Tự hào truyền thống hiếu học của người Hà Nội
Lịch sử nhân loại chứng minh một chân lí: Nhân tài luôn là nhân tố quyết định đến sự hưng thịnh, thành bại của mỗi chế độ, mỗi nhà nước. Đây là bộ phận tinh túy, đi tiên phong, khởi xướng và thúc đẩy sự phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia. Mặc dù chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong xã hội nhưng lại là động lực tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Đông Các đại học sĩ Thân Nhân Trung đã khắc trên bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám triết lí về nhân tài: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Vì thế, các bậc đế vương, thánh minh đều coi giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc cần thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài.
Thực tế cho thấy, không phải ai có học vấn cao, thể hiện ở văn bằng đào tạo cũng đều là người có tài năng. Đó mới chỉ là khả năng, năng lực tiềm tàng của một người về kiến thức, trình độ đào tạo. Các khả năng, năng lực tiềm tàng đó phải được vận dụng vào hoạt động thực tiễn với các yêu cầu cụ thể. Nếu đáp ứng được một cách xuất sắc, tạo nên những thành công trong từng ngành, từng lĩnh vực thì khi đó, với các kết quả đạt được mới chứng minh rằng, người đó có tài năng.
Hơn chục năm qua, với Hà Nội đã có hàng nghìn thủ khoa đại học, học viện được thành phố vinh danh, trao bằng khen và cùng với đó là các cơ hội tuyển dụng đặc cách vào các cơ quan của thành phố kèm chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 ghi danh sổ vàng |
Câu chuyện về việc tìm kiếm, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện từ các triều đại từ hàng chục thế kỉ trước. Tại mảnh đất kinh kì, dưới đời vua Lý Thánh Tông, Văn Miếu được xây dựng vào năm Canh Tuất 1070. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám kề sau Văn Miếu. Ngôi trường trở thành biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc. Từ đó đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng thể hiện sinh động là quần thể di tích văn hiến, đa dạng và phong phú hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.
Một trong những di tích được xem là có giá trị bậc nhất ở khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 82 văn bia tiến sĩ ghi những người đỗ đầu, đậu Tiến sĩ trong các khoa thi (từ năm 1442 - 1780). 82 chiếc bia này dựng ở hai bên phải, trái của giếng Thiên Quang. Mỗi bên 41 tấm, dựng thành hai hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Đây không chỉ là nguồn tư liệu phong phú, phản ánh giai đoạn lịch sử của đất nước, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh phản ánh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, dựa vào tư tưởng trị quốc của ông cha ta.
Giá trị và nét độc đáo của 82 bia tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia phần lớn do các danh nhân văn hóa lớn của nhà nước soạn. Trên thế giới, nhiều nước dựng bia nhưng chỉ duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu có bài kí ghi lịch sử các khoa thi và triết lí của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Những bài kí trên các tấm bia tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, tạo cho mỗi tấm bia trở thành tác phẩm thư pháp.
Quan điểm về đào tạo và trọng dụng nhân tài của tổ tiên ta thể hiện điển hình trong Bài ký đề tên Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất năm 1442, do Tiến sĩ Thân Nhân Trung (người Tày, quê Bắc Giang) soạn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.
Bài ký khoa Quý Mùi, năm 1463, cũng nêu: “Kẻ sĩ may mắn được ghi danh vào tấm đá này, phải làm cho danh đúng với thực… Những người ở chức tháp tùng hầu vua phải lo dâng tiến mưu hay, những người nắm giữ kỷ cương phải lo làm cho chính sự trong sạch, những người cai trị địa phương phải lo… sao cho nơi mình làm quan dân được no đủ mà gốc nước được vững bền… khiến cho người đời đến xem đọc bia đá này, chỉ vào tên mà nói: Đây là những người trung với nước, hiếu với dân, bàn nói ngay thẳng làm sáng thánh đạo, giữ vững đạo đức kiến lập công lao, được như thế là may mắn lắm. Nếu không được thế thì người xem đưa mắt bảo: Kẻ này nhu nhược, kẻ này đức mỏng, kẻ này hèn nhát... Công luận còn đó, há chẳng nên cẩn thận lắm sao?”.
Phong trào hiếu học không chỉ được nêu gương tại kinh thành Thăng Long mà ngay cả các phủ trấn ven đô cũng rất tích cực hưởng ứng. Qua các tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thời Lê Trịnh, các phủ có truyền thống khoa bảng đều dựng văn từ làm nơi thờ phụng tiên hiền và nêu gương truyền thống khoa cử trong phủ, từng được khá nhiều văn bia văn từ hàng phủ ghi lại, như văn bia từ vũ phủ Tam Đới trấn Sơn Tây là Tu tập từ vũ bi, dựng năm Chính Hòa 23 (1702), có đoạn viết: “Ở kinh đô có quốc học, thì ở quận có hương học để làm nơi giáo dục nhân tài. Phàm người đỗ đạt, tất được lập từ vũ để tôn thờ Thánh nhân…”.
Làng Thượng Cát thuộc huyện Từ Liêm (cũ), đất ngoại ô thành Thăng Long là đất văn vật, có truyền thống khoa bảng, nên hương lệ làng này biên soạn năm Tự Đức thứ 7 (1854), cũng có điều khoản cụ thể về việc khuyến học của làng. Khoán lệ quy định: “Việc khuyến học và biếu đất: Trong làng người nào đỗ tiến sĩ làng mừng 100 quan tiền và biếu 1 mẫu đất bãi; Đỗ cử nhân mừng 60 quan tiền, biếu 6 sào đất bãi, người đỗ tú tài mừng 20 quan, biếu 3 sào đất bãi…”.
Làng La Cả nay thuộc Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội từng nổi tiếng về nghề dệt lụa trong hệ thống “bảy làng La, ba làng Mỗ” thuộc huyện Từ Liêm xưa. Không những thế, La Cả còn nổi tiếng là làng khoa bảng với 7 vị đỗ đại khoa, 44 người đỗ trung khoa (Hương cống thời Lê). Hương ước của làng lập năm Cảnh Hưng 13 (1752), có các điều ước khuyến khích việc học của con em trong làng, như điều 3 quy định: “Kẻ sĩ chăm chỉ học hành được miễn lực dịch binh phần, đến 26 tuổi mà chưa có tên gọi vào trường thì không được dự lệ này. Ai nuôi được 2 – 3 người con chăm chỉ học hành, thông về văn lí thì được ngồi cùng hàng với thôn trưởng, nếu có người đỗ Tiến sĩ thì cho vào hội Tư văn”. Đối với người đỗ đạt, điều 2 của Hương lệ này quy định: “Ai đỗ Tiến sĩ ngạch văn, Tạo sĩ ngạch võ hai xã mừng 3 quan tiền cổ, thưởng một mẫu ruộng. Nếu người đó dự vào các ban thì cho 5 sào. Ai đỗ Sĩ vọng, võ trúng Bác cử, ai làm Quản binh, hai xã thưởng 3 sào ruộng. Ai đỗ Tứ trường cả thi văn và thi võ cũng được thưởng như vậy”…