Việt Nam lọt top 4 quốc gia dẫn đầu về chất lượng điều trị HIV/AIDS
Không chỉ vậy, nước ta cũng là một trong những quốc gia đầu tiên cam kết thực hiện mục tiêu 95-95-95 của Liên Hợp Quốc và đã đạt được 84-79-96, số mới nhiễm HIV và tử vong do HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong 10 năm qua.
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95, đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.
Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 |
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam còn rất nhiều việc cần phải làm, nhất là để đạt được mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Dịch HIV/AIDS rất có thể bùng phát trở lại nếu chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương nhận định: "Hiện nay, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam là mô hình dịch tập trung trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV đang trẻ hóa và phần lớn là nam, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới".
Cục Phòng chống HIV/AIDS đã tổ chức đa dạng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng, các bạn trong cộng đồng người có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiện ma túy, người bán dâm... tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và hỗ trợ kết nối điều trị ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua website http://tuxetnghiem.vn tại 35 tỉnh, thành phố để những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tự làm xét nghiệm HIV và được kết nối làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV.
Hiện nay, các dịch vụ xét nghiệm HIV đã được mở rộng, đa dạng các hình thức. Nhờ đó, năm 2022, đã phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm như xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; Sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4…
Phác đồ điều trị ARV cũng luôn được cập nhật, với việc loại bỏ các thuốc nhiều tác dụng không mong muốn, thay thế bằng thuốc có tác dụng và hiệu quả hơn.
Từ năm 2020, Việt Nam đã thực hiện phác đồ ARV tối ưu theo khuyến cáo của WHO. Hiện nay, có gần 80% bệnh nhân sử dụng phác đồ tối ưu, bao gồm cả điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phác đồ này cũng đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả nên bệnh nhân tham gia BHYT cũng được bảo đảm điều trị với chất lượng tốt nhất.
Ngoài ra, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV là một trong các ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS.
Với việc mở rộng và sử dụng phác đồ ARV tối ưu, số trẻ nhiễm HIV từ mẹ đang giảm mạnh, từ 1.500 trẻ năm 2012 xuống còn hơn 600 trẻ những năm gần đây; tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV bằng CPR giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1 năm 2022.
Việc mở rộng điều trị ARV với chất lượng cao đã góp phần quan trọng trong việc giảm số người tử vong do AIDS, giảm số nhiễm mới.
Tích lũy đến nay, Việt Nam có khoảng 220.580 ca nhiễm HIV và đã có 112.368 ca tử vong do nhiễm HIV/AIDS.
Trong những năm 2007-2009 số ca tử vong HIV báo cáo tử vong hàng năm khoảng 7.000 đến 10.000 ca, số phát hiện mới 25.000 - 30.000 người, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000 - 2.000 ca và 10.000 - 13.000 người Tỷ lệ mỗi năm, giữ tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,03%.