Bài 1: Dấu ấn lịch sử ngành Điện
Bác Hồ đến thăm CBCNV nhà đèn Bờ Hồ ngày 21/12/54 (Ảnh tư liệu) |
55 năm qua, Tổng công ty điện lực miền Bắc đã trải qua nhiều khó khăn và thử thách. Vượt qua những khó khăn ấy, EVNNPC đã để lại ấn tượng mạnh mẽ với những thành tựu nổi bật, ghi dấu ấn trong lịch sử của ngành điện Việt Nam.
Chặng đường 55 năm lịch sử hào hùng
Tháng 10/1969, Công ty Điện lực là tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày nay, được thành lập với tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp Nhà nước chuyên trách lĩnh vực điện.
Những ngày đầu thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn, kỹ thuật lạc hậu, cũ kĩ, quy mô nguồn điện và lưới điện rất nhỏ. Thêm vào đó, cơ sở điện chịu ảnh hưởng nặng nề do sự tàn phá của chiến tranh. Tuy nhiên với nỗ lực cố gắng không ngừng, phát huy tinh thần “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”, cán bộ, công nhân viên của công ty đã khôi phục các cơ sở điện, đảm bảo dòng điện được vận hành liên tục.
Nhân viên nhà máy điện Vinh (Ảnh tư liệu) |
Đội tự vệ Nhà máy điện Việt Trì, Phú Thọ sẵn sàng chiến đấu (Ảnh tư liệu) |
Cuối năm 1973, công ty đã thành công trong việc nâng công suất từ 181 MW khi tiếp nhận lên 231MW thông qua việc đưa thêm 12 lò hơi, cùng 11 tổ máy vào hoạt động. Đời sống sinh hoạt của Nhân dân miền Bắc từ đó được cải thiện đáng kể nhờ nguồn điện ổn định phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Công ty Điện lực tập trung khắc phục hậu quả do chiến tranh và khôi phục sản xuất, vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản cơ sở vật chất của ngành điện lực ở miền Nam. Đồng thời, hỗ trợ và chi viện tối đa về nhân lực là những cán bộ giỏi, công nhân có tay nghề cao giúp đỡ khôi phục Nhà máy Thủy điện Đa Nhim và Đường dây 230kV Đa Nhim.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm (1976 - 1980), Công ty Điện lực miền Bắc (được đổi tên từ Công ty Điện lực) thực hiện chủ trương khôi phục, củng cố hoàn chỉnh và mở rộng các cơ sở điện lực sẵn có. Đồng thời, chỉ đạo sát sao việc khảo sát, thi công Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, xây dựng mới các đường dây 220kV đầu tiên ở miền Bắc, tiếp tục mở rộng lưới điện phân phối và cải tạo lưới điện hạ thế ở các tỉnh/thành phố, đặc biệt là ở Thủ đô Hà Nội.
Nhà máy thủy điện Thác Bà bị ném bom năm 1972 (Ảnh tư liệu) |
Tính đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn điện đã đạt 590,4 MW; đường dây cấp điện áp từ 3kV đến 110kV có 9.286,5km; tổng dung lượng máy biến áp các loại là 2.560 MVA; công suất sử dụng của công nghiệp Trung ương tăng 1,6 lần và công nghiệp địa phương tăng 1,4 lần, sử dụng cho máy bơm thủy lợi tăng 1,2 lần so với năm 1976.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), Công ty Điện lực miền Bắc được đổi tên thành Công ty Điện lực 1 sau khi Bộ Năng lượng được thành lập, Công ty Điện lực 1 thực hiện tiếp nhận lưới điện, đầu tư phát triển lưới điện đấu nối với lưới điện quốc gia và tổ chức quản lý vận hành lưới điện. Đến năm 1990, việc tiếp nhận lưới điện cơ bản hoàn thành, đầu tư phát triển lưới điện 110kV, 220kV đến các tỉnh khu vực và quản lý lưới điện đã tạo nền móng hệ thống điện trải rộng đến các tỉnh/thành phố trên toàn miền Bắc.
CBCNV ngành điện khắc phục hậu quả chiến tranh (Ảnh tư liệu) |
Bắt nhịp cùng công cuộc đổi mới
Năm 1986, Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Nhà nước tiến hành mở cửa và hội nhập trên hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ đã tạo ra nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cũng là những thách thức đối với Công ty Điện lực 1 về đáp ứng nhu cầu điện.
Nhận thức rõ chức năng, vị trí, vai trò quan trọng của mình, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Công ty Điện lực 1 đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc đổi mới đất nước, trên tinh thần “Điện phải đi trước một bước”.
Thành tựu nổi bật của giai đoạn này được mở đầu bằng việc đưa 4 tổ máy (440MW) của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại vào vận hành an toàn, bảo đảm ổn định cho hệ thống. Tiếp đến là tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành an toàn và liền sau đó, hàng năm đưa thêm từ 1 đến 2 tổ vào hoạt động sản xuất, tăng thêm 20% sản lượng và tạo sự chuyển biến về chất cho hệ thống điện miền Bắc.
Hàng loạt đường dây 110kV được xây dựng và đưa vào vận hành, như: Thái Nguyên - Cao Bằng, Mộc Châu - Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên…; Trạm biến áp 110kV Tiên Yên, Tuyên Quang… Tất cả vì mục tiêu đưa lưới điện quốc gia đến các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa ở các địa phương còn nhiều khó khăn.
Đưa điện về vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang |
Khắc phục sửa chữa lưới điện |
Năm 1995, cùng với sự ra đời của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), Công ty Điện lực 1 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc EVN từ ngày 1/4/1995. Chức năng quản lý Nhà nước về điện được chuyển giao về Bộ Công nghiệp và Sở Công nghiệp các địa phương.
Các đơn vị đang trực thuộc Công ty Điện lực 1, như: Nhà máy phát điện Hòa Bình, Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thác Bà…, Sở Điện lực Hà Nội, Sở Truyền tải điện, Trung tâm Máy tính, Trung tâm Thông tin, Ban Quản lý Dự án lưới điện miền Bắc được đưa về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Các Sở Điện lực tỉnh, thành phố đổi tên thành các Điện lực tỉnh trực thuộc Công ty Điện lực 1. Từ đó, Công ty Điện lực 1 chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện chức năng kinh doanh điện năng, quản lý vận hành sửa chữa lưới điện và phát triển lưới điện đến cấp điện áp 110kV ở miền Bắc.
Như vậy, có thể khẳng định, Công ty Điện lực 1 đã hoàn thành vai trò sứ mệnh lịch sử của mình. Đó là gìn giữ và phát triển cơ sở vật chất, đảm bảo cung cấp điện phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ cơ sở hạ tầng điện còn manh mún, khó khăn ban đầu, Công ty Điện lực 1 đã ghi dấu ấn quá trình xây dựng và phát triển mạnh mẽ qua các thời kỳ với hệ thống điện phủ kín khắp khu vực miền Bắc.
(Còn nữa)