Bài 2: Nhanh chóng nối lại chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm
Tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi
Thị xã Sơn Tây lâu nay nổi tiếng với nhiều sản vật đặc trưng, trong đó có giống gà Mía tiến vua được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Mặc dù là đặc sản nổi tiếng, được chăn nuôi nhiều song từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành khiến cho thị trường tiêu thụ không ổn định, giá gà lên xuống thất thường, trong khi đó, giá thức ăn liên tục tăng cao, nhiều gia đình bị thua lỗ nặng nên đành ngậm ngùi tạm thời ngừng chăn nuôi giống gà quý này.
Tuy nhiên, khi nghe tin thành phố triển khai phương án phân vùng chống dịch, các huyện “vùng xanh” được nới lỏng giãn cách để khôi phục sản xuất, kinh doanh, các hộ dân chăn nuôi tại Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã vui mừng khôn xiết, vì họ có cơ hội được tái đàn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập.
Khi có chỉ thị của thành phố về việc từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, các hộ dân ở Đường Lâm rất vui vì đã tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn |
Ông Hà Văn Chiến, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cho biết: Kể từ giữa năm 2020 tới nay, giá gà Mía liên tục lên xuống thất thường. Nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá gà chỉ khoảng 70.000-80.000 đồng/kg đã khiến cho người chăn nuôi gà bị lỗ nặng.
Nguyên nhân là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, gà nuôi đến lứa không xuất bán được, trong khi đó hàng ngày vẫn mất tiền cám, ngô cho gà ăn nên nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, đành chấp nhận bán giá thấp để gỡ gạc chút vốn.
“Sau Tết, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên nhiều hộ chăn nuôi vẫn quyết định để chuồng trại không. Hiện nay, khi có hướng dẫn của thành phố về việc từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, các hộ dân ở Đường Lâm rất vui vì đã tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn, nhờ đó cuộc sống của người dân chăn nuôi sẽ được cải thiện”, ông Hà Văn Chiến chia sẻ.
Không chỉ người dân chăn nuôi ở Đường Lâm vui mừng khi được khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới mà người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, cung ứng lương thực thực phẩm trên địa bàn huyện Ba Vì cũng như gỡ bỏ được “gánh nặng” khi nằm trong khu vực “vùng xanh” được phép đẩy mạnh sản xuất, tránh được nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm phục vụ Nhân dân.
Việc nới lỏng giãn cách như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi giúp các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất |
Theo ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì, hiện nay, huyện có 103 hợp tác xã nông nghiệp, 178 trang trại đang hoạt động, góp phần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Hiện, Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ Gà đồi Ba Vì là đơn vị sản xuất gia cầm rất lớn, lượng tiêu thụ mỗi tháng từ 20 - 30 nghìn con, tổng đàn 300 nghìn con/năm. Với việc nới lỏng giãn cách như hiện nay đã tạo điều kiện thuận lợi giúp hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời có phương án cung ứng cho thị trường Hà Nội nhanh chóng, an toàn hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Giáp Đông, hiện Ba Vì vẫn đang tiếp tục cung cấp các sản phẩm thiết yếu như trứng, sữa… cùng nhiều nông sản khác. Việc kết nối lại chuỗi sản xuất - cung ứng theo chỉ đạo của thành phố như hiện nay đã mở ra con đường mới cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm sản xuất và chống dịch hiệu quả.
Mở "cánh cửa" mới cho các doanh nghiệp sản xuất
Mặc dù là một trong số những đơn vị duy trì phát triển ổn định trong mùa dịch vì có chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ song trong bối cảnh Hà Nội áp dụng phương án chống dịch theo từng vùng, cùng với việc khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh đã giúp cho Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) có thêm hướng đi mới.
Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm cho biết: Nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình khép kín từ khâu chọn con giống, chăm sóc, cho ăn, phòng bệnh theo từng giai đoạn đến khi xuất bán, giết mổ, đóng gói đưa đến người tiêu dùng. Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các sản phẩm thịt sạch, đặc biệt là các sản phẩm thịt lợn chế biến đạt 4 sao OCOP của hợp tác xã vẫn tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố.
Việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/UBND của UBND thành phố Hà Nội giúp các đơn vị có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm |
Trước thời điểm dịch Covid-19, chuỗi chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã phát triển ổn định. Thời gian gần đây, khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người tiêu dùng lựa chọn mua sắm tại các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn thì sản lượng thịt lợn của hợp tác xã cung cấp cho thị trường càng tăng cao.
Đặc biệt, sau khi áp dụng phương án phòng chống dịch trong điều kiện mới như hiện nay, hợp tác xã càng có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô, đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các bên nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước chinh phục các thị trường mới.
“Giai đoạn này, chúng tôi sẽ tiến từng bước thận trọng, vừa tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng phực phẩm phục vụ Nhân dân, vừa tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là thực hiện các biện pháp phòng chống dịch an toàn và hiệu quả”, Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm nhấn mạnh.
Như vậy, việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/UBND của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo 3 vùng không chỉ tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, giúp họ có cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập mà còn đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân Thủ đô trong gian đoạn tới.
(Còn nữa)