Giáo viên, nhà trường cần làm tròn vai trò và trách nhiệm của mình
Đánh bạn nhưng cô giáo không hay biết
Vào ngày 23/10, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh bé gái đang ngồi chơi thì một bé trai bất ngờ chạy đến đánh, đạp liên tiếp vào mặt, người. Một lát sau, bé trai tiếp tục chạy đến đánh liên tiếp vào người bạn. Trong khoảng thời gian bé gái bị đánh, không thấy sự can thiệp của cô giáo đứng lớp.
Hình ảnh bé gái bị bạn đánh được cắt ra từ clip do phụ huynh chia sẻ |
Theo thông tin của Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên (Bắc Giang) - nơi xảy ra sự việc trên, hôm đó, cô đứng lớp nhóm trẻ có việc gia đình nên đã nhờ cô giáo phụ lớp trông hộ. Đến thời điểm cho trẻ ăn, cô đi lấy cơm cho các cháu thì xảy ra sự việc. Cháu bé đánh bạn thường ngày học ở một trường mầm non công lập trên địa bàn. Các trường công lập không nhận và trông trẻ vào cuối tuần nên gia đình mới gửi cháu này ở đây mỗi thứ bảy.
Phòng GD&ĐT huyện Việt Yên đã yêu cầu nhóm trẻ này dừng hoạt động trong thời gian điều tra làm rõ và giải quyết vụ việc.
Có không ít vụ việc tương tự đã xảy ra và cũng có nhiều lý do được bao biện như: “Bận vệ sinh cho bé khác, ra ngoài có việc gấp”… nhưng đó không phải lý do chính đáng của giáo viên khi để trẻ đánh bạn trong lớp.
Chị Nguyễn Thị Lan, có con 4 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ: “Là phụ huynh có con nhỏ, chứng kiến hành động như vậy, tôi xót xa lắm. Có thể các cháu còn quá bé để phân biệt được hành vi của mình là đúng hay sai và cũng không thể quy chụp gia đình hay nhà trường chưa biết dạy trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh việc chăm sóc, nhà trường phải có trách nhiệm quản lý và bảo vệ các bé tránh nguy hiểm”.
“Có lần khi đến đón con, tôi chứng kiến một bé leo lên ghế rồi tự ngã xuống đất. Trong thời gian đó, cô giáo đang bận vệ sinh cho các bạn khác, không quán xuyến được cả lớp. Từ đó tôi cũng lo rằng, khi các con bị bạn khác đánh hay bị ngã đau, các cô khó lòng biết hết được. Bên cạnh việc lắp camera ở các lớp học, tôi mong các cô giáo cũng phải cố gắng quan tâm đến các con nhiều hơn, nếu để trường hợp tương tự xảy ra hay con cái có chuyện gì không tốt thì phụ huynh không thể an tâm tin tưởng, giao con nhà trường nữa”, chị Vương Thị Ánh, phụ huynh trẻ mầm non ở Hà Nội nêu quan điểm.
Giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm
Chia sẻ quan điểm về việc bé gái bị bạn cùng lớp đánh tại Bắc Giang, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, giáo viên trường Mầm non Họa Mi, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: “Đọc báo và xem clip trên mạng xã hội, có lẽ ai cũng bàng hoàng và thấy thương cháu bé bị đánh. Nhiều lúc, các cháu hành động vô thức, không bằng lòng với bạn một việc gì đó là sẵn sàng đánh.
Để xảy ra sự việc đau lòng vậy là lỗi do các cô, vì đã không sát sao đến trẻ. Tuy nhiên, lớp có 1 cô giáo, việc gì cũng đến tay thì quả thật không thể để mắt được hết các con”.
Học sinh trường mầm non Thánh Gióng quây quần trong một hoạt động nhóm |
Ở góc độ là quản lý, cô Lê Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Mầm non tư nhân Thánh Gióng (Long Biên) cho rằng: “Khi xảy ra vấn đề nêu trên, giáo viên không kịp thời giải quyết, không nắm bắt được sự việc. Tôi cho rằng lý do không có mặt tại lớp là không thể chấp nhận, giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm công việc chăm sóc và dạy dỗ của mình.
Ở đây có thể xảy ra hai tình huống: Giáo viên không có mặt kịp thời nắm bắt tình huống, không biết để trao đổi với phụ huynh về “vết tích” khi đón con và trường hợp hai là giáo viên biết rõ nhưng không dám nhận lỗi, giấu sự việc, cố ý bỏ qua, không thẳng thắn trao đổi, coi chuyện đã rồi và tỏ ra không vấn đề gì.
Ở cả 2 tình huống này rất cần các cấp quản lý vào cuộc và có buổi đào tạo giáo viên về trách nhiệm, vai trò. Theo đó, trách nhiệm của giáo viên là phải chăm sóc trẻ để các con được an toàn, phát triển toàn diện theo 5 lĩnh vực. Bên cạnh đó, các cô cũng phải dạy dỗ, đảm bảo kiến thức chuyên môn theo lứa tuổi và năng lực của trẻ.
Giáo viên cần đảm bảo giờ nào việc đó, nhà trường cũng cần quán triệt rõ ràng, lớp học mầm non không nên để 1 giáo viên đảm nhận |
Trong lớp học mầm non, vai trò của giáo viên cũng rất quan trọng, bởi cô là người định hướng, phát triển năng lực của trẻ theo mỗi bài học. Ngoài ra, cô còn là người truyền cảm hứng, dẫn dắt trẻ có được đam mê, hứng thú theo từng chủ đề. Đặc biệt, trong quá trình ở lớp, cô còn là người đồng hành cùng trẻ, luôn bám sát, kịp thời hỗ trợ khi cần…”.
Qua sự việc nên trên, nhiều ý kiến cho rằng quản lý nhà trường cần phải sát sao, giao nhiệm vụ, công việc, trách nhiệm cho giáo viên đúng với năng lực. Về phía giáo viên cần đảm bảo giờ nào vào việc đó, tránh ôm đồm, kiêm nhiệm chức vụ, công việc riêng. Từ những công việc được giao, nhà trường phải có thưởng phạt rõ ràng trong các tình huống và đặt rõ trách nhiệm của giáo viên.
"Nhà trường cần quán triệt rõ ràng, các lớp học không được để một giáo viên đảm nhận, dù cho bất cứ hoàn cảnh nào. Các cô giáo cũng không được phép nghỉ dạy, nhờ cô khác trông coi giúp, có như thế mới có thể để mắt hết được học sinh của mình, tránh những tình huống đáng tiếc", chị Vũ Hương Lan (ở quận Đống Đa, Hà Nội) nêu ý kiến.