Tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77%
TS Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc.
Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.
Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Test nhanh sàng lọc phát hiện sớm đái tháo đường cho người dân |
Đồng thời, số liệu cũng cho thấy trên thế giới cũng như tại Việt Nam đa số những người tử vong do bệnh dịch COVID-19 đều có bệnh nền như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác.
Có thể nói, các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội do bệnh phải điều trị suốt đời làm tăng chi phí y tế, giảm năng xuất lao động và sản phẩm xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.
Phó Cục trưởng Hoàng Minh Đức thông tin thêm, trước tình hình gánh nặng bệnh tật và tử vong do bệnh không lây nhiễm, việc tăng cường y tế cơ sở và thúc đẩy quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tăng huyết áp và đái tháo đường tại cộng đồng là rất cần thiết.
Mô hình quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường dựa vào cộng đồng được xây dựng dựa trên bài học kinh nghiệm từ mô hình dự phòng, phát hiện, điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng tại tỉnh Hà Nam do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Cục Y tế dự phòng triển khai và các bài học kinh nghiệm thực hành tốt trên thế giới.
Dự án do quỹ Access Accerelated tài trợ được triển khai từ năm 2019 - 2022 tại 120 xã, phường thuộc 8 quận, huyện trên địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Tây Ninh nhằm hai mục tiêu chính: Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở về dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường; Tăng cường hiệu quả dịch vụ phát hiện nguy cơ, quản lý điều trị và chăm sóc người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế và tại cộng đồng.
Qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng nhiều tài liệu đào tạo và công cụ theo hướng chuẩn hóa để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Hơn 1.700 lượt cán bộ chuyên trách chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm tuyến huyện, tuyến xã, y tế thôn bản và cộng tác viên đã được tập huấn về chuyên môn.