Xây dựng thương hiệu nông sản quê hương Đa Tốn
Khởi nghiệp từ thế mạnh quê hương
Ngay từ khi còn là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Quân đã nung nấu ước mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nên bắt đầu như thế nào, khởi nghiệp trong lĩnh vực gì, bản thân có thế mạnh gì… luôn là câu hỏi khó. Điều này khiến anh Quân loay hoay trong nhiều năm để suy nghĩ và tìm kiếm câu trả lời.
Năm 2006, anh Quân tốt nghiệp đại học và về làm việc ở nhiều công ty lớn như: Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, VNPT… Mức lương được hưởng ở các doanh nghiệp này khá hậu hĩnh nhưng anh chưa bao giờ quên việc tìm câu trả lời cho ước mơ khởi nghiệp của bản thân. Khi thực phẩm bẩn trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, cộng thêm việc nông nghiệp Việt Nam được mùa mất giá vì quá lệ thuộc vào Trung Quốc… đã tác động không nhỏ đến anh Quân.
Anh Nguyễn Anh Quân |
“Mình nhận ra rằng lĩnh vực nông nghiệp có quá nhiều vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết nhưng kèm theo đó là những cơ hội rất lớn. Nếu thành công trong nông nghiệp thì đây là hướng đi mang tính bền vững”, anh Quân chia sẻ.
Tìm hiểu thêm, anh Quân nhận thấy xã Đa Tốn, quê hương anh là nơi có sản phẩm nông nghiệp phong phú, đa dạng bao gồm: Ổi lê, ổi găng, đu đủ, bưởi Diễn, cam Canh… Đất canh tác chủ yếu là đất đồng, có hàm lượng sét cao nên sản phẩm làm ra có độ ngon khác biệt, trong đó nổi bật nhất là ổi lê.
Đa Tốn cũng có vị trí không quá xa so với nội thành Hà Nội, tập quán canh tác của người dân tương đối phù hợp với sản xuất cây ăn quả. Từ những phân tích, tính toán này, năm 2013, anh Quân quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm của quê hương Đa Tốn thông qua mô hình “Nông sản sạch, công nghệ cao”.
Bước đầu, anh Quân bán thử nghiệm sản phẩm của quê hương để đánh giá phản ứng của thị trường. Vì vậy, anh tập trung bán hàng, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội và thực hiện kí gửi ở một số cửa hàng hoa quả sạch trên địa bàn Hà Nội.
Anh Nguyễn Anh Quân kiểm tra chất lượng quả ổi |
Tuy nhiên, việc kí gửi sản phẩm mang đến không ít rủi ro. “Sản phẩm hỏng các cửa hàng, siêu thị trả lại cho mình rất nhiều. Bên cạnh đó, mình chưa có kinh nghiệm quản lí nên việc bán lẻ cũng hao hụt không ít. Thời điểm đó, mình mất trắng hàng trăm triệu đồng”, anh Quân kể.
Gây dựng thương hiệu
Tuy nhiên, những thất bại trong giai đoạn đầu đã cho anh Quân những bài học quý giá. Rút kinh nghiệm qua việc bị trả hàng quá nhiều từ những lần trước, lần này anh chỉ cung cấp số lượng vừa đủ cho các cửa hàng, siêu thị.
Vượt qua được giai đoạn chạy thử nghiệm ban đầu anh Quân cũng nhận ra mô hình cần phát triển quy mô, bài bản hơn để có sự thay đổi cả về chất và lượng. Vì vậy, anh quyết định xây dựng thành mô hình doanh nghiệp để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong từng khâu, hạng mục công việc.
Năm 2015, anh Quân phối hợp với một số đoàn viên khác trong xã thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Đa Tốn. Công ty đã ký hợp đồng với các nông hộ từ việc cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón đến việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả sạch. Đồng thời, anh ký kết việc cung ứng nông sản cho các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh nhằm tạo mối liên kết trách nhiệm giữa người sản xuất, đơn vị bao tiêu và nơi tiêu thụ sản phẩm.
Mỗi ngày, công ty tổ chức thu gom từ 3 đến 4 tấn quả sạch các loại (trong đó có khoảng 1 tấn ổi của địa phương) phân phối tới 30 điểm bán tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh trong cả nước. Hiện công ty giải quyết việc làm cho 44 thanh niên địa phương với mức thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, mô hình này rất linh hoạt trong điều hành đối với 4 tổ, nhóm thanh niên đảm bảo tính nhịp nhàng giữa sản xuất, thu gom, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Anh Quân cùng đoàn viên, thanh niên đang đưa nông sản quê hương vươn xa |
Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Quân và đoàn viên, thanh niên khác đã vận động bà con cho thuê đất canh tác. “Chúng mình chủ động xây dựng trang trại canh tác tập trung ổi lê với quy mô 1ha để hướng tới làm mô hình mẫu cho bà con nông dân trong xã làm theo. Hiện nay, trang trại đã triển khai canh tác theo tiêu chuẩn VietGap”, anh Quân cho biết.
Bên cạnh đó, anh Quân tiếp tục mở rộng mạng lưới bán hàng online, kênh phân phối đến các cửa hàng hoa quả sạch. Mặt khác, anh giới thiệu sản phẩm và chinh phục các hệ thống siêu thị lớn trong cả nước bao gồm: Vinmart, Bigc, AEON… Sau khi sản phẩm vào được các siêu thị này thì sản phẩm nông nghiệp xã Đa Tốn đã khẳng định được thương hiệu. Vì thế, các siêu thị nhỏ khác đã chủ động mời anh Quân cùng hợp tác.
Hiện nay, doanh thu của công ty đạt 12 - 15 tỷ đồng/ năm và có 2 hệ thống cửa hàng bán lẻ và giới thiệu sản phẩm. Anh đã hình thành trang trại canh tác chuyên canh quy mô 1ha theo tiêu chuẩn VietGAP và đang tiếp tục mở rộng diện tích.
Không chỉ gây dựng thương hiệu ổi lê Đa Tốn và các sản phẩm nông nghiệp khác của xã trong chuỗi bán hàng uy tín, chính thống anh Quân còn góp phần hỗ trợ Huyện đoàn Phù Cừ (Hưng Yên) trong công tác làm thương hiệu vải lai chín sớm. Vì vậy, các sản phẩm vải Phù Cừ với tem mác, nhãn hiệu đầy đủ đã được cung cấp vào các đại siêu thị toàn miền Bắc.
“Nhằm phục vụ thị trường dịp cuối năm, chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất cũng dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi quảng bá nông sản quê hương tới nhiều người hơn”, anh Quân chia sẻ.