Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, hiệu quả ngoài mong muốn
Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Bài liên quan
Diện mạo nông thôn Hà nội thay đổi nhờ chương trình Nông thôn mới
10 năm xây dựng nông thôn mới Thủ đô: Diện mạo khởi sắc, tư duy thay đổi
Nhiều kết quả vượt chỉ tiêu sớm trong xây dựng nông thôn mới
Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống nông dân
20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian hàng bên ngoài hội nghị |
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, sáng 21/9, đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã trình bày tham luận về xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa và bảo tồn phát huy các làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, xuất phát điểm trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Gia Lâm rất khó khăn. Từ chỗ chỉ có 9 xã đạt từ 10 - 13 tiêu chí, 11 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí vào năm 2010, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt như: Quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, hộ nghèo, môi trường… đến nay 20/20 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Gia Lâm vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng tỉ trọng ngành dịch vụ - thương mại, công nghiệp). Tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng cao (đến năm 2018 đạt 6.192 tỉ đồng). Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững mạnh. Đặc biệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 48,9 triệu đồng/người (tăng 31 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,47% (năm 2010 là 6,25%).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm |
Với đặc điểm là huyện ngoại thành ở phía Đông Bắc của Thủ đô, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Gia Lâm phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với địa bàn huyện có tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi tất yếu xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị. Gia Lâm xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ hội để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, định hướng quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp theo hướng đô thị hóa; từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực.
Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; gần 99% đường ngõ xóm được bê tông hóa; 100% tuyến đường từ 2m trở lên được lắp đặt chiếu sáng; các tuyến đường do huyện quản lý được cải tạo, nâng cấp, nhựa hóa đạt chuẩn; hình thành 11 tuyến phố văn minh đô thị, chiếm tỷ lệ trên 50% số trục phố chính.
Các thiết chế văn hóa, trạm y tế xã được đầu tư đồng bộ, 100% các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, có hệ thống truyền thanh không dây; 82,5% dân số được sử dụng nước sạch (đến hết năm 2019 là 100%). 82,9% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia… Các cơ sở dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Về tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020”, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 tại 20 xã, thị trấn; đã chuyển đổi hơn 1.400ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái; tập trung phát triển vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, huyện đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong đó có các mô hình như: Mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; rau thủy canh xã Đa Tốn; các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP xã Kiêu Kỵ; mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng trùn quế tại xã Đặng Xá, Phù Đổng... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, trung bình đạt 306 triệu/ha (tăng 198 triệu/ha so với năm 2010), cá biệt có mô hình doanh thu trên 1 tỉ đồng/ha/năm.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Với các làng nghề truyền thống: Dát quỳ vàng, may da Kiêu Kỵ; thuốc nam, thuốc bắc Ninh Hiệp; gốm sứ Kim Lan, Bát Tràng… đã tạo ra giá trị đặc trưng. Các sản phẩm tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, cùng với làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông, làng nghề truyền thống Bát Tràng đã được UBND Thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch. UBND huyện đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng, đây là điều kiện thuận lợi để các sản phẩm truyền thống. có khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tiếp tục phát huy các thế mạnh để xây dựng nông thôn mới
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết 10 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, |
Để có được những kết quả trên trong xây dựng nông thôn mới của huyện Gia Lâm là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố và sự giúp đỡ có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Thành phố.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuần nhấn mạnh: “Với sự nỗ lực, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, cùng cách làm sáng tạo, hiệu quả, huyện Gia Lâm đã đạt được nhiều thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi nhận thấy rằng, những bài học kinh nghiệm quý báu được rút ra chính là coi trọng công tác chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, tạo sự thống nhất, nhận thức đúng đắn và sâu sắc về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quy hoạch và quản lý xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa nguồn lực và đồng bộ các giải pháp, triển khai hiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm... để người dântrở thành chủ thể.
Với định hướng được xác định xây dựng huyện thành quận trong giai đoạn 2020 - 2025, trong thời gian tới, Huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nhằm: “Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận”.
Trong đó, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua phát triển KT-XH trên địa bàn; thu hút sự tham gia đóng góp của nhân dân, để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu tham quan gian hàng bên lề hội nghị. |
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực; duy trì và củng cố các tiêu chí đã đạt gắn với tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, phấn đấu xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2022. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, xây dựng sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao...
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương