Bài 3: Thầy giáo trẻ của học trò vùng biên
Bài 2: Đem tình yêu tiếng Anh đến với học sinh miền núi cao Phú Thọ "Mùa Covid" gieo chữ trên bản cao |
Thầy hãy nói với mẹ để em được đi học
Trong một buổi sinh hoạt Đội, thầy giáo Hơn bỗng thấy cuối hàng thấp thỏm một học trò mảnh khảnh, màu tóc vàng cháy nắng, chiếc áo rách, không đeo khăn quàng đỏ và đôi chân trần. Là người thầy gần 10 năm công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, anh thấy đó cũng là chuyện bình thường khi số lượng học sinh trong trường hơn 80% thuộc diện hộ nghèo.
Tuy nhiên, thầy giáo Hơn nhận thấy ánh mắt buồn sầu của cô học trò nhỏ. Ánh mắt ấy cứ ám ảnh tâm trí anh cho đến cuối buổi sinh hoạt.
“Kết thúc giờ sinh hoạt, tôi gọi em vào phòng làm việc của mình và hỏi? Tại sao hôm nay em có vẻ không được vui, em mệt à? Cô học trò nhỏ tên Ly Thị Chứ nghẹn ngào lấp bắp từng câu: "Thưa thầy em không mệt đâu ạ, em buồn vì mẹ em không muốn cho em đi học nữa, mẹ cứ bắt em lên nương, em trốn mẹ em để đi học. Thầy hãy nói với mẹ để em được đi học".
Tôi sững lại một lúc rồi nói như một lời an ủi: "Không sao đâu em à, chắc mẹ em ngày mùa bận nên mẹ nói vậy thôi. Em cứ đi học, chiều tối thầy sẽ đến thăm gia đình em và động viên mẹ cho em đi học nha”, thầy giáo Hơn kể.
Thầy giáo Lò Văn Hơn tặng quà tới học sinh của trường |
Ngay chiều hôm đó, thầy giáo Hơn tìm đến nhà em Chứ. Ánh mắt anh khựng lại trước gia cảnh vô cùng khó khăn, bố của cô bé còn đang bị bệnh. Vì thế, dù anh đã thuyết phục nhưng mẹ Chứ vẫn thể hiện thái độ cương quyết cho em nghỉ học ở nhà lên rẫy làm việc, trông em.
Không nản lòng, thầy giáo Hơn vận động thầy cô giáo khác và Trưởng bản cùng tham gia hỗ trợ gia đình em Chứ vượt qua khó khăn. Sự nỗ lực của thầy giáo trẻ được đền đáp khi cô học trò nhỏ được trở lại trường.
Vận động để học trò nghèo được đến lớp là một trong rất nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu thương dành cho trò của thầy giáo Hơn từ khi anh về Sam Kha, xã đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La công tác. Nơi đây, hơn 90% là dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách giữa các điểm trường so với trung tâm từ 5 đến 19km, đường xá đi lại khó khăn.
Nhận thức của nhiều bậc phụ huynh học sinh về vai trò dạy và học của nhà trường còn nhiều hạn chế, nên việc dành cơ hội cho con em mình tham gia học tập và bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn đang diễn ra. Vì thế, anh luôn trăn trở, làm sao mang đến điều tốt đẹp nhất cho học sinh nên thường xuyên giúp các em giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động tập thể. Tình thương yêu ấy cũng giúp thầy giáo Hơn có nhiều sáng kiến trong giảng dạy và chăm lo đời sống cho học sinh.
Nhà giáo áo xanh...
Thầy giáo Hơn sinh ra và lớn lên ở bản Nà Sàng, xã Chiềng Phung (Sông Mã, Sơn La). Năm 2011, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sơn La, anh về nhận công tác tại trường trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sam Kha. Dạy học ở xã đặc biệt khó khăn thầy giáo Hơn càng nỗ lực giúp học sinh tiếp cận tri thức.
Thầy giáo trẻ luôn có nhiều sáng kiến tạo hứng thú học tập cho học trò |
“Hơn ai hết tôi thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng cao phải chịu khi điều kiện kinh tế khó khăn. Bản thân tôi đã trải những khó khăn đó nên càng muốn làm được điều gì đó cho các em”, thầy giáo Hơn tâm sự.
Dù trong điều kiện vô cùng khó khăn của xã biên giới, rồi "bão" Covid-19 ập đến người thầy ấy vẫn không ngừng sáng tạo. Anh luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, với nhiều sáng kiến, như: “Sử dụng xen lẫn tiếng dân tộc Mông trong quá trình giảng dạy bộ môn âm nhạc ở trường tiểu học”; “Tích hợp hiệu quả hoạt động trải nghiệm trong dạy học bộ môn âm nhạc lớp 1 trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Sam Kha”…
Từ những nỗ lực vì đàn em thân yêu của mình thầy được Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, được Hội đồng thi đua cấp tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen; 5 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”; Danh hiệu: “Đảng viên trẻ Tiêu biểu cấp tỉnh” năm 2020; Danh hiệu: “Giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh” năm học 2020-2021; Giải thưởng: “Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp tỉnh” năm 2020; “Giáo viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương” năm 2020; đạt giải cao trong các cuộc thi “Tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cấp xã, cấp huyện. |
Những sáng kiến này đã được Hội đồng khoa học cấp trường, cấp huyện công nhận là sáng kiến có hiệu quả và được áp dụng liên tục nhiều năm. Nhờ vậy, học sinh toàn trường luôn hứng thú học tập, chất lượng học sinh được nâng lên với 100% hoàn thành môn học.
Với vai trò là Tổng phụ trách Đội của trường anh cũng tạo ra nhiều sân chơi, giáo dục kỹ năng sống cho học trò. Nhận thấy nhà trường còn nhiều đất trống, thầy Hơn đã cùng học sinh bán trú triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ”, huy động các chi đội trồng rau sạch để bán cho nhà bếp bán trú, mỗi năm thu gần 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thầy giáo Hơn phát động buổi sáng đến lớp, mỗi học sinh tham gia nhặt rác từ nhà đến trường, sau đó phân loại. Rác tái chế được, như chai nhựa, vỏ lon... gom lại để bán, trung bình mỗi năm thu trên 2 triệu đồng. Số tiền thu được từ phong trào “Kế hoạch nhỏ”, anh bổ sung 50% vào quỹ lớp để xây dựng phong trào, giúp vận động học sinh ra lớp.
Số còn lại nộp về Liên đội trường để tham gia các phong trào tình nguyện, thiện nguyện. Cũng từ nguồn quỹ này, thầy giáo Hơn và đoàn viên, thanh niên nhà trường đã xây dựng khu vui chơi, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh còn kết nối các đoàn thiện nguyện nhằm hỗ trợ người dân và học sinh vượt qua khó khăn.
“Tôi luôn suy nghĩ rằng, là người thầy, chèo lái con thuyền của tri thức dù đứng ở vị trí, hoàn cảnh nào, trải qua bao nhiêu khó khăn cũng phải cố gắng. Nếu chúng ta dùng sự nhiệt huyết, tấm lòng để nhìn nhận và giúp đỡ học sinh chúng ta sẽ làm được điều tưởng như không thể. Từ đó, các em có đam mê, khát khao chinh phục tri thức để có cuộc sống tốt hơn”, thầy giáo Hơn tâm sự.
Năm 2021, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” nhằm tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh… Hội đồng xét chọn gương giáo viên dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 đã họp và lựa chọn ra 50 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương. Dự kiến Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020 tại Thủ đô Hà Nội. |