Ngành nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ trong thiên tai, dịch bệnh
Có thể nhận thấy rằng, năm 2020 ngành nông nghiệp nước ta có nhiều biến động lớn, cả về cơ hội phát triển, hội nhập và thách thức thích nghi, ứng phó. Trong đó, thiên tai khốc liệt như mưa đá, hạn mặn, lũ lụt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất; Còn đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành quả đáng kể trên cả lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới cho năm 2021.
Hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long khiến nhiều diện tích lúa bị mất trắng; cây ăn quả, rau màu, thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề |
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, tại một số tỉnh miền núi phía bắc đã xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc. So với quy luật khí hậu, đây được coi là hiện tượng bất thường của thời tiết, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân, trong đó sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngay sau đó, dịch Covid-19 bắt đầu có những diễn biến phức tạp, tác động đến tình hình thương mại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Theo đó, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, hàng trăm xe nông sản ùn ứ, nằm chờ thông quan do liên quan đến quá trình kiểm dịch và nhân lực vận chuyển từ phía Trung Quốc.
Hỗ trợ giống thủy sản cho các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của mưa bão |
Ngoài ra, các thị trường khác như Mỹ, Châu Âu… cũng ngay lập tức tạm ngừng nhập một số nông sản của nước ta với lý do lo ngại dịch bệnh. Suốt từ đó đến nay, dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu và làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Giữa lúc ngành nông nghiệp ứng phó với dịch bệnh thì tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 xảy ra ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long khiến nhiều diện tích lúa bị mất trắng; Cây ăn quả, rau màu, thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cá giống cho người dân các tỉnh miền Trung |
Sau quãng thời gian đồng bằng sông Cửu Long gồng mình chống hạn thì đến thời điểm miền trung căng mình chống lũ, bão, sạt lở đất. Từ đầu tháng 10/2020, các đợt lũ bão bắt đầu ập vào miền Trung. Lượng mưa lớn đổ dồn về khu vực, khiến nhiều địa phương bị ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi nước lũ dâng cao, chia cắt nhiều địa bàn. Đây được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, đặt mức báo động IV, thuộc về cấp thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực.
liên tiếp hứng chịu các trận mưa lũ lịch sử, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, nhất là tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi - những địa phương vốn trước đó là điểm nóng của dịch Covid-19 đợt hai tại Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vật nuôi cho các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của mưa bão |
Mặc dù ngành nông nghiệp nước ta gặp khó khăn chồng chất, tuy nhiên trong mỗi thời điểm gian nan, ngành nông nghiệp lại tìm ra hướng thích nghi và phát triển hữu hiệu. Trước thách thức kép là thiên tai và dịch bệnh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: Muốn vượt qua thách thức kép, nhất định toàn ngành phải có giải pháp kép, là tiếp tục tăng trưởng; bảo đảm mục tiêu xuất khẩu và an sinh xã hội.
Chính bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11/2020 đạt 3,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của nước ta đạt 37,42 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua cơn bão thiên tai, dịch bệnh |
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 28,05 tỷ USD, giảm 0,2%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 9,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu gạo 11 tháng đạt 5,74 triệu tấn với 2,85 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê, hiện có tám nhóm, mặt hàng nông sản xuất khẩu hơn một tỷ USD. Trong đó có bảy nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD (cà phê 2,5 tỷ USD, gạo 2,85 tỷ USD, hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, rau quả đạt 3,0 tỷ USD, tôm 3,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,4 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta trong năm vừa qua vẫn ở mức cao |
Dự kiến năm 2020, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 41,5 đến 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản.
Trong bối cảnh thiên tai và dịch bệnh liên tiếp, những thành quả này trở thành dấu ấn của toàn ngành nông nghiệp trong bức tranh kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để nền kinh tế chung của cả nước giữ được mức tăng trưởng dương.
Mức tăng trưởng đó cũng thể hiện rõ nét khả năng thích nghi và ứng phó của các ngành hàng nông nghiệp nước ta trong điều kiện xuất khẩu nông sản gặp vô vàn khó khăn.