “học song hành”. U Hai sẽ vừa cùng hát và dạy lời cho các “anh Hai bé” và “chị Hai bé”, sau khi đã thuộc lời thì hai bên nam - nữ sẽ thực hiện hát đối theo đúng lối hát trong Quan họ. Theo chia sẻ của U Hai thì việc học và thực hiện đúng lời hát, kỹ thuật hát hoàn chỉnh của một bài Quan họ thì cần tới vài buổi học và “đam mê sẽ là yếu tố tiên quyết” giúp U cũng như các học viên có thể theo học quan họ nói riêng và theo đuổi nghệ thuật nói chung.
Điều thú vị ở lớp học này là các thành viên sẽ được trải nghiệm và học tập các kiến thức có liên quan tới văn hóa Quan họ. Học viên được U Hai giới thiệu và hướng dẫn từ cách xưng hô, lề lối và cách hát sao cho đúng, cho hay và đặc biệt là để ra chất người “chơi canh quan họ cổ”. Chẳng hạn như trong xưng hô thì những người chơi quan họ sẽ gọi nhau là “anh Hai bé” và “chị Hai bé” thay vì gọi bằng tên hay chức vụ như thông thường, khi hát thì cần phải có câu thưa gửi như thế nào… Những điều này đã giúp cho lớp học quan họ mang đậm màu sắc văn hóa và giá trị truyền thống.
Cuốn sổ tay được ghi chép đầy tỉ mỉ của U Hai |
Nhờ tiếp cận từ góc độ văn hóa của loại hình âm nhạc truyền thống, các học viên được hiểu hơn về quan họ và ý nghĩa, vẻ đẹp sau từng câu hát. Như chia sẻ của anh Trần Đắc Minh Đường - học viên của lớp, vốn ban đầu là người theo học và chơi nhạc cụ hiện đại nhưng sau khi tham gia các buổi học thì anh dần cảm nhận được cái hay, cái thú vị trong Quan họ cũng như văn hóa của âm nhạc dân gian Việt và vì thế anh đã trở thành một mảnh ghép của lớp tới hiện tại.
Trong suốt hai năm hoạt động, lớp “Quan họ 48h” cũng tích cực tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế bên cạnh những buổi học kiến thức. Điển hình như tổ chức minishow; tham gia giao lưu trực tiếp với các “liền anh”, “liền chị” trong một canh quan họ cổ hay tạo những minigame, hoạt động ngoại khóa về Quan họ.
Nỗ lực để âm nhạc dân tộc sống mãi
Giá trị truyền thống sẽ là cơ sở để mỗi người hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình. Dựa trên tinh thần đó, “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” đã cố gắng phát triển về cả quy mô và chất lượng trong suốt 10 năm qua. Từ một CLB nhỏ với lớp học về chèo, CLB tiếp tục tạo ra nhiều lớp như Xẩm 48h, Quan họ 48h…tích cực lan tỏa nghệ thuật truyền thống hơn nữa qua việc đa dạng các hoạt động của mình. Hàng loạt các chương trình trải nghiệm sáng tạo được dự án tổ chức có thể kể tới như: “Không gian nguồn cội”, “Young Culture day”, “Về nguồn”, Design thinking “Sống với văn hoá dân gian”, “Gala Tôi chèo về quê hương”, triễn lãm “Mắt xẩm”, chuỗi Workshop “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”…
“Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” đưa Quan họ tới Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với workshop "Mời bạn đến chơi (í a) cùng" |
Bên cạnh những thành tựu đạt được từ những ngày đầu như giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng Tôi 20” năm 2014, giải Ba cuộc thi FBAIC của trường Ngoại thương Hà Nội và top 10 khởi nghiệp cùng Kwai năm 2015 thì CLB đã có những bước tiến mới trong thời gian gần đây. Điển hình là sự góp mặt trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” tham gia với workshop "Mời bạn đến chơi (í a) cùng", ghi danh trong danh sách 40 tổ chức và DNXH tại sự kiện BridgeFest2024. Đây là minh chứng cho thấy âm nhạc truyền thống cũng như CLB ngày một chạm gần tới lớp trẻ hiện nay vàcũng là điều khiến anh Nguyễn Hoàng Hiệp - chủ nhiệm hiện tại của “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” cùng các thành viên của CLB vô cùng tâm đắc, tự hào.
Đặc biệt, theo thời gian, không chỉ với những người yêu chèo mà giới trẻ cũng nhiệt tình hưởng ứng và có những trào lưu mới nhằm đẩy mạnh truyền thông cho bộ môn nghệ thuật này. Trên mạng xã hội, thông qua kênh YouTube có nhiều video 3-10 phút về lịch sử, giá trị văn hóa, nét đặc trưng của chèo. Hay trên mạng xã hội Facebook vốn có các nội dung về từ ngữ tiếng Anh, giới trẻ cũng tận dụng nền tảng này để giới thiệu các từ cổ trong chèo. Trên ứng dụng TikTok cũng có video 15 giây thể hiện các nhân vật đặc trưng, tạo ấn tượng về chèo. Đặc biệt, một số bạn trẻ còn có ý tưởng “Chèo therapy”, dựa trên phương pháp trị liệu nghệ thuật (art therapy), trị liệu cảm xúc cá nhân, giúp mọi người được truyền cảm hứng, sống chậm hơn, giải tỏa căng thẳng thông qua quá trình thưởng thức và sáng tạo với chèo.
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, chủ nhiệm hiện tại của CLB “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” |
Kể về hành trình nỗ lực đưa “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” và âm nhạc dân gian lan tỏa trong các bạn trẻ, anh Hiệp chia sẻ: “Khác với thời gian đầu, giờ đây khi hỏi các bạn trẻ về chèo thì tôi có thể dễ dàng nghe được câu trả lời đó là một loại hình âm nhạc Việt Nam thay vì là một hành động như chèo lái như trước đây”.
“Mong muốn của tôi cũng như các cộng sự tại CLB là tạo ra “vũ trụ 48h” - nơi người trẻ và người Việt chúng ta được hiểu, được trải nghiệm và cùng gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc", anh Hiệp bày tỏ. Chia sẻ về ý nghĩa con số “48h”, anh Hiệp cho biết đây là con số mà CLB đặt ra để thử thách vui rằng chỉ trong 48h thì các học viên sẽ hiểu và học được một bài hát ở các lớp thuộc CLB “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương”.
Chưa dừng lại ở đó, anh cũng nung nấu mục tiêu về việc mở rộng và phát triển thêm nữa các loại hình âm nhạc dân tộc, tạo nên “vũ trụ 48h” với mong muốn tạo ra một vũ trụ âm nhạc dân gian Việt, lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa về nét đẹp văn hóa truyền thống này. Cùng với đó, CLB sẽ đồng thời đẩy mạnh các hoạt động như chương trình trải nghiệm, workshop để kết nối với đa dạng hơn công chúng thế hệ trẻ hiện nay. Tuy nhiên để có thể làm được việc này đòi hỏi phải có sự chung tay, hưởng ứng rất lớn từ phía khán giả, đặc biệt là lớp những người trẻ.
Dù đảm nhận việc gìn giữ và tiếp nối giá trị truyền thống trong âm nhạc dân tộc nhưng anh Hiệp và các cộng sự trong CLB bày tỏ sự cởi mở và đón nhận những cách làm mới, sự sáng tạo trong âm nhạc dân gian của thế hệ trẻ hiện nay. Theo anh, đây cũng là một cơ hội tốt để đưa âm nhạc truyền thống phổ cập hơn tới công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bản thân “Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương” cũng tích cực tham gia các sự kiện, kết hợp với các chương trình, sự kiện để đưa văn hóa âm nhạc dân tộc rộng mở hơn. Tuy nhiên điều cần thiết là phải hiểu “cái gốc” của từng thể loại âm nhạc đó để tránh việc sai lệch khi sáng tạo. Đây cũng chính là hy vọng và sứ mệnh mà CLB luôn cố gắng lan tỏa và phát huy.